Skip to content
Cỡ chữ: A-A+

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB)

và Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC)

(Tính đến ngày 31/10/2021)

1. Quan hệ hợp tác Việt Nam – IIB

1.1. Tổng quan về IIB

IIB là tổ chức tài chính quốc tếđược thành lập năm 1970 trong khuôn khổ Hội đồng Tương trợ Kinh tế (Khối SEV cũ), có trụ sở đặt tại Budapest, Hungary1. Nhiệm vụ chính của IIB là cho vay trung và dài hạn phục vụ các dự án đầu tư và các chương trình phát triển tại các nước thành viên. Các nước thành viên hiện tại của IIB gồm: Cộng hòa Bungari, Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Séc, Hungary, Mông Cổ, Rumani, Liên bang Nga, Cộng hòa Slôvakia và CHXHCN Việt Nam. Tính đến 31/10/2021, vốn điều lệ của IIB là 2,0 tỷ EUR, trong đó phần thực góp của các nước là 420,4 triệu EUR.

Trong khoảng thời gian từ 1970 – 1990, IIB hoạt động ổn định và hỗ trợ tích cực cho phát triển nền kinh tế các nước thành viên. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 1991 - 2000, do những ảnh hưởng khách quan của tình hình kinh tế - chính trị tại các nước thànhviên sau khi Liên Xô cũ và khối các nước XHCN ở Đông Âu tan rã, hoạt động của IIB gặp nhiều khó khăn về tài chính và chỉ mang tính cầm chừng. Từ sau năm 2000, đặc biệt trong những năm gần đây, IIB đã khắc phục được khó khăn về tài chính và hoạt động ổn định trở lại, đồng thời bắt đầu các nỗ lực cơ cấu lại Ngân hàng.

Kể từ cuối năm 2012, được sự ủng hộ của các nước thành viên, IIB đã triển khai mạnh mẽ một loạt các biện pháp quan trọng nhằm cơ cấu lại toàn diện theo hướng chuyển đổi IIB thành một ngân hàng phát triển hiện đại hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế, theo đó tập trung vào chuyển đổi mô hình cơ cấu tổ chức và quản trị điều hành, tăng cường quy mô vốn của Ngân hàng song song với tăng cường và mở rộng các hoạt động nghiệp vụ nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ để hỗ trợ tốt nhất cho các nước hội viên. Sau thời gian triển khai khẩn trương và với quyết tâm cao, các biện pháp cải cách của IIB đã đem lại các kết quả tích cực. Một số kết quả nổi bật như sau:

- Sửa đổi các văn bản thành lập: Ngày 18/8/2018, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập và Điều lệ IIB chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử của IIB thông qua việc IIB chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới phù hợp với thông lệ quốc tế hiện đại với những thay đổi đáng kể, bao gồm việc chuyển sang hệ thống quản lý 3 cấp và cơ chế bỏ phiếu theo tỷ lệ vốn thực góp (thay vì cơ chế “mỗi nước một phiếu” như trước đây).

- Chuyển địa điểm đặt trụ sở chính: Tiếp nối các hoạt động cải cách mạnh mẽ của IIB, tháng 12/2018 Hội đồng Thống đốc IIB đã thông qua Nghị quyết chuyển trụ sở chính của IIB từ Mát-xcơ-va (Liên bang Nga) sang Bu-đa-pét (Hung-ga-ri), đồng thời đặt chi nhánh của IIB tại Mát-xcơ-va. Việc IIB chuyển trụ sở sang khu vực châu Âu có ý nghĩa quan trọng mang tính chiến lược đối với IIB và được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển và củng cố vị thế của IIB.

- Tăng vốn điều lệ: Tiếp theo chương trình tăng vốn giai đoạn 2013-2017, các nước thành viên IIB tiếp tục nhất trí triển khai chương trình tăng vốn cho IIB giai đoạn tiếp theo 2018-2022 với tổng mức vốn tăng thêm lên đến 200 triệu EUR. Việc các nước thành viên thống nhất tăng vốn cho IIB có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm, ủng hộ và kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của IIB.

- Tăng cường huy động vốn dài hạn: Từ chỗ chủ yếu hoạt động bằng vốn tự có, IIB đã tăng cường hoạt động huy động vốn dài hạn, trong đó chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu trên thị trường vốn các nước thành viên và quốc tế, góp phần mở rộng đáng kể nguồn lực tài chính cho phát triển hoạt động của Ngân hàng.

- Thúc đẩy phát triển hoạt động tín dụng: Thời gian qua, IIB đã mở rộng và phát triển đáng kể hoạt động tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế các nước thành viên. Tính đến 30/06/2021, danh mục tín dụng - tín dụng chứng từ của IIB đạt 1,139 tỷ EUR, tăng gần 10 lần so với thời điểm trước khi IIB tiến hành cải tổ và bao gồm các khoản vay tại tất cả 9 nước thành viên IIB, kể cả các nước từng có hoạt động tín dụng bị gián đoạn thời gian dài trước đây như Việt Nam, Rumani…..

- Nâng cao chất lượng quản lý rủi ro:IIB đã triển khai đưa vào ứng dụng hệ thống quản lý rủi ro theo các chuẩn mực Basel II, đồng thời thường xuyên cập nhật và triển khai các công cụ quản trị rủi ro hiện đại phù hợp với thông lệ quóc tế nhằm nâng cao chất lượng quản lý rủi ro của Ngân hàng.

- Tích cực triển khai nhận xếp hạng tín nhiệm quốc tế:Tính đến hiện nay, IIB đã nhận được xếp hạng tín nhiệm nhóm A từ tất cả các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế lớn, bao gồm S&P (A-), Moddy’s (A3), Fitch (A-), ACRA International (A).

- Mở rộng cơ cấu thành viên: Với những kết quả cải cách ấn tượng và tiềm năng phát triển của IIB, năm 2015 Hungary đã khôi phục lại tư cách thành viên tại IIB (sau khi rút ra khỏi IIB năm 2000). Xét các kết quả tích cực mà IIB đạt được thời gian qua và tiềm năng phát triển của IIB trong tương lai, một số quốc gia bày tỏ mong muốn gia nhập IIB. Hiện IIB đang tích cực xem xét việc tiếp nhận Cộng hòa Serbia vào Ngân hàng. Theo dự kiến, tháng 12/2021, Thống đốc các nước thành viên sẽ bỏ phiếu quyết định phê duyệt Serbia là thành viên mới.

1.2. Quan hệ Việt Nam - IIB

Việt Nam gia nhập IIB năm 1977. Tính đếntháng 10/2021, cổ phần được phân bổ của Việt Nam tại IIB là 106,5 triệu EUR, trong đó phần vốn thực góp của Việt Nam tại IIB là 3,669 triệu EUR, tương đương 0,87% tổng vốn điều lệ thực góp của Ngân hàng. Cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam tại IIB là NHNN.

Với tư cách là nước thành viên có trách nhiệm của IIB, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực cải cách của IIB thông qua việc hoàn thành đầy đủ và kịp thời các nghị quyết quan trọng của Ngân hàng cũng như tham gia tích cực vào quá trình hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Ngân hàng.

Trong khoảng thời gian từ 1977–1990, IIB đã hỗ trợ khá hiệu quả và tích cực cho Việt Namthông qua việc cho vay thực hiện các dự án tái thiết và phát triển kinh tế trong bối cảnh nước ta gặp rất nhiều khó khăn thời kỳ hậu chiến. Trong giai đoạn hoạt động của IIB gặp nhiều khó khăn về tài chính, quan hệ tín dụng giữa Việt Nam và IIB phần nào bị ảnh hưởng và hạn chế. Tuy nhiên, kể từ khi IIB chuyển hướng sang hoạt động mới, quan hệ hợp tác giữa IIB và Việt Nam đã có những khởi sắc tích cực. IIB đã phối hợp với NHNN xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia của IIB với Việt Nam giai đoạn 2018-2022, theo đó, IIB tập trung vào lĩnh vực tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua cho vay các định chế tài chính/tổ chức tín dụng lớn của Việt Nam. Từ 2014, IIB đã cấp các khoản vay cho các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính Việt Nam (BIDV, Vietinbank, VPBank, SHB, VPBank Finance, Home Credit Finance) để tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng giá trị lũy kế đạt khoảng 146 triệu EUR. Tính đến tháng 6/2021, tổng dư nợ các khoản vay của IIB đang thực hiện tại Việt Nam đạt khoảng 70,5 triệu EUR, tương đương 6% tổng trị giá danh mục tín dụng của IIB. Ngoài hoạt động tín dụng, Việt Nam còn là đối tượng được thụ hưởng từ Quỹ Hỗ trợ kỹ thuật do Slovakia và IIB đồng tài trợ nhằm cung cấp các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án dự kiến được triển khai tại Việt Nam. Tính đến 30/09/2021, thông qua Quỹ Hỗ trợ kỹ thuật nêu trên, IIB đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho 3 dự án dự kiến sẽ được triển khai tại Việt Nam với tổng trị giá gần 500 ngàn EUR.

2. Quan hệ hợp tác Việt Nam - IBEC

2.2. Tổng quan về IBEC

IBEC là tổ chức tài chính quốc tế thành lập năm 1963 trong khuôn khổ Hội đồng Tương trợ Kinh tế (Khối SEV cũ),có trụ sở đặt tại Mat-xcơ-va, Liên bang Nga. Nhiệm vụ chính của IBEC là thực hiện thanh toán đa phương, cấp tín dụng và cung cấp các dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ phát triển kinh tế và thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại giữa các nước thành viên cũng như giữa các nước thành viên và các nước khác. Các nước thành viên của IBEC hiện bao gồm: Cộng hòa Bungari, Mông Cổ, Cộng hòa Ba Lan, Liên bang Nga, Rumani, Cộng hòa Slôvakia, Cộng hòa Séc, và CHXHCN Việt Nam. Vốn điều lệ của IBEC là 400 triệu EUR.

Vào thập niên 90, do những thay đổi chính trị-kinh tế diễn ra tại hầu hết các nước thành viên Ngân hàng sau khi Liên xô cũ tan rã, hoạt động của IBEC gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kể từ khi IBEC triển khai chiến lược phục hồi và phát triển hoạt động và chuyển hướng sang hoạt động mới, đặc biệt từ đầu năm 2018 đến nay, được sự ủng hộ của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, IBEC đã và đang tích cực triển khai các biện pháp cải cách nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Ngân hàng. Bên cạnh các hoạt động truyền thống như cho vay (trực tiếp hoặc hợp vốn) và cung cấp dịch vụ thanh toán cho khách hàng, IBEC định hướng ưu tiên phát triển hoạt động tài trợ thương mại nhằm phát huy vai trò của IBEC trong việc hỗ trợ thúc đẩy hợp tác kinh tế đối ngoại giữa các nước thành viên Ngân hàng. Nhờ các nỗ lực trên, hoạt động của IBEC thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, thể hiện qua một số kết quả cụ thể như:

- Tính đến 31/12/2020, danh mục tín dụng - tài trợ thương mại của IBEC đạt 417,9 triệu EUR, tăng gần 19 lần so với thời điểm cuối năm 2017 (22 triệu EUR). Tỷ lệ nợ xấu (NPL) ở mức tối thiểu 0%.

- Sau đợt phát hành trái phiếu lần đầu tại Nga (tháng 10/2019) với quy mô đạt gần 99 triệu EUR, IBEC tiếp tục phát hành thành công đợt trái phiếu tiếp theo tại Nga (tháng 6/2020) với tổng trị giá 5 tỷ RUB. Các sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong việc nâng cao vị thế của IBEC trong cộng đồng tài chính quốc tế và khả năng tiếp cận, gia nhập các thị trường vốn.

- IBEC tiếp tục nhận được xếp hạng tín nhiệm từ tất cả các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế lớn, bao gồm Moody’s (Baa3), Fitch (BBB), ACRA Europe (BBB).

2.2. Quan hệ Việt Nam - IBEC

Việt Nam gia nhập IBEC năm 1977. Cổ phần được phân bổ của Việt Nam tại IBEC là 1,4 triệu EUR, trong đó phần vốn thực góp của Việt Nam tại IBEC là 0,7 triệu EUR, tương đương 0,35% tổng vốn thực góp của IBEC. Đại diện của Chính phủ Việt Nam tại IBEC là NHNN.

Giai đoạn trước năm 1990, với chức năng chính là thực hiện thanh toán đa phương và cung cấp các dịch vụ ngân hàng, IBEC,đã hỗ trợ tích cực cho phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại giữa Việt Nam và các nước thành viên Ngân hàng. Tuy nhiên, kể từ năm 1990, hoạt động của IBEC gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến động lớn về kinh tế và chính trị của các nước trong khối Đông Âu cũ làm cho quan hệ tín dụng giữa Việt Nam và IBEC cũng phần nào bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sau khi IBEC triển khai chiến lược phục hồi và phát triển, quan hệ hợp tác giữa IBEC và Việt Nam dần được cải thiện và có những khởi sắc mới. IBEC đã ký các thỏa thuận hợp tác và phê duyệt hạn mức tín dụng khung cho một số ngân hàng thương mại Việt Nam như SHB, VCB, BIDV, Agribank, Vietinbank, HD Bank ...., làm cơ sở để triển khai hoạt động hợp tác giữa các bên. Hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác nêu trên, sau một thời gian dài gián đoạn, kể từ tháng 12/2018, IBEC đã phê duyệt các khoản vay cấp cho Ngân hàng SHB với tổng trị giá đạt khoảng 70 triệu EUR. Riêng trong năm 2020 và Quý I/2021, IBEC đã cấp các khoản vay tài trợ thương mại cho các ngân hàng Việt Nam (SHB, BIDV, HDBank) với tổng trị giá khoảng 60 triệu USD.​ Ngoài ra, để phục vụ hoạt động thanh toán, IBEC đã mở tài khoản đại lý bằng VND tại BIDV và HD Bank, đồng thời đang xúc tiến thúc đẩy hợp tác với các ngân hàng khác của Việt Nam.

Với tư cách là nước thành viên có trách nhiệm của IBEC, Việt Nam luôn tham gia tích cực vào quá trình hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển Ngân hàng, hoàn thành đầy đủ và kịp thời các nghị quyết quan trọng của Ngân hàng, kết nối hợp tác giữa IBEC và cộng đồng doanh nghiệp và tài chính trong nước, góp phần hỗ trợ IBEC triển khai hiệu quả các nỗ lực cải cách và đạt được các mục tiêu chiến lược đề ra.

*1 Trước 2019, trụ sở chính của IIB đặt tại Mat-xcơ-va, Liên bang Nga.

© Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Địa chỉ : Số 49 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà NộiThường trực Ban biên tập : (84 - 243) 266.9435Email : thuongtrucweb@sbv.gov.vnRSS
Chung nhan Tin Nhiem Mang Số điện thoại tổng đài Ngân hàng Nhà nước: (84 - 243) 936.6306