Skip to content
English

Trích dẫn một số điều trong Bộ luật hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 100/2015/QH13, Luật Ngân hàng Nhà nước số 46/2010/QH12 và Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg về việc bảo vệ tiền Việt Nam.

1. Tiền Việt Nam:

Tiền Việt Nam gồm tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành (Quy định tại Điều 2 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg).

2. Tiền giả:

Tiền giả là những loại tiền được làm giả giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức in, đúc, phát hành (Quy định tại Điều 2 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg).

3. Những hành vi bị nghiêm cấm:

- Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả;

- Hủy hoại đồng tiền trái pháp luật;

- Sao, chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp nhận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

- Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.

(Quy định tại Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước số 46/2010/QH12 và Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg)

4. Quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ tiền Việt Nam:

- Bảo quản tiền Việt Nam trong quá trình quản lý, sử dụng.

- Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoặc cơ quan Công an giám định tiền.

- Kịp thời thông báo cơ quan công an hoặc bộ đội biên phòng, hải quan nơi gần nhất về những hành vi vi phạm quy định tại Điều 3, Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg (nêu tại điểm 3 trên đây).

- Cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân có tiền giả phải kịp thời giao nộp cho cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước, bộ đội biên phòng hoặc cơ quan hải quan nơi thuận tiện nhất.

- Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước và tổ chức khác có hoạt động ngân hàng, cơ quan hải quan, bộ đội biên phòng khi phát hiện tiền giả phải tiến hành lập biên bản thu giữ; phát hiện tiền nghi giả phải lập biên bản tạm

thu giữ và kịp thời thông báo cơ quan công an nơi gần nhất.

(Quy định tại Điều 4 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg)

5. Các hình phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam và phòng chống tiền giả:

5.1. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả:

1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(Quy định tại Điều 207 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13)

5.2. Tội che giấu tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả:

1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

(Quy định tại Điều 389 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13)

5.3. Tội không tố giác tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả:

1. Người nào biết rõ tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

(Quy định tại Điều 390 Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13)

Chung nhan Tin Nhiem MangGiao diện desktop