Skip to content
Bài phát biểu của Phó Thống đốc Đào MinhTú tại Hội thảo khoa học Ngân hàng Chính sách xã hội - 15 năm một chặng đường
| Cỡ chữ: A-A+ | Tương phản |

PHÁT BIỂU CHỈ ĐẠO

CỦA LÃNH ĐẠO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC TẠI HỘI THẢO KHOA HỌC

NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI – 15 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

***

 

Kính thưa Quý vị đại biểu!

Hôm nay, Tôi rất vui mừng được thay mặt Ban lãnh đạo NHNN đến tham dự và phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Ngân hàng Chính sách xã hội – 15 năm một chặng đường”. Đây là hoạt động rất thiết thực và có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 15 năm thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội. Việc nghiên cứu những thành công và những tồn tại, khó khăn để đúc rút kinh nghiệm và hoàn thiện, bổ sung định hướng, cũng như giải pháp tổ chức thực hiện hoạt động tín dụng chính sách là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với cơ quan hoạch định chính sách và NHCSXH. Tôi xin kính chúc các quý vị đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học sức khỏe, hạnh phúc và thành công, chúc Hội thảo của chúng ta gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp.

Thưa Quý vị đại biểu!

Như quý vị đã biết, trước đòi hỏi mới trong công tác xóa đói, giảm nghèo, ngày 04/10/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ Người nghèo nhằm thực hiện có hiệu quả hơn các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội bền vững, toàn diện.

Sau 15 năm củng cố và phát triển với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống, NHCSXH đã cơ bản thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà giao phó.

Thứ nhất, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách với cơ cấu nguồn vốn chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn tự huy động, giảm dần tỷ lệ vốn cấp từ Ngân sách nhà nước, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, mặc dù có những thời điểm khó khăn nhưng nguồn vốn tín dụng chính sách thời gian qua đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thứ hai, các chương trình tín dụng chính sách đạt hiệu quả kinh tế - xã hội. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay NHCSXH đã và đang triển khai cho vay 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác thực hiện. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, giúp trên 31,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,7 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, trên 104 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gần 525 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; trên 111 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...

Thứ ba, xây dựng và tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù của Việt Nam thông qua việc uỷ thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội, giúp đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay và đúng đối tượng thụ hưởng với chi phí thấp nhất và đạt chất lượng tín dụng cao nhất. Qua đó đã giảm tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH từ mức 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao xuống còn 0,82% tại thời điểm 31/7/2017.

Thứ tư, đã thiết lập được mô hình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách đặc thù, hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam với sự tham gia của nhiều tổ cức chính trị – xã hội và mô hình Hội đồng quản trị (HĐQT) ở Trung ương, Ban đại diện HĐQT ở các cấp tỉnh, cấp huyện cùng Bộ máy điều hành tác nghiệp. HĐQT ở Trung ương có sự tham gia của đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ban ngành Trung ương và 4 tổ chức chính trị - xã hội lớn nhất tại Việt Nam, trong đó Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.

Với mô hình hoạt động ưu việt, hiệu quả, hiệu lực của NHCSXH, các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã được truyền tải một cách kịp thời tới các đối tượng thụ hưởng, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, thay đổi cơ bản nhận thức của người nghèo về ý thức tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tự có và tích lũy cho tương lai, hoàn thành cơ bản chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững qua các thời kỳ, đưa tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%, giai đoạn 2011-2015 giảm từ 11,8% xuống còn 4,25%. Đồng thời, giảm số lượng xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn từ 4.188 xã, 428 huyện, 57 tỉnh năm 2007 xuống còn 3.815 xã, 420 huyện, 53 tỉnh năm 2017.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của NHCSXH cũng còn một số vấn đề đặt ra cần nghiên cứu, thảo luận để tìm những giải pháp hỗ trợ, đổi mới như sau:

(1). Nguồn vốn cho vay còn thiếu so với nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng. Việc bố trí nguồn vốn để thực hiện tín dụng chính sách còn chưa kịp thời và còn có khoảng cách lớn giữa nhu cầu vốn của các chương trình an sinh xã hội do Nhà nước giao cho NHCSXH thực hiện với thực tế vốn được bố trí trong kế hoạch ngân sách nhà nước hàng năm. Trong đó, Ngân sách nhà nước còn cấp thiếu vốn điều lệ cho NHCSXH; một số chương trình tín dụng chính sách đã có hiệu lực nhưng chưa được ngân sách nhà nước bố trí vốn kịp thời, tạo áp lực đối với NHCSXH trước nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng chính sách và chính quyền địa phương...

(2). Hiệu quả tín dụng chưa đồng đều giữa các địa phương, tỉ lệ nợ quá hạn ở một số địa phương còn ở mức cao, nhất là một số địa phương khu vực Tây Nam bộ.

(3). Còn thiếu cơ chế gắn kết thống nhất và hiệu quả để lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội, giữa hoạt động tín dụng của NHCSXH với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao công nghệ... của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, làm giảm hiệu quả xóa đói, giảm nghèo bền vững.

(4). Sự kết hợp giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại để hỗ trợ hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác chưa chặt chẽ, chưa tạo được hiệu ứng tích cực giúp các đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi có điều kiện tiếp cận với tín dụng thương mại để thoát nghèo và vượt quá khó khăn bền vững.

(5). Thiếu các loại hình tín dụng vi mô đa dạng khác để cùng tạo hiệu ứng giải quyết bài toán vốn tại chỗ cho người nghèo, đối tượng chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

(6). Cơ chế truyền tải vốn tín dụng chính sách đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn khá hạn chế do giao thông gặp nhiều khó khăn, chi phí tổ chức thực hiện lớn hơn các vùng khác, số lượng cán bộ còn thiếu...

Thưa Quý vị đại biểu!

Mặc dù đã đạt được những thành tựu được quốc tế công nhận, nhưng công cuộc giảm nghèo của Việt Nam vẫn đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Kể từ khi trở thành nước có mức thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chậm lại, đồng nghĩa với thu nhập của một bộ phận người dân sẽ ít được cải thiện hơn và người nghèo sẽ là nhóm dễ bị tổn thương hơn cả. Tốc độ giảm nghèo của Việt Nam đã chậm dần và để tỷ lệ nghèo giảm 1 điểm phần trăm sẽ ngày càng khó khăn hơn so với trước đây, đồng nghĩa với công tác giảm nghèo sẽ trở nên ngày một tốn kém hơn, đòi hỏi phải có nguồn lực dồi dào hơn nữa cho công tác giảm nghèo. Ngoài ra, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, giảm nghèo không chỉ là lo cho người nghèo về thu nhập mà còn phải tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ tối thiểu, nâng cao mức sống toàn diện cho người dân.

Những vấn đề này đã, đang và sẽ đặt ra nhiều thách thức cho NHCSXH trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngân hàng là phát triển ngân hàng theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước, tạo bước đột phá trong giảm nghèo. Để hoàn thành mục tiêu chiến lược này, đòi hỏi phải thực hiện được một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, như:

(i) Củng cố và hoàn thiện thêm một bước phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách và mô hình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách;

(ii) Đánh giá lại hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách hiện nay để có định hướng thực hiện trong thời gian tới theo hướng kết thúc những chương trình đạt hiệu quả thấp và tập trung cho vay các chương trình đạt hiệu quả cao, có nhiều đối tượng thụ hưởng, tránh cho vay dàn trải trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn và chuẩn nghèo ngày càng toàn diện.

(iii) Cần gắn kết tín dụng chính sách với tín dụng thương mại nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khi hết thời gian vay vốn ưu đãi có thể tiếp cận ngay với nguồn vốn tín dụng thương mại. Như thế mới giúp họ ổn định làm ăn và thoát nghèo bền vững.

Trong khuôn khổ Hội thảo này, tôi mong các quý vị đại biểu đại diện cho các cơ quản lý, các nhà khoa học và các cán bộ ngân hàng cùng dành thời gian cùng nhìn nhận, đánh giá những kết quả NHCSXH đã đạt được, những khó khăn, thách thức đặt ra trong công tác xóa đói giảm nghèo thời gian tới để cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra các đề xuất, kiến nghị xác đáng, thiết thực, giúp cho hoạt động của NHCSXH nói riêng, hoạt động giảm nghèo bền vững nói chung đạt được những kết quả vượt bậc trong giai đoạn tiếp theo.

Tôi tin tưởng rằng với tâm huyết và trí tuệ của các quý vị đại biểu, Hội thảo của chúng ta sẽ tổng hợp được những ý kiến đánh giá xác đáng và các đề xuất, kiến nghị khả thi, góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước và NHCSXH xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các định hướng và giải pháp trong công tác giảm nghèo thời gian tới.

Thưa Quý vị đại biểu,

Một lần nữa, thay mặt Ban lãnh đạo NHNN, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới toàn thể quý vị đại biểu đã đến dự buổi hội thảo hôm nay.

Chúc sức khỏe quý vị đại biểu!

Chúc hội thảo thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn!

2467 lượt xem
Bài phát biểu của Phó Thống đốc Đào Minh Tú tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập NHTMCP Sài Gòn Công Thương
Bài phát biểu của Phó Thống đốc Đào Minh Tú tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập BIDV – chi nhánh Hà Nội
bài phát biểu của Thống đốc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4
Bài phát biểu của Đ/c Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc NHNN tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam
Phát biểu của Thống đốc NHNN tại Chương trình THTT "Huyền thoại con đường tiền tệ" ngày 17/4/2015
Phát biểu của Phó Thống đốc Đào Minh Tú tại Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức Cơ quan NHNNTW 2015
© Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Địa chỉ : Số 49 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà NộiThường trực Ban biên tập : (84 - 243) 266.9435Email : thuongtrucweb@sbv.gov.vnRSS
Chung nhan Tin Nhiem Mang Số điện thoại tổng đài Ngân hàng Nhà nước: (84 - 243) 936.6306