1
a) Tên Đề tài: Tác động của tài chính toàn diện đến giảm nghèo đa chiều tại Việt Nam
Mã số: ĐTNH.024/20
b) Tổ chức chủ trì thực hiện: Học viện Ngân hàng.
c) Chủ nhiệm và người tham gia chính:
- Chủ nhiệm: TS. Trần Thị Thanh Hương, Trưởng bộ môn Khoa Kế toán - Kiểm toán, Học viện Ngân hàng.
- Thư ký: TS. Phạm Thu Hằng, Giảng viên chính, Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng.
- Thành viên tham gia:
d) Các chủ đề nghiên cứu chính:
- Cơ sở lý luận về tài chính toàn diện, nghèo đa chiều và tác động của tài chính toàn diện đến nghèo đa chiều;
- Thực trạng tài chính toàn diện và nghèo đa chiều tại Việt Nam;
- Đánh giá tác động của tài chính toàn diện đến giảm nghèo đa chiều tại Việt Nam;
- Một số khuyến nghị chính sách.
đ) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: Tháng 3/2021
- Thời gian kết thúc: Tháng 5/2022
e) Kinh phí thực hiện: 175 triệu đồng.
g) Kết quả thực hiện: Giỏi
h) Mô tả tóm tắt:
Nhằm mục tiêu đề xuất giải pháp thúc đẩy tác động của tài chính toàn diện đến giảm nghèo đa chiều của Việt Nam, đề tài ĐTNH.024/20 đã triển khai các nội dung nghiên cứu cụ thể sau:
Chương 1 nghiên cứu cơ sở lý thuyết về tài chính toàn diện, nghèo đa chiều và tác động của tài chính toàn diện đến nghèo đa chiều, bao gồm các vấn đề tổng quan, tác động của tài chính toàn diện đến nghèo đa chiều, kinh nghiệm của một số quốc gia về tác động của tài chính toàn diện đến nghèo đa chiều và về thúc đẩy tài chính toàn diện nhằm giảm nghèo đa chiều. Qua đó, nhóm nghiên cứu rút ra một số bài học cho Việt Nam như:
- Tác động của tài chính toàn diện (FI) đối với tình trạng nghèo tuyệt đối ở cấp hộ gia đình có ý nghĩa quan trọng đối với các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. FI làm giảm đáng kể xác suất nghèo tuyệt đối của các hộ gia đình,có thể bù đắp cho việc thiếu cơ hội đi học, giảm động cơ đô thị hóa, bù đắp cho sự thiếu hụt tài sản của các hộ gia đình nghèo.
- Để đạt được mục tiêu xoá đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển FI được nhấn mạnh là một trong những chính sách phát triển tài chính quan trọng. Chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách để cải cách hệ thống thanh toán, từng bước tăng cường sự tiện ích và bảo mật nhằm thu hút người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng, hạn chế trao đổi tiền mặt và thúc đẩy thanh toán điện tử.
- Sự thành công trong việc thúc đẩy FI chủ yếu dựa trên đường lối đặc thù trong phát triển ngành tài chính, như tăng cường các ngân hàng và tổ chức tài chính, phát triển các công cụ tài chính mới và các kênh phân phối để tiếp cận với người nghèo, điều chỉnh các quy định và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng tài chính, đặc biệt là hệ thống thanh toán quốc gia. Để thúc đẩy phát triển FI qua đó giảm tỷ lệ nghèo, Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng tài chính, hạ tầng công nghệ thông tin; đổi mới ngân hàng số, xây dựng ngân hàng di động, ứng dụng công nghệ hiện đại để người dân được tiếp cận các sản phẩm/dịch vụ tài chính được thuận lợi.
Tại chương 2 và chương 3, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích định tính và định lượng thực trạng tài chính toàn diện tại Việt Nam, thực trạng nghèo đa chiều và vấn đề giảm nghèo đa chiều bền vững ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu chương 2 và chương 3 cho thấy từ năm 2016 đến năm 2020, chiến lược giảm nghèo của Việt Nam đã gặt hái được những kết quả như: Tỷ lệ hộ nghèo có xu hướng giảm chung nhưng tốc độ giảm nghèo nhìn chung còn chậm, mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ cơ bản xã hội thì không có sự thay đổi đáng kể; Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn cao hơn so với thành thị, tập trung phần lớn ở trung du miền núi phía Bắc, Tây nguyên và khu vực Duyên hải miền Trung; Mức độ thiếu hụt theo chuẩn đa chiều quốc gia nhìn chung có xu hướng giảm nhẹ...
Tại chương 4, nhóm tác giả tổng hợp về một số chính sách và chương trình nhằm thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện hướng tới giảm nghèo đa chiều của Việt Nam định hướng đến năm 2030, đưa ra một số khuyến nghị chính sách trong dài hạn để thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, giảm nghèo đa chiều và các điều kiện để thực hiện được các nội dung đề ra./.