1
a) Tên Đề tài: Các giải pháp thanh toán trực tuyến cho dịch vụ công của chính phủ điện tử
Mã số: ĐTNH.005/20
b) Tổ chức chủ trì thực hiện: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
c) Chủ nhiệm và người tham gia chính:
- Chủ nhiệm: ThS. Đào Minh Tuấn, Nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
- Thư ký: ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng, Phòng Phát triển kênh số và đối tác, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
- Thành viên tham gia:
TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ.
ThS. Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
ThS. Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS).
Kỹ sư Phạm Thành Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm công nghệ thông tin, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
ThS. Nguyễn Thị Thu Dung, Phó trưởng phòng Chính sách và quản lý hệ thống thanh toán, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
CN. Lê Thị Việt Thảo, Trưởng phòng, Phòng Quản lý Đề án công nghệ, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
CN. Hoàng Thị Thanh Hà, Cán bộ, Phòng Phát triển kênh số và đối tác, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
ThS. Nguyễn Khánh Vân, Cán bộ, Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
d) Các chủ đề nghiên cứu chính:
- Lý luận chung về Chính phủ điện tử và các giải pháp thanh toán.
- Thực trạng triển khai các giải pháp thanh toán dịch vụ công cho Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
- Đề xuất các giải pháp thanh toán cho Chính phủ điện tử của các NHTM và các Trung gian thanh toán (TGTT).
đ) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: Tháng 9/2020
- Thời gian kết thúc: Tháng 4/2022
e) Kinh phí thực hiện: 220 triệu đồng.
g) Kết quả thực hiện: Giỏi
h) Mô tả tóm tắt:
Nhằm xây dựng các giải pháp thanh toán hiện đại, phù hợp với xu thế cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đáp ứng được yêu cầu đặt ra của Chính phủ điện tử (CPĐT), đề tài ĐTNH.005/20 đã triển khai các nội dung nghiên cứu cụ thể sau:
Chương 1 nghiên cứu lý luận chung về CPĐT; sự cần thiết của thanh toán điện tử và các phương thức thanh toán điện tử cho CPĐT - Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG); các lợi ích/hạn chế của thanh toán điện tử. Chương 1 cũng nghiên cứu kinh nghiệm triển khai giải pháp thanh toán cho CPĐT của 1 số nước khá thành công trên thế giới như Hàn quốc, Singapore, Anh, Estonia, qua đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, gồm:
- Cần sự quyết tâm, thống nhất quan điểm chỉ đạo của những người đứng đầu trong việc xây dựng các chiến lược phát triển CPĐT và bám sát mục tiêu đề ra.
- Cần nghiên cứu, giao nhiệm vụ xây dựng thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc triển khai cải cách dịch vụ công hướng đến dịch vụ công trực tuyến, các giao dịch thanh toán dịch vụ công trên môi trường mạng, hoạt động thanh toán điện tử và xây dựng CPĐT.
- Cần xây dựng Cổng DVCQG với mục tiêu lấy người dùng làm trung tâm, đáp ứng các nhu cầu sử dụng dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp trên cả nước.
- Cần có những giải pháp cụ thể từ phía NHNN cũng như các NHTM, TGTT để cung cấp các dịch vụ thanh toán cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội.
- Cần chú trọng công tác truyền thông và đào tạo, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc tiếp cận để nắm bắt được DVCTT và thanh toán điện tử.
Chương 2 nghiên cứu thực trạng phát triển các giải pháp thanh toán trực tuyến dịch vụ công cho Chính phủ điện tử tại Việt Nam và thực trạng triển khai thanh toán trực tuyến dịch vụ công tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu tại Chương 2 cho thấy thời gian qua, việc phát triển CPĐT nói chung và cung cấp DVCTT nói riêng tại Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt. Theo báo cáo đánh giá chỉ số phát triển CPĐT - EGDI (E-Government Development Index) của Liên hợp quốc, năm 2020, Việt Nam xếp hạng thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 02 bậc so với năm 2018).
Về kết nối với Cổng DVCQG, hầu hết các các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có cổng thông tin điện tử cung cấp DVCTT, nhiều bộ có số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt đến hàng triệu hồ sơ như Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Về cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các NHTM và TGTT đã triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến cho dịch vụ công từ rất sớm. Sự tương tác giữa NHTM và TGTT đã thực sự có tác động tích cực tới hiệu quả hoạt động thanh toán nói chung và trong lĩnh vực CPĐT. Tuy nhiên, việc phát triển các giải pháp thanh toán trực tuyến dịch vụ công cho CPĐT tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như: chưa đạt được hiệu quả cao so với tiềm năng của dịch vụ thanh toán; cơ sở pháp lý chưa đầy đủ; việc cung cấp DVCTT tại các bộ, ngành, địa phương chưa phát huy hiệu quả cao... Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra một số nguyên nhân như các giải pháp thanh toán áp dụng cho dịch vụ công còn nhiều hạn chế; phương tiện cung cấp dịch vụ công cho CPĐT mới chỉ trên phiên bản web trên máy tính; trải nghiệm của khách hàng đối với DVCTT và thanh toán điện tử còn chưa được chú trọng; thiếu sự đồng bộ trong việc xây dựng, phối hợp giữa các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong việc tạo ra các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ hành chính công trực tuyến; vấn đề chi phí và doanh thu từ phí...
Tại chương 3, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích định hướng phát triển giải pháp thanh toán dịch vụ công cho CPĐT và đề xuất 05 giải pháp cụ thể, gồm: Giải pháp thanh toán QR code; Giải pháp thanh toán thẻ Tokenization; Giải pháp thanh toán từ ứng dụng Cổng DVCQG trên thiết bị di động sang ứng dụng thanh toán trên thiết bị di động của NHTM và ví điện tử (App to App); Giải pháp thanh toán trên các kênh của NHTM/TGTT kết nối với Cổng DVCQG (thanh toán Billing) và giải pháp chuẩn hóa hệ thống định danh các khoản thu nộp NSNN theo số ID giao dịch duy nhất. Với mỗi giải pháp, nhóm nghiên cứu đều thực hiện mô tả giải pháp; xác định đối tượng khách hàng, mô tả hệ thống công nghệ sử dụng và đề xuất quy trình xử lý giao dịch. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất để thúc đẩy hoạt động thanh toán trực tuyến dịch vụ công của Chính phủ điện tử về 04 nhóm vấn đề chủ yếu là:
- Xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử cho CPĐT;
- Xây dựng các chính sách khuyến khích thúc đẩy sử dụng thanh toán điện tử;
- Xây dựng các biện pháp nâng cao nhận thức của khách hàng đối với thanh toán điện tử;
- Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu xây dựng CPĐT.