1
a) Tên Đề tài: Các giải pháp đảm bảo an toàn tín dụng đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Mã số: ĐTNH.002/19
b) Tổ chức chủ trì thực hiện: Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN.
c) Chủ nhiệm và người tham gia chính:
- Chủ nhiệm: TS. Nguyễn Xuân Bắc, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN.
- Thư ký: ThS. Hoàng Thị Thu Hà, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN.
- Thành viên tham gia:
d) Các chủ đề nghiên cứu chính:
- Cơ sở lý luận và tổng quan nghiên cứu về tín dụng đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP;
- Thực trạng hoạt động tín dụng đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP tại các NHTM Việt Nam;
- Giải pháp đảm bảo an toàn tín dụng đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP tại các NHTM Việt Nam.
đ) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: Tháng 12/2019.
- Thời gian kết thúc: Tháng 12/2020.
e) Kinh phí thực hiện: 245 triệu đồng.
g) Kết quả thực hiện: Giỏi
h) Mô tả tóm tắt:
Nhằm đề xuất các giải pháp và đưa ra một số khuyến nghị góp phần đảm bảo an toàn tín dụng đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP tại các NHTM Việt Nam, đề tài ĐTNH.002/19 đã triển khai các nội dung nghiên cứu cụ thể sau:
Chương 1 nghiên cứu những vấn đề cơ bản về đầu tư theo hình thức PPP, gồm: hình thức, bản chất, đặc điểm của hình thức đầu tư PPP; tín dụng ngân hàng với các dự án đầu tư PPP. Chương 1 cũng nghiên cứu kinh nghiệm về quản lý tín dụng đối với các dự án PPP tại Hàn Quốc; Trung Quốc; Ấn Độ. Qua đó, nhóm nghiên cứu rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về khung pháp lý, nguồn vốn tài trợ dự án PPP, về xếp hạng tín dụng dự án PPP, Xây dựng quỹ hỗ trợ tài chính VGF.
Chương 2 phân tích cơ sở pháp lý, thực trạng việc cấp tín dụng đối với các dự án PPP và các chính sách ngành ngân hàng đã thực hiện nhằm đảm bảo an toàn tín dụng đối với các dự án PPP.
Kết quả nghiên cứu Chương 2 cho thấy các dự án PPP đến thời điểm hiện nay chủ yếu được thực hiện theo hai loại hợp đồng chính là BOT và BT. Khuôn khổ pháp lý và quá trình triển khai thực hiện các dự án PPP còn tồn tại nhiều hạn chế như: Các văn bản QPPL còn chưa rõ ràng, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế; Việc lựa chọn nhà đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư chưa hợp lý; Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn bất cập, thiếu minh bạch, công tác thiết kế, dự toán còn sai sót và chưa chặt chẽ làm tăng giá trị dự toán công trình; Các quy định của pháp luật và thực tế triển khai còn chưa hợp lý... Do đó, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các NHTM đối với việc cấp tín dụng cho các dự án PPP nhằm đảm bảo an toàn tín dụng. Ngoài ra, NHNN cũng có nhiều văn bản gửi Bộ GTVT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ nhằm đề xuất, kiến nghị sớm xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Trên cơ sở xác định quan điểm, định hướng tín dụng PPP, chương 3 của đề tài đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn tín dụng với các dự án PPP tại các NHTM Việt Nam trong thời gian tới về hoàn thiện hành lang pháp lý; hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP; về nâng cao năng lực quản trị rủi ro tín dụng của các NHTM đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP; nâng cao năng lực của doanh nghiệp tham gia triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP và đề xuất giải pháp huy động các nguồn vốn cũng như giải pháp về cơ chế chia sẻ rủi ro trong thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, NHNN, đối với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức có liên quan, các doanh nghiệp thực hiện dự án, các ngân hàng thương mại để đảm bảo an toàn tín dụng đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại các NHTM./.