Skip to content
Cỡ chữ: A-A+

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

1. Quá trình gia nhập và thiết lập quan hệ

Chính quyền Sài gòn cũ trở thành thành viên chính thức của ADB vào năm 1966 và là một trong những thành viên sáng lập nên tổ chức tài chính quốc tế này. Năm 1976, CHXHCN Việt Nam tiếp quản chân hội viên ADB của chính quyền Sài gòn cũ và kế thừa vai trò này kể từ đó đến nay. Sau một thời gian gián đoạn (1979 – 1992), vào tháng 10/1993, quan hệ Việt nam - ADB đã chính thức được nối lại và kể từ đó đến nay, mối quan hệ này ngày càng được duy trì, củng cố và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt nam.

Trong cơ cấu nhóm nước thành viên ADB,Việt Nam cùng các nước khác trong cùng nhóm nước đại diện tại ADB (bao gồm Hàn Quốc, Papua New Guinea, Sri Lanka, Đài Loan, Uzbekistan, Vanuatu và Việt Nam) thực hiện quyền, nghĩa vụ cũng như tiếng nói của mình thông qua Văn phòng nhóm (ED Office) do ông In-Chang SONG (quốc tịch Hàn quốc, đại diện cho cổ đông lớn nhất trong nhóm) đứng đầu. Văn phòng ED là cơ quan thường trực, đại diện cho quyền lợi, nghĩa vụ và nguyện vọng của các nước hội viên nhóm. Ông In-Chang SONG đứng đầu Văn phòng ED, trực tiếp tham gia và là 1 trong 12 thành viên của Ban Giám đốc điều hành (BOD), thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của BOD tại ADB.

2. Thành lập Văn phòng đại diện thường trú

ADB đã chính thức mở Văn phòng đại diện thường trú (Vietnam Resident Mision - VRM) tại Hà Nội vào năm 1997 theo Hiệp định thành lập cơ quan đại diện thường trú ADB được ký kết giữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch ADB ngày 19/12/1996, và kể từ đó đến nay, Văn phòng ADB trở thành cầu nối góp phần tăng cường, liên kết hoạt động, nghiệp vụ của ADB với phía chính phủ, khu vực tư nhân, các đối tác phát triển tại Việt Nam. Văn phòng ADB đã và đang tham gia vào các diễn đàn đối thoại chính sách, diễn đàn tài trợ, là đầu mối chia sẻ kiến thức và hợp tác trong nhiều vấn đề liên quan đến phát triển tại Việt Nam.

Hiện tại Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam là ông Andrew Jeffries, Quốc tịch Mỹ, nhậm chức kể từ tháng 8/2020. Trước đó kể từ khi nối lại quan hệ vào năm 1993, Văn phòng ADB đã có 4 người đảm nhiệm chức danh Giám đốc ADB tại Việt Nam gồm các ông Jean-Pierre Verbiest (1996 – 1998), John Samy (1999 – 2002), Bradford Phillips (2003 – 2005), ông Ayumi Konishi (2006 - 2011), ông Tomoyuki Kimura (2011-2015), ông Eric Sidgwick (2015-2020), và ông Andrew Jeffries (2020-2022).

3. Tư cách đại diện, cổ phần và quyền bỏ phiếu của Việt Nam tại ADB

Về cơ quan đại diện, kế từ khi tiếp quản chân hội viên vào năm 1976 và nối lại quan hệ song phương vào năm 1993 cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được Chính phủ giao làm cơ quan đại diện chính thức của nước CHXHCN Việt Nam tại tổ chức này, cùng với vị trí đại diện cho Việt Nam tại nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Về người đại diện của Việt Nam tại Hội đồng Thống đốc ADB, hiện tại Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh giữ chức Thống đốc và Thống đốc phụ khuyết đại diện cho Việt Nam tại Hội đồng Thống đốc, cơ quan quyền lực tối cao của ADB, trực tiếp tham gia bỏ phiếu các Nghị quyết, chính sách quan trọng của ADB; bầu và bãi nhiệm các chức danh chủ chốt của ADB.

Về tỷ trọng cổ phần và quyền bỏ phiếu, tính đến tháng 1/2015, Việt Nam là cổ đông lớn thứ 21 trong số thành viên ADB thuộc khu vực Châu Á và lớn thứ 29 trong tổng số tất cả các nước thành viên của tổ chức này. Số cổ phần của Việt Nam tại ADB là 36.228 cổ phần (chiếm 0,341%) tương đương với 75.342 quyền bỏ phiếu (chiếm 0,572%) thuộc nhóm các nước được vay hỗn hợp từ nguồn vốn ưu đãi (ADF) và nguồn vốn vay thông thường (OCR), trong đó tỷ trọng vốn vay giữa ADF/OCR tương đương là 30% và 70%.

4. Thực hiện nghĩa vụ hội viên góp vốn tại ADB

Về thực hiện nghĩa vụ góp vốn, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các lần góp vốn chung (General Capital Increase – GCI) của ADB từ GCI-III đến GCI-V, thể hiện qua việc góp vốn trực tiếp bằng tiền mặt ngoại tệ và hối phiếu nhận nợ/tiền mặt bằng nội tệ cho tổ chức này, tương tự như các nước hội viên khác.

Về Góp vốn GCI-V, tháng 4/2009, ADB đã thông qua chủ trương thực hiện đợt Tăng vốn chung thứ 5 (GCI-V), triển khai trong giai đoạn kéo dài từ 2011 - 2015 với mức tăng cổ phần tương ứng của các thành viên được phân bổ là 200% nhằm hỗ trợ ADB củng cố nguồn lực và để tiếp tục duy trì vai trò đối tác phát triển hàng đầu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tăng cường khả năng đáp ứng đối với nhu cầu đầu tư các quốc gia thành viên vay cũng như đáp ứng được nhu cầu của các quốc gia vay mới. Theo đó qua lần tăng vốn GCI-V, số vốn ADB sẽ tăng gần 3 lần, từ 55 tỷ USD lên 165 tỷ USD.

Về nghĩa vụ góp vốn của Việt Nam trong GCI-V, trong giai đoạn từ 2011 – 2015, hàng năm Việt Nam thực hiện góp vốn tại ADB, trong đó 40% sẽ góp bằng tiền bằng đồng tiền tự do chuyển đổi (đồng USD hoặc SDR); và 60% còn lại là góp vốn bằng nội tệ, bằng tiền mặt hoặc bằng hối phiếu nhận nợ. Về hoán đổi hối phiếu nhận nợ góp vốn sang VNĐ chuyển trả ADB, theo quyết định phê duyệt của Ban Giám đốc ADB về Đợt tăng vốn chung lần thứ 5 của ADB (GCI-V), Việt Nam đã phát hành 05 hối phiếu nhận nợ sẽ được chuyển đổi thành tiền mặt từng phần theo GCI V. Việt Nam đã chuyển trả tiền mặt cho ADB với số tiền đã cam kết theo hối phiếu nhận nợ 9 lần trong giai đoạn từ năm 2011-2021. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành mọi nghĩa vụ góp vốn với ADB.

5. Quan hệ tín dụng/ tài trợ giai đoạn 1993 – 2019

Quan hệ tài trợ ADB – Việt Nam từ trước tới nay thực hiện qua 2 kênh, đó là kênh tài trợ cho Chính phủ và kênh ADB tài trợ/đầu tư trực tiếp cho khu vực tư nhân.

5.1. Kênh tài trợ cho Chính phủ (Sovereign Financing)

5.1.1. Giai đoạn 1993 – 2017: Trong giai đoạn này ADB phê duyệt tài trợ 173 chương trình/dự án vốn vay với tổng trị giá lũy kế trên 16 tỷ USD (trong đó có gần 140 dự án sử dụng nguồn vốn ADF với trị giá hơn 8 tỷ USD); 310 dự án HTKT trị giá gần 310 triệu USD, 44 khoản viện trợ không hoàn lại (Grant) với tổng trị giá gần 348,5 triệu USD.

Về tỷ trọng tài trợ, các ngành/ lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn vay ADB là giao thông (34,5%); năng lượng (17,3%); quản lý khu vực công (10,88%); nông nghiệp (10,57%) và cấp nước và cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị (9,39%).

5.1.2. Giai đoạn 2017 – 2019: Đây là 2 năm cuối cùng Việt Nam được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi ADF trước khi tốt nghiệp ADF vào 1/1/2019 do đã chuyển sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình.

Trong giai đoạn 2017 – 2018, tổng phê duyệt tài trợ vốn vay của ADB cho Việt Nam khoảng 1.145,96 triệu USD, trong đó: năm 2017, ADB duyệt cho vay 469 triệu USD cho 3 chương trình/ dự án; năm 2018, hai bên đã tiến hành đàm phán và phê duyệt tài trợ đối với 8 chương trình/dự án vay được xác định trong danh mục đàm phán năm 2018 với tổng trị giá tài trợ là 817,96 triệu USD để tận dụng hết nguồn ADF còn lại trong năm 2018 trước khi tốt nghiệp ADF từ tháng 1/1/2019.

5.1.3. Đánh giá chung việc thực hiện danh mục tài trợ ADB giai đoạn 1993 – 2019

Trong giai đoạn 1993 – 2010 và giai đoạn 2011 – 2018, số vốn cam kết tài trợ của ADB và số vốn thực tế được ADB phê duyệt có sự khác biệt (chủ yếu là do kết quả thực hiện dự án). Nhiều dự án lớn trong giai đoạn này do tiến độ chuẩn bị không đáp ứng được yêu cầu nên đã phải chuyển sang tài khóa kế tiếp.

Về số lượng và giá trị tài trợ, tính đến hết năm 2018, tổng số tiền phê duyệt tài trợ lũy kế của ADB cho Việt Nam là 16,71 tỷ USD cho 544 chương trình, dự án (bao gồm cả dự án vay và các khoản viện trợ không hoàn lại, HTKT), được phân bổ như Bảng dưới đây:

Cam kết tài trợ của ADB đối với Việt Nam giai đoạn 1993 – 2018

Lĩnh vực

Số lượng

dự án/chương trình

Giá trị

(triệu USD)

Giao thông

86

5.68

Năng lượng

56

2.82

Nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và phát triển nông thôn

103

1.84

Quản lý khu vực công

87

1.82

Nước, cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị

55

1.58

Giáo dục

42

1.04

Tài chính

54

1.01

Y tế

39

0.57

Công nghiệp và thương mại

15

0.2

Đa ngành

7

0.15

TỔNG

544

16.71

Ghi chú: Số liệu trên bao gồm cả tính vốn cho vay và các khoản viện trợ không hoàn lại, HTKT.

Về mục tiêu tài trợ: Các chương trình, dự án hỗ trợ của ADB cho Việt Nam đều được xây dựng gắn với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam qua từng thời kỳ. Trong giai đoạn 1993 – 2010, danh mục tài trợ của ADB hết sức đa dạng: ngành phát triển No&NT và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên chiếm 13,13%; giáo dục 4,61%; năng lượng 19,71%; tài chính – ngân hàng 4,78%; y tế, dinh dưỡng và bảo đảm xã hội 2,63%; công nghiệp và thương mại 1%; quản lý khu vực công 9,62%; giao thông và công nghệ thông tin 36,85%; nước, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ khác 5,53%; đa ngành 2,14%. Trong giai đoạn 2011 – 2018, các chương trình hỗ trợ của ADB tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ truyền thống như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng nông thôn, giao thông đô thị, năng lượng nhưng đã có sự thay đổi nhất định để đáp ứng nhu cầu thực tiễn về mở rộng, kết nối hành lang kinh tế quốc tế khu vực và nội địa, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh.

Về phương thức tài trợ. Phương thức tài trợ của ADB ngày càng đa dạng hơn, ngoài các khoản vay dự án truyền thống và từ nguồn ưu đãi (ADF), ADB đã và đang triển khai các thể thức cho vay mới đối với Việt Nam (như cho vay từ nguồn vốn hỗ trợ khắc phục tác động khủng hoảng (CSF), khoản vay chương trình tài trợ trực tiếp cho ngân sách, khoản vay tài trợ theo thể thức phân kỳ (MFF), chương trình tài trợ và bảo lãnh thương mại, các khoản vay không có bảo lãnh của Chính phủ, các khoản vay trong chương trình Tiểu vùng sông Mêkông (GMS)...) nhằm hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như cơ sở hạ tầng, năng lượng, phát triển nông thôn và thuỷ lợi, các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục... Hỗ trợ của ADB đã góp phần giải quyết nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm, nâng cao năng suất nông nghiệp và thu nhập của người nông dân, hiện đại hoá hành chính công, phát triển khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính phi ngân hàng, hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ trong việc chống tham nhũng và bình đẳng giới.

Về đặc điểm vốn vay. Kể từ năm 2005, Việt Nam đã bắt đầu vay nguồn vốn OCR (kỳ hạn từ 15 - 25 năm, ân hạn từ 5 – 7 năm, lãi suất dựa trên lãi suất thị trường LIBOR cộng với một khoản phí chênh lệch của ADB) cho các dự án có tầm quan trọng quốc gia như điện, đường cao tốc... Hiện nay OCR đã và đang được ADB xem xét cung cấp cho Việt Nam ngay càng phổ biến với vị thế là nước đã chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình, thông qua đầu tư vào hoạt động khu vực tư nhân và khu vực công có khả năng tạo nguồn thu.

5.1.4. Tốt nghiệp ADF:

Nguồn vốn mà Việt Nam vay từ ADB đa phần là từ nguồn ADF (Quỹ Phát triển Châu Á) là nguồn vốn dành cho các nước thu nhập thấp, đáp ứng tiêu chí ODA theo tiêu chuẩn OECD. Việt Nam là một trong những đối tác thụ hưởng hàng đầu của ADB đối với nguồn vốn ưu đãi ADF, đồng thời cũng là nước được thụ hưởng nhiều nguồn vốn vay thông thường (OCR).

Ngày 27/9/2017, Ban Giám đốc ADB đã chính thức phê duyệt phân loại Việt Nam từ Nhóm B (nhóm các nước được vay hỗn hợp vốn có điều kiện ưu đãi và vốn vay thông thường) sang Nhóm C (nhóm các nước đã tốt nghiệp vay vốn có điều kiện ưu đãi và chỉ vay vốn thông thường) có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 do Việt Nam đã đủ các điều kiện để tốt nghiệp. Theo đó, từ 1/1/2019, Việt Nam đã chính thức tốt nghiệp nguồn vốn ADF và chỉ được vay nguồn vốn OCR.

5.1.5. Hoãn trả nợ nhanh:

Theo chính sách cho vay của ADB, sau khi tốt nghiệp nguồn vốn ưu đãi, Việt Nam sẽ: (i) chấm dứt tiếp cận nguồn vốn COL và thay thế nguồn vốn kém ưu đãi hơn và (ii) các khoản COL hiện hành phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, việc trả nợ nhanh sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, giảm vốn đầu tư và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Do đó, dưới sự vận động của Chính phủ Việt Nam, ADB đã chấp thuận cho Việt Nam được hoãn trả nợ nhanh 4 năm đến ngày 1/1/2023 (thay vì phải trả nợ nhanh từ ngày 1/1/2019) đối với nguồn COL.

Theo tính toán của ADB, tính đến thời điểm tốt nghiệp, Việt Nam có khoảng 140 khoản vay COL sẽ phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh sau khi tốt nghiệp với trị giá ký kết là 8,65 tỉ USD, trong đó dư nợ của các khoản vay COL này là khoảng 5,1 tỷ USD. Việc ADB hoãn trả nợ nhanh cho các khoản vay này thêm 4 năm đến ngày 1/1/2023 giúp Việt Nam chưa phải bố trí trả thêm khoảng 713 triệu USD tiền nợ gốc (tính theo phương án tăng nợ gốc phải trả vào mỗi kỳ trả nợ) hoặc 185 triệu USD tiền lãi (tính theo phương án tăng tiền lãi trả định kỳ).

Việc ADB chấp thuận hoãn trả nợ nhanh các khoản vay COL trong 4 năm có ý nghĩa quan trọng, giúp: (i) giảm áp lực trả nợ lên ngân sách nhà nước trong giai đoạn khó khăn, có thêm dư địa tập trung vào các chương trình đầu tư công và các mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội; (ii) giảm áp lực cho điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN do phải bố trí nguồn ngoại tệ để trả nợ; (iii) giảm tác động đến tiến độ triển khai và hiệu quả sử dụng đối với các dự án đang triển khai, chưa rút hết vốn (do giải ngân chậm; chưa kịp bố trí vốn đầu tư công trung hạn…); (iv) tạo điều kiện cho các địa phương có vay lại vốn có thêm thời gian bố trí ngân sách hoàn trả, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn; (v) thể hiện mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, chặt chẽ giữa Việt Nam và ADB trong thời gian qua.

5.1.6. Cơ chế sau tốt nghiệp:

Mặc dù Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và tốt nghiệp nguồn vốn ADF nhưng nhu cầu cần nguồn vốn đầu tư của Việt Nam hiện vẫn rất lớn để tiếp tục thực hiện các lĩnh vực ưu tiên như: tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường thể chế, chống biến đổi khí hậu và giảm nghèo. Do đó, Việt Nam đang kêu gọi ADB có các chính sách và cơ chế hỗ trợ sau tốt nghiệp để giúp Việt Nam từng bước thích ứng với những khó khăn, thách thức trong giai đoạn đầu khi mới tốt nghiệp. Trong thời gian tới, đề nghị ADB xem xét, tiếp tục cung cấp nguồn vốn ADF cho các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, đồng thời, đề nghị ADB tìm kiếm, huy động các nguồn viện trợ để mềm hóa điều kiện vay OCR để giúp Chính phủ Việt Nam dần dần thích ứng với các điều kiện vay vốn kém ưu đãi mới. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn ADB xem xét, dành nguồn lực tài chính và HTKT để hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam theo chủ trương chung của Đảng. Ngoài ra, ở Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thiếu vốn, yếu kém về kỹ thuật và quản trị điều hành, do đó, đề nghị ADB tập trung hỗ trợ cho khu vực SME tại Việt Nam.

Về phía ADB, sau khi Việt Nam tốt nghiệp ADF, ADB cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng danh mục dự án cho vay mới bao gồm các phương thức tài trợ phù hợp, các sáng kiến và công nghệ giá trị gia tăng và có thể tận dụng và thu hút được các khoản đồng tài trợ có tính ưu đãi hơn và/hoặc tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân (trong đó có hình thức đối tác công tư PPP). ADB cũng cam kết sẽ phối hợp với chính phủ để chuyển tiếp hiệu quả từ diện vay ADF sang vay thông thường và tiếp tục hỗ trợ triển khai các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu để đối phó với các rủi ro môi trường ngày càng cao mà Việt Nam đang phải đối mặt.

5.1.7. Tư vấn chính sách:

ADB không chỉ là nhà tài trợ mà còn là đối tác trao đổi, tư vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam từ nhiều năm qua không chỉ trong Chiến lược/Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội mà còn trong cả những lĩnh vực điều chỉnh cơ cấu và quy hoạch phát triển ngành/lĩnh vực. Thông qua các cuộc họp cấp cao giữa đại diện Chính phủ, các bộ ngành Việt Nam và ADB, hai bên thường xuyên trao đổi về tình hình kinh tế thế giới và trong nước.

ADB đã và đang tích cực hỗ trợ các chương trình cải cách của Chính phủ thông qua các khoản vay chính sách như phát triển chuyên sâu lĩnh vực tài chính ngân hàng và chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước để hỗ trợ triển khai tái cấu trúc quản trị, tài chính và kinh doanh của một số doanh nghiệp. Năm 2018, ADB đã thông qua Khoản vay Chương trình Phát triển chuyên sâu lĩnh vực tài chính ngân hàng và tài chính toàn diện, Tiểu chương trình 1 (FSDIP-SP1) để hỗ trợ tăng cường ổn định khu vực tài chính, phát triển thị trường vốn và thúc đẩy tài chính toàn diện. ADB cũng đang cung cấp một loạt các hỗ trợ kỹ thuật và khoản vay chính sách để cải thiện chất lượng chi tiêu công thông qua Chương trình Nâng cao Chất lượng Chi tiêu công. Bên cạnh đó, thông qua Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Sáng kiến Kinh doanh Mekong, ADB đang cung cấp tư vấn chính sách cho chính phủ về xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Ngoài các vấn đề có tính chất đối nội, về vấn đề đối ngoại, ADB cho rằng Việt Nam đang có một vị thế hết sức thuận lợi trong cộng đồng khu vực và quốc tế. Với vị thế là nước có thu nhập trung bình, Việt Nam có thể có nhiều đóng góp hơn và cũng thu được nhiều lợi ích hơn qua hợp tác quốc tế và khu vực và cũng qua đó giảm thiểu được những tác động bất lợi. Hai bên cũng tích cực tham gia và xúc tiến các sang kiến của khu vực và quốc tế như Quỹ Cơ sở Hạ tầng ASEAN, các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN+3…

5.2. Kênh tài trợ không có bảo lãnh của Chính phủ (Non-sovereign Financing)

Trong giai đoạn 1993 - 2019, ngoài 173 khoản vay chính phủ (sovereign loans) để thực hiện các chương trình/dự án trên nhiều lĩnh vực khác nhau với tổng số vốn trên 16 tỷ USD như đã thống kê ở trên, ADB còn cung cấp các khoản vay không có bảo lãnh chính phủ (nonsovereign loans) từ nguồn vốn vay thông thường (OCR) với tổng trị giá 490.8 triệu USD trong đó đáng chú ý phải kể đến khoản vay cho BIDV trị giá 200 triệu USD vào năm 2018 để hỗ trợ sự phát triển và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam.

Kể từ tháng 7/2013, Văn phòng ADB tại Việt Nam đã chính thức thành lập bộ phận chuyên trách về kênh tài trợ này và NHNN vẫn sẽ là đối tác chính.

Quan hệ đối tác giữa Việt Nam, ADB và các tổ chức tài trợ khác cho Việt Nam

6.1. Quan hệ đối tác Việt Nam – ADB

Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Chiến lược Phát triển Kinh tế -Xã hội (SEDS 2011-2020) trong đó đề ra tầm nhìn về phát triển kinh tế bền vững môi trường và bình đẳng xã hội, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Chiến lược này tập trung vào ba đột phá chính: (i) thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và/hoặc phát triển kỹ năng, đặc biệt trong các ngành công nghiệp hiện đại và lĩnh vực đổi mới sáng tạo; (ii) cải thiện thể chế kinh tế thị trường; và (iii) xây dựng cơ sở hạ tầng. Trên cơ sở đó, Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 2016–2020 (SEDP 2016-2020) đã làm rõ các mục tiêu trong 5 năm tới của Chiến lược PT KT-XH giai đoạn 2011–2020 với các ưu tiên chính là (i) hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân, tái cơ cấu ngành, phát triển khu vực dịch vụ; (ii) xây dựng các đặc khu và vùng kinh tế; (iii) phát triển hạ tầng đô thị tích hợp, cải thiện quy hoạch đô thị và kết nối các trung tâm đô thị lớn; (iv) nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực, tập trung vào đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ; (v) giảm thiểu và ngăn ngừa tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường; và (vi) nâng cao hiệu quả trong khu vực công và giảm tình trạng tham nhũng.

Tháng 9/2016, ADB đã công bố Chiến lược Đối tác Quốc gia Việt Nam (CPS) giai đoạn 2016-2020. Chiến lược đối tác quốc gia (CPS) của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2016–2020 sẽ hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư và cải cách chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường. Để đạt được mục tiêu này, khuôn khổ chiến lược của ADB sẽ dựa trên ba trụ cột: (i) thúc đẩy tạo việc làm và năng lực cạnh tranh, (ii) tăng cường tính bao trùm toàn diện trong cung cấp hạ tầng và dịch vụ, và (iii) cải thiện tính bền vững môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. CPS đưa ra một chương trình với các hoạt động ưu tiên nhằm hỗ trợ cho từng trụ cột chiến lược. Cách tiếp cận này dựa trên kết quả và nhằm tối đa hóa tác động của hỗ trợ từ ADB qua việc nâng cao tác động cộng hưởng của các chương trình và dự án của ADB. ADB cũng tìm cách tăng cường sự kết nối và tính cộng hưởng giữa (i) các chương trình dự án cho chính phủ và cho khu vực tư nhân qua đó thúc đẩy hoạt động khu vực tư nhân, và (ii) chương trình cải cách của quốc gia và vùng. Các ưu tiên của CPS hoàn toàn nhất quán với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2011–2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016–2020, các văn kiện này đề ra tầm nhìn cho phát triển kinh tế bền vững với môi trường và bình đẳng về xã hội.

Để tăng cường tác động của ADB, CPS sẽ củng cố các hoạt động cho vay thành các phương thức tiếp cận theo chương trình lớn hơn, nâng cao sự cộng hưởng của các chương trình và dự án ADB. ADB sẽ gia tăng giá trị cho nguồn vốn của mình bằng cách hỗ trợ Chính phủ thiết kế và thực hiện các chương trình đầu tư công ưu tiên, tham gia sâu hơn vào hoạt động chia sẻ tri thức, tăng cường sự cộng hưởng giữa các chương trình dự án cho khu vực công và khu vực tư, và giúp cải thiện các hệ thống quốc gia. ADB sẽ ưu tiên tiếp tục cải thiện hiệu quả thực hiện dự án, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng chuẩn bị và khởi động dự án cho tất cả các hoạt động mới. Những nỗ lực này bao gồm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác phát triển nhằm giải quyết những vấn đề thực hiện có tính hệ thống cùng với Chính phủ Việt Nam.

Theo Chiến lược này của ADB, Việt Nam hiện nay đang thuộc nhóm quốc gia loại B – được tiếp cận với nguồn vốn vay OCR ưu đãi và vay thông thường. Khi Việt Nam được chuyển sang nhóm C theo kế hoạch thì sẽ được phân bổ nguồn vốn vay OCR thông thường tương đương bù cho nguồn vốn OCR ưu đãi đã ngừng được vay. ADB đề xuất cho vay 4,3 tỷ USD trong giai đoạn 2017–2019 từ nguồn vay OCR ưu đãi và OCR thông thường. Do số vốn hỗ trợ được đề xuất đã vượt số vốn phân bổ dự kiến, nên ADB sẽ nỗ lực huy động thêm vốn từ nguồn đồng tài trợ, và nguồn vốn OCR thông thường được dành cho chương trình hợp tác và hội nhập khu vực. Chính phủ và ADB sẽ duy trì đối thoại trong suốt chu kỳ CPS để đảm bảo tuân thủ với những chính sách và quy trình thủ tục ODA mới nhất.

Chiến lược cũng nhấn mạnh, khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, đòi hỏi phải nhấn mạnh hơn đến các hoạt động trong khu vực tư nhân. ADB sẽ sử dụng sự hiện diện, hoạt động nhiều hơn của mình trong phát triển khu vực tư nhân để thúc đẩy sự cộng hưởng giữa các dự án với cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân ở Việt Nam bằng cách (i) hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm các dự án PPP, thúc đẩy sự phát triển của DNNVV thông qua các chương trình chính sách; (ii) xây dựng năng lực cho khu vực nhà nước để xây dựng và chuẩn bị các dự án PPP; và (iii) sử dụng sáng kiến MBI hiện có để thí điểm các mô hình kinh doanh sáng tạo ở giai đoạn đầu có tiềm năng bền vững về thương mại và tạo tác động xã hội cao thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ trong kinh doanh nông nghiệp, thương mại và tài chính.

Trong nhiều năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và ADB ngày càng được củng cố và phát triển. Việt Nam với vai trò là một nước hội viên, có tầm quan trọng trong chiến lược hợp tác của ADB luôn dành được thiện cảm và sự ủng hộ của các lãnh đạo cao cấp nhất của ADB. Các Chủ tịch ADB qua các thời kỳ đều dành tình cảm tốt đẹp đối với Việt Nam và đều đã sang thăm Việt Nam sau khi nhậm chức. Cá biệt có Ngài Haruhiko Kuroda, Chủ tịch ADB trong giai đoạn 2006 – 2013, đã từng 3 lần sang thăm Việt Nam và đã tiếp kiến với các Đồng chí Lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Về phía Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đều đánh giá cao vai trò của ADB như là một đối tác lớn, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Phía Việt Nam thường xuyên tham dự tất cả các sự kiện quan trọng của ADB và có các cuộc tiếp xúc cấp cao với lãnh đạo của ADB.

6.2. Quan hệ đối tác giữa ADB và các tổ chức tài trợ khác cho Việt Nam

ADB thường xuyên làm việc chặt chẽ, không ngừng thúc đẩy mối quan hệ đối tác nhằm tăng cường hiệu quả vốn tài trợ, phối hợp và hài hoà thủ tục với các nhà tài trợ khác như Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Nhật bản (JBIC), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Phát triển Đức (KfW) và các nhà tài trợ song phương khác tại Việt Nam, thông qua các hoạt động tại Hội nghị CG, các nhà đồng chính kiến 5 Ngân hàng, tham gia vào quá trình tiếp cận, đối thoại chính sách để thúc để và tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA. ADB đã có những hành động nhằm giải quyết các khó khăn để nâng cao hiệu quả thực hiện dự án thông qua các đánh giá hoạt động định kỳ và các cuộc họp dự án cụ thể đã giúp giải quyết đáng kể các vấn đề hoạt động cũng như các vấn đề cụ thể của dự án một cách kịp thời hơn.

Định hướng quan hệ Việt Nam – ADB trong thời gian tới

Trong thời gian tới, ADB sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, thông qua cơ quan đại diện là NHNN trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong thời điểm Việt Nam chuyển sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình.

ADB sẽ tăng cường hợp tác với Chính phủ trong việc xây dựng và triển khai Chiến lược Đối tác Quốc gia (CPS) trong giai đoạn 05 năm tiếp theo. Chiến lược CPS sẽ gắn với Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hộicủa Việt Nam(SEDS) 2021–2030, và Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội (SEDP) 2021–2025. CPS do ADB xây dựng sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu tham vọng về việc Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao (UMIC) vào năm 2030 thông qua việc bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển cho Việt Nam vào những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. CPS sẽ giải quyết những thách thức kinh tế xã hội của Việt Nam thông qua 4 chủ đề xuyên suốt, bao gồm giới, hợp tác khu vực, chuyển đổi kỹ thuật số và tài trợ xanh.

Mới đây, ADB đã thông qua Chiến lược Đối tác Quốc gia của ADB với Việt Nam giai đoạn 2023-2026 với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, xanh và được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân”, một chủ đề ngắn gọn nhưng phản ánh được đầy đủ định hướng hợp tác của hai bên trong 04 năm tiếp theo. Chiến lược khi xác định hoạt động của ADB tại Việt Nam sẽ đem đến các giải pháp đặc thù (tailor-made) giúp Việt Nam xử lý một cách tốt nhất các thách thức của quá trình phát triển. Bên cạnh các trọng tâm hỗ trợ là phát triển nền kinh tế xanh, đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường cung cấp dịch vụ công, Chiến lược cũng sẽ tập trung vào các tỉnh/địa phương là nơi có nhiều nhu cầu cho quá trình phát triển và vào khu vực tư nhân, một động lực quan trọng của nền kinh tế. ADB là đối tác chiến lược luôn đồng hành với Chính phủ trong quá trình phát triển và đổi mới. Trong giai đoạn chuyển tiếp của Việt Nam sang nhóm nước có thu nhập trung bình, chiến lược đối tác của ADB với Việt Nam đã có sự xoay trục phù hợp, cụ thể:

(i) Nhóm chiến lược 1: ADB sẽ tập trung vào các dự án phục hồi xanh (Lượng carbon sản xuất và tiêu dùng thấp, giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng giao thông xanh, hỗ trợ thực hiện tính giá carbon, hỗ trợ chuyển đổi công bằng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạc) và hỗ trợ phát triển địa phương theo hướng đa lĩnh vực, tăng cường xây dựng hệ sinh thái bền vững và nền nông nghiệp có tính thích ứng với thiên tai và khí hậu.

(ii) Nhóm chiến lược 2: ADB sẽ tập trung vào các hoạt động đầu tư tăng trưởng do khu vực tư nhân làm chủ dẫn dắt, thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân liên kết với chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường khuôn khổ pháp lý, đảm bảo bình đẳng xã hội, hỗ trợ các dịch vụ tài chính toàn diện, nâng cao tính thích ứng của hệ thống y tế, bảo trợ xã hội, và năng lực ứng phó khẩn cấp.

Căn cứ các ưu tiên chính sách, ADB dự kiến sẽ phân bổ vốn tài trợ cho Việt Nam trong thời gian sắp tới như sau:

Năm

Số dự án

Tổng vốn cho vay

2022

2

123,6

2023

7

808,4

2024

8

1.109,3

2025

3

398

Tổng (triệu USD)

2.439,3

Trung bình năm

609,8

Giai đoạn 2022-2025, ADB dự kiến đưa vào danh mục 20 khoản vay cho dự án với tổng số vốn vay là 2,439 tỷ USD. Các dự án do ADB tài trợ chủ yếu các dự án hạ tầng. Một số dự án hạ tầng quy mô lớn như các dự án phát triển đô thị, đường sắt đô thị, dự án chống ngập lụt của Thành phố Hồ Chí Minh, dự án chống chịu biến đổi khí hậu tại các tỉnh chiếm 70% tổng danh mục dự kiến. Danh mục này chưa bao gồm các khoản vay cho Chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Vay cho chương trình phục hồi kinh tế sẽ được trao đổi cụ thể với nhà tài trợ khi NSNN có nhu cầu vay vốn.

Ghi chú: Quan hệ Việt Nam – ADB sẽ được cập nhật theo kỳ cập nhật của ADB.

© Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Địa chỉ : Số 49 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà NộiThường trực Ban biên tập : (84 - 243) 266.9435Email : thuongtrucweb@sbv.gov.vnRSS
Chung nhan Tin Nhiem Mang Số điện thoại tổng đài Ngân hàng Nhà nước: (84 - 243) 936.6306