1
a) Tên Đề tài: Triển khai chương trình chuyển đổi số và phát triển hoạt động ngân hàng số của hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030
Mã số: DANH.002/20
b) Tổ chức chủ trì thực hiện: Vụ Thanh Toán, NHNN.
c) Chủ nhiệm và người tham gia chính:
- Chủ nhiệm: ThS. Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh Toán, NHNN.
- Thư ký: ThS. Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng Vụ Thanh Toán, NHNN.
- Thành viên tham gia:
d) Các chủ đề nghiên cứu chính:
- Tổng quan về chuyển đổi số và hoạt động ngân hàng số;
- Thực tiễn triển khai số hóa hoạt động ngân hàng trên thế giới;
- Thực trạng chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số tại Việt Nam;
- Giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam.
đ) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: Tháng 01/2021.
- Thời gian kết thúc: Tháng 01/2022.
e) Kinh phí thực hiện: 250 triệu đồng.
g) Kết quả thực hiện: Giỏi
h) Mô tả tóm tắt:
Nhằm nghiên cứu thực tiễn hoạt động triển khai số hóa hoạt động ngân hàng trên thế giới, đánh giá thực trạng thực trạng chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số tại Việt Nam để đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam, dự án DANH.002/20 đã triển khai các nội dung nghiên cứu cụ thể sau:
Chương 1 nghiên cứu tổng quan về chuyển đổi số và hoạt động ngân hàng số, bao gồm: khái niệm về chuyển đổi số, chuyển đổi số trong ngân hàng, hoạt động ngân hàng số và sự khác nhau giữa hoạt động ngân hàng số với hoạt động ngân hàng truyền thống. Chương 1 cũng nghiên cứu về lợi ích của chuyển đổi số ngành ngân hàng và phát triển hoạt động ngân hàng số. Nghiên cứu cho thấy việc phát triển hoạt động ngân hàng số mang lại nhiều lợi ích so với hoạt động ngân hàng truyền thống, nhưng đồng thời nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, do vậy để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo ổn định tài chính, NHTW cần giám sát sự phát triển của Fintech và hoạt động ngân hàng số.
Chương 2 nghiên cứu về thực tiễn triển khai số hóa hoạt động ngân hàng trên thế giới. Trong chương này, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu hoạt động chuyển đổi số tại các ngân hàng truyền thống và xu hướng tham gia vào lĩnh vực ngân hàng của các công ty công nghệ tài chính (Fintech)/Công ty công nghệ lớn (BigTech). Đồng thời, nhóm cũng nghiên cứu cơ chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý, giám sát thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng, phát triển hoạt động ngân hàng số trên thế giới như: (i) Chính sách về giao dịch điện tử và định danh điện tử; (ii) Chính sách về dữ liệu; (iii) Chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng, công nghệ, an toàn thông tin; (iv) Chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số và đổi mới sang tạo trong ngành ngân hàng. Qua thực tiễn hoạt động các nước trên thế giới, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, đặc biệt là đối với các ngân hàng thương mại và cơ quan quản lý.
Chương 3 nghiên cứu thực trạng chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số tại Việt Nam. Trong chương này, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu các cơ chế chính sách, các quy định pháp lý liên quan đến chuyển đổi số ngân hàng, phát triển ngân hàng số tại Việt Nam: (i) Quy định về giao dịch ngân hàng trên kênh số; định danh, xác thực điện tử trong ngành ngân hàng; (ii) Quy định về lưu trữ, bảo vệ dữ liệu, chia sẻ dữ liệu khách hàng; (iii) Quy định về hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn, bảo mật giao dịch ngân hàng; và (iv) Quy định về việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng (thanh toán, tín dụng, tiền gửi,…). Để đánh giá thực trạng triển khai, xu hướng chuyển đổi số ngân hàng, phát triển hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam, nhóm đã tiến hành khảo sát 08 nhóm vấn đề chính, bao gồm: (i) Việc xây dựng chuyển đổi chiến lược số; (ii) Ý kiến về mặt cơ chế, chính sách; (iii) Hệ thống, hạ tầng và công nghệ; (iv) Cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng; (v) Thu thập, sử dụng và chia sẻ dữ liệu; (vi) Hoạt động nghiệp vụ, vận hàng nội bộ (back-end); (vii) Nguồn lực cho chuyển đổi số; và (viii) Những thách thức và đề xuất, kiến nghị. Trên cơ sở thực trạng triển khai hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu cũng đã đánh giá được các cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số và phát triển hoạt động ngân hàng số.
Tại Chương 4, nhóm nghiên cứu đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất quan điểm và mục tiêu chuyển đổi số ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Trên cơ sở đó, nhóm đã đề xuất 08 nhóm giải pháp gồm: (i) chuyển đổi nhận thức, (ii) hoàn thiện thể chế, (iii) phát triển hạ tầng, (iv) hình thành và phát triển mô hình ngân hàng số, (v)phát triển và khai thác dữ liệu, (vi) đảm bảo an ninh an toàn, (vii) phát triển nguồn nhân lực; và (viii) một số giải pháp hỗ trợ khác./.