Skip to content
Cỡ chữ: A-A+

Thông tin về Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quan hệ hợp tác Việt Nam - WB

1. Lịch sử, mục tiêu hoạt động của Nhóm WB

Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) là tổ chức thuộc hệ thống Liên Hợp quốc được thành lậpnhằm hỗ trợ sự phát triển và nâng cao mức sống của người dân tại các quốc gia thành viên. Nhóm WB gồm 5 cơ quan:

a) Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) thành lập năm 1944 với mục tiêu hoạt động là nhằm xóa đói và duy trì sự phát triển bền vững cho các nước đang phát triển có thu nhập đầu người tương đối cao và có mức tín nhiệm tín dụng cao thông qua các khoản vay, bảo lãnh và các dịch vụ nghiên cứu và tư vấn. Hiện nay, IBRD có 189 nước hội viên. Các nước đã là hội viên của IBRD sẽ là điều kiện để được xem xét được là hội viên của IDA, IFC, ICSID, MIGA.

IBRD cung cấp các khoản vay cho các nước hội viên bằng đồng Euro, Yên Nhật, Đô-la Mỹ và các loại đồng tiền khác mà IBRD có thể đóng vai trò trung gian một cách có hiệu quả. Các khoản vay IBRD có thời hạn vay tối đa là 30 năm và thời gian ân hạn tối đa là 18 năm. Lãi suất của các khoản vay IBRD được tính theo LIBOR và được điều chỉnh 6 tháng/lần. Bên vay được chủ động lựa chọn thời hạn vay và thời gian ân hạn. Đối với mỗi hình thức trả nợ (trả nợ một lần, trả nợ đều trong các kỳ, trả nợ tăng dần...), IBRD sẽ có các công thức tính toán thời hạn vay và thời gian ân hạn cụ thể trên cơ sở các quy định chung. Ngoài ra, IBRD cũng cung cấp một số công cụ quản lý rủi ro tỷ giá và lãi suất trong suốt quá trình thực hiện khoản vay như chuyển đổi đồng tiền, cố định hoặc thả nổi lãi suất và các hợp đồng tự bảo hiểm lãi suất. Bên vay có thể chủ động lựa chọn bất kỳ quyền chọn nào để giảm thiểu rủi ro có thể phát sinh và phải trả phí theo quy định của WB.

b) Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) được thành lập năm 1960 nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia nghèo nhất thế giới và các quốc gia đang phát triển có độ tín nhiệm thấp với mục tiêu nhằm xóa đói giảm nghèo thông qua việc cung cấp các khoản cho vay không có lãi suất (còn gọi là khoản tín dụng) cũng như các khoản viện trợ không hoàn lại cho các chương trình/dự án để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa bỏ bất bình đẳng cũng như cải thiện đời sống. Hiện nay, IDA có 173 nước hội viên.

Việt Nam hiện đã tốt nghiệp IDA (tức dừng vay từ IDA) từ ngày 1/7/2017.Trước kia khi còn là nước vay hỗn hợp hay là nước vay IDA, Việt Nam được tiếp cận với nguồn vốn lớn từ IDA với chi phí vay thấp trong một thời gian dài, hỗ trợ không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế đất nước trên các lĩnh vực.

c) Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thành lập năm 1956 và đến nay có 184 quốc gia thành viên. Việt Nam là thành viên từ4/8/1967; tuy nhiên, Việt Nam chính thức nối lại quan hệ với IFC từ năm 1994 sau khi nối lại quan hệ với WB vào năm 1993. IFC có 1 tổng giám đốc điều hành, 10 phó chủ tịch; Chủ tịch WB cũng là Chủ tịch của IFC.

IFC được thành lập nhằm hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân của các nước hội viên với các hoạt động chính bao gồm: (i) cung cấp vốn, khoản cho vay dài hạn, bảo lãnh các khoản vay, các sản phẩm quản lý rủi ro và các dịch vụ tư vấn cho khách hàng; (ii) chia sẻ rủi ro cùng với chủ đầu tư và các đối tác tài chính khác nhưng không trực tiếp tham gia vào quản lý dự án; và (iii) trợ giúp tư vấn về các lĩnh vực có liên quan.

Các sản phẩm đầu tư của IFC đa dạng và linh hoạt tùy theo nhu cầu của khách hàng/dự án từ vốn đầu tư cổ phần, vốn vay dài hạn, khoản vay chuyển đổi, trái phiếu chuyển đổi, hạn mức tín dụng vốn lưu động trung hạn và ngắn hạn, bảo lãnh và các nghiệp vụ phái sinh (hoán đỗi lãi suất và hoán đổi tiền tệ).

Trước đây, hoạt động của IFC là độc lập với hoạt động của WB. Tuy nhiên, sau khi WB tiến hành cải cách trong nội bộ thì IFC chỉ độc lập trong các khoản đầu tư; hoạt động tư vấn của IFC được thực hiện chung với nhóm tư vấn của WB.

d) Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa biên (MIGA) thành lập năm 1988, mới mục tiêu thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước đang phát triển để giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và cải thiện cuộc sống của người dân thông qua cung cấp bảo lãnh (bảo lãnh rủi ro phi thương mại và tăng cường tín dụng). Tính đến nay, MIGA có 181 nước thành viên, bao gồm 156 nước đang phát triển và 25 nước công nghiệp phát triển. MIGA có 2 hoạt động chính là bảo lãnh đầu tư và cung cấp dịch vụ tư vấn liên quan tới đầu tư.

Hoạt động thứ nhất, MIGA nhận bảo lãnh các loại rủi ro phi thương mại trong đầu tư. Các sản phẩm bảo lãnh của MIGA có thể chia thành 02 nhóm:

- Nhóm sản phẩm bảo lãnh dự án đầu tư khu vực tư nhân: bao gồm: (i) rủi ro do Chính phủ nước nhận đầu tư hạn chế việc chuyển đổi từ bản tệ ra ngoại tệ mạnh; (ii) rủi ro do nước nhận đầu tư thực hiện quyền quốc hữu hóa hay thu bớt lợi nhuận do phân biệt đối xử; (iii) rủi ro do chiến tranh hay bất ổn định dân sự; (iv) rủi ro do bị Chính phủ làm gián đoạn hợp đồng.

- Nhóm sản phẩm bảo lãnh dự án đầu tư khu vực công: bảo lãnh rủi ro về nghĩa vụ tài chính của: (i) Chính phủ; (ii) Chính quyền địa phương; và (iii) doanh nghiệp nhà nước.

Hoạt động thứ hai, MIGA cùng với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cũng là tổ chức thuộc nhóm Ngân hàng thế giới lập ra Tổ chức dịch vụ tư vấn đầu tư nước ngoài (FIAS). Mục đích của FIAS là cung cấp các tư vấn chính sách nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư tăng cường khả năng tiếp cận vốn đối với các dự án đầu tư nước ngoài. Vai trò này giúp MIGA củng cố thêm vị thế là một tổ chức đa phương có thông tin và kiến thức sâu rộng, qua đó hỗ trợ MIGA thực hiện vai trò chính của mình là bảo lãnh cho các dự án.

Việt Nam đã được công nhận là thành viên chính thức của MIGA vào tháng 11/1994. Tính tới nay, MIGA đã cấp bảo lãnh cho 9 dự án tại Việt Nam với tổng trị giá 1,1 tỷ USD.

e) Trung tâm Quốc tế Giải quyết Tranh chấp Đầu tư (ICSID) được thành lập năm 1966 với mục tiêu hoạt động là nhằm thúc đẩy nguồn đầu tư quốc tế ngày càng tăng thông qua cung cấp phương tiện cho việc hòa giải và trọng tài về những tranh chấp giữa các Chính phủ và các nhà đầu tư; đồng thời tiến hành nghiên cứu, xuất bản ấn phẩm trong lĩnh vực luật đầu tư nước ngoài của các nước. Hiện nay, ICSID có 159 nước hội viên. Hiện nay, Việt Nam chưa là hội viên của tổ chức này.

2. Cơ cấu tổ chức

Điều hành hoạt động của các tổ chức tại WB là Hội đồng Thống đốc. Các nước hội viên cử đại diện của mình tham gia Hội đồng Thống đốc. Hội đồng Thống đốc là người hoạch định chính sách của WB. Hội đồng Thống đốc của Nhóm WB và IMF định kỳ họp mỗi năm một lần. Để điều hành hoạt động hàng ngày, Hội đồng Thống đốc trao quyền điều hành công việc cụ thể cho Ban Giám đốc Điều hành gồm 25 thành viên làm việc tại trụ sở WB.Sáu cổ đông lớn nhất của WB là Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đức, Anh và Pháp.

Chủ tịch WB hiện nay là ôngDavid Malpass, cũng là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc và chịu trách nhiệm quản lý chung của WB. Chủ tịch Hội đồng Thống đốc có nhiệm kỳ 5 năm.

Hội đồng Thống đốc bầu ra Ban Giám đốc điều hành hỗ trợ công việc Hội đồng Thống đốc tại WB. Ban Giám đốc Điều hành họp định kỳ để giám sát các hoạt động của WB, bao gồm phê duyệt các khoản vay và bảo lãnh, các chính sách mới, ngân sách quản trị, chiến lược hỗ trợ quốc gia và các quyết định tài chính và vay vốn.

Các hoạt động hàng ngày của WB đặt dưới sự chỉ đạo và quản lý của Chủ tịch, Ban Giám đốc Điều hành và các Phó Chủ tịch phụ trách theo từng khu vực.

3. Lịch sử quan hệ Việt Nam - WB

a) Cổ phần và đại diện của Việt Nam tại WB

Ngày 18/8/1956, chính quyền Sài gòn Nam Việt Nam gia nhập WB. Ngày 21/9/1976, nước CHXHCN Việt Nam tiếp quản tư cách hội viên tại WB của Chính quyền Sài gòn cũ. Cổ phần của Việt nam tại WB được phân bổ như sau:

+ IBRD là4173 cổ phần. Tổng số phiếu bầu là 4895, chiếm 0,2%;

+ IDA với tổng số phiếu bầu là 61.168, chiếm 0,3%;

+ IFC là 446 cổ phần. Tổng số phiếu bầu là 696, chiếm 0,03%;

+ MIGA là 388 cổ phần. Tổng số phiếu bầu là 629, chiếm 0,29%;

Trong WB, Việt Nam thuộc nhóm nước Đông Nam Á gồm 11 nước là Brunây, Fiji, Inđônêxia, Lào, Malaysia, Myanma, Nêpan, Singapore, Thái lan, Tông ga và Việt Nam.

b) Quan hệ Việt Nam - WB giai đoạn 1978 - 1993

Năm 1978, WB đã cho Việt Nam vay một khoản tín dụng trị giá 60 triệu USD để thực hiện dự án Thuỷ lợi Dầu tiếng. Tháng 1/1985, IMF và WBđình chỉ quyền vay vốn của Việt nam do Việt Nam mắc nợ quá hạn.

c) Quan hệ Việt Nam - WB giai đoạn 1993 đến nay

Sau một thời gian bị gián đoạn, đến tháng 10/1993, với nỗ lực to lớn và quyết tâm thực hiện cải cách của Chính phủ Việt Nam cùng với sự vận động dàn xếp tài chính thiện chí của các nhà tài trợ thuộc Câu lạc bộ Paris, quan hệ tín dụng giữa WB và Việt Nam đã chính thức được nối lại.

Ngày 14/09/1994, WB chính thức mở Văn phòng tại HàNội. Từ năm 1993 đến nay, WB đã bổ nhiệm nhiều cán bộ giữ chức vụ Giám đốc Văn phòng WB tại Việt nam: ông Bradley Babson (1993-1997), ông Andrew Steer (1997-2002), ông Klaus Rohland (2002 – 2007), ông Ajay Chibber (2007 – 2009), bà Victoria Kwakwa (2009-2016), ông Ousmane Dione (2016-6/2020), và hiện nay là bà Carolyn Turk.

Tínhtừ khi gia nhập đến tháng 12/2009, Việt Nam chủ yếu vay vốn từ IDA. Kể từ ngày 21/12/2009 Việt Nam đã chính thức trở thành quốc gia vay vốn hỗn hợp của WB (vay cả nguồn IDA và IBRD). Kể từ khi nối lại quan hệ tín dụng với Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã thực hiện 1.169 báo cáo và hoạt động phân tích trong tất cả các lĩnh vực phát triển chính. Một số nghiên cứu quan trọng là loạt Báo cáo Phát triển Việt Nam (2000 - 2019), loạt Báo cáo Điểm lại bán niên (2007-2019) và Báo cáo Việt Nam 2035 (2016).

Về quan hệ với IFC, tính tới nay, thông qua Chương trình tài trợ thương mại toàn cầu, IFC đã cung cấp vốn vay thương mại trị giá 4,4 tỷ USD để hỗ trợ thanh khoản cho 11 NHTMCP của Việt Nam, đưa ViệtNam trở thành một trong những thị trường tài trợ thương mại dẫn đầu của IFC.

Về quan hệ với MIGA, tính tới nay MIGA đã tham gia cấp bảo hiểm cho 9 dự án đầu tư vào khu vực tư nhân tại Việt Nam với tổng giá trị hợp đồng bảo hiểm lên tới hơn 1,1 tỷ USD.

4.Các hoạt động của WB tại Việt Nam

Trước đây, WB xây dựng Chiến lược Hỗ trợ Quốc gia (CAS) làm cơ sở để triển khai các hoạt động hỗ trợ. Từ năm 2012, WB đã chuyển đổi thành Chiến lược Hợp tác Quốc gia (CPS) để phản ánh đúng tầm quan hệ giữa hai bên là quan hệ đối tác cùng phát triển.

CPS phù hợp với Chiến lược Phát triển Kinh tế- Xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, và Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội (SEDP) giai đoạn 2011-2015, tập trung vào cải cách cấu trúc, bền vững môi trường, bình đẳng xã hội và những vấn đề mới nổi lên trong việc bình ổn kinh tế vĩ mô. CPS hỗ trợ các khoản đầu tư, chương trình và tư vấn trong một khuôn khổ chiến lược gồm ba trụ cột và ba chủ đề xuyên suốt. Ba trụ cột gồm có: (i) tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, (ii) tăng cường tính bền vững trong quá trình phát triển của Việt Nam, và (iii) mở rộng điều kiện tiếp cận với các cơ hội kinh tế xã hội. Các chủ đề xuyên suốt gồm: tăng cường quản trị, hỗ trợ bình đẳng giới và tăng cường khả năng chịu đựng khi đối mặt với các cú sốc kinh tế từ bên ngoài, các thảm họa thiên nhiên, và tác động của biến đổi khí hậu. Dựa trên CPS, ngày 14/9/2017, WB đã công bố Chiến lược đối tác Quốc gia cho giai đoạn mới (2017-2022).

Kể từ khi WB chính thức nối lại quan hệ tín dụng và mở văn phòng hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994,đến nay, đã có rất nhiều đoàn Lãnh đạo cấp cao của WB đến Việt Nam công tác.Mục đích của chuyến thăm là nhằm trao đổi với Lãnh đạo cấp cao của ViệtNam về các nội dung để tăng cường hơn nữa các hỗ trợ của WB dành cho Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, qua đó làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác Việt Nam – WB. Đoàn đã gặp gỡ, làm việc với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Thống đốc NHNN cũng như Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan. Một số các Đoàn cấp cao của WB gần đây như: (i) tháng 7/2014, Chủ tịch WB, Ông Jim Yong Kim - lần đầu tiên đến thăm Việt Nam và đến tháng 2/2016, Ông Kim đã đến Việt Nam để tham dự Hội nghị triển khai Báo cáo Việt Nam 2035 với Chính phủ Việt Nam; (ii) Tổng Giám đốc Điều hành của WB, Bà Kristalina I. Georgieva đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 3/2017; (iii) Đoàn các Phó Chủ tịch WB: Ông Makhtar Diop (tháng 2/2019); Bà Pinelopi Koujianou Goldberg (tháng 9/2019); Bà Sheila Redzepi (tháng 12/2019); (iv) Ông Philippe Le Houérou, Tổng Giám đốc Điều hành IFC (tháng 8/2019); (v) Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (tháng 6/2021); (vi) Bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (tháng 3/2022); (vii) Ông Axel van Trotsenburg, Tổng Giám đốc Điều hành WB (tháng 7/2022).

a) Về cung cấp nguồnhỗ trợ tài chính cho Việt Nam

IDA và IBRD: Kể từ 1993 đến nay, WB đã cho Việt Nam vay khối lượng lớn vốn ưu đãi (khoảng 24 tỷ USD thông qua các hiệp định cho khoảng 180 chương trình, dự án). Tính đến ngày 31/12/2021, danh mục các dự án sử dụng vốn của WB đang triển khai hoạt động bao gồm 28 dự án với tổng vốn cam kết là 5,81 tỷ USD.

Tỷ lệ giải ngân các dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới đến ngày 31/12/2021 đạt 8,4%, thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân của khu vực ĐÁ-BTD và của toàn Ngân hàng lần lượt ở mức 8,7% và 9,2%.

Theo đánh giá của WB, Việt Nam đáp ứng các tiêu chí và đưa vào danh sách “tốt nghiệp IDA” (tức là ngừng vay từ nguồn vốn IDA ưu đãi) bắt đầu từ kỳ IDA 18 (từ 1/7/2017-30/6/2020).Trong kỳ IDA 18, Việt Nam được hưởng cơ chế hỗ trợ chuyển đổi tốt nghiệp với quy mô vốn IDA chuyển đổi (kém ưu đãi) bằng 2/3 số được phân bổ trong kỳ IDA 17 tương đương 2,24 tỷ USD, trong tài khóa 2018, Việt Nam đã đàm phán thành công Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực-thành phố Thái Nguyên trị giá 80 triệu USD với WB.

Ngoài việc cung cấp nguồn vốn ưu đãi (IDA), vốn vay ưu đãi (SUF, IBRD), WB còn tăng cường cung cấp các sản phảm mới như: (i) các khoản bảo lãnh, bảo hiểm đầu tư của MIGA nhằm giúp huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đối với các dự án lớn; (ii) các hoạt động góp vốn đầu tư của IFC nhằm phát triển khu vực tư nhân ở Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được với cácthông lệ quốc tế tốt nhất. Theo chiến lược hoạt động, WB sẽ kết hợp hài hòa tất các nguồn lực từ các tổ chức trong Nhóm WB (như IDA, IBRD, IFC, MIGA) nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư tại các nước đang phát triển.

Các chương trình, dự án đầu tư của WB tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như: (i) năng lượng (21%); (ii) nông nghiệp và môi trường (40%); (iii) giao thông (25%); (iv) phát triển đô thị (20%); (v) tài chính ngân hàng (13%); (vi) giáo dục (15%); y tế và an sinh xã hội (11%). Các chương trình, dự án này được xây dựng trên cơ sở chú trọng phát triển theo chiều sâu, phù hợp với định hướng của Đảng và Chính phủ trong giai đoạn mới, tập trung hơn vào các yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh để hỗ trợ Chính phủ thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. Ngoài ra, hiện nay, WB và Việt Nam đang hướng tới hợp tác trong các lĩnh vực mới, như khuyến khích phát triển tư nhân, chống biến đổi khí hậu, phát huy các sản phẩm sáng tạo trong thực hiện chương trình dự án của WB, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức toàn cầu...

Việt Nam đã có các biện pháp quyết liệt như hoàn thiện thể chế quản lý ODA, thành lập Ban chỉ đạo ODA của Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với nhà tài trợ để kịp thời giải quyết vướng mắc trong việc thực hiện dự án (như: các vấn đề về đền bù và tái định cư; bố trí kịp thời vốn đối ứng; rà soát để cắt giảm những chương trình, dự án không hiệu quả để tập trung cho các dự án cấp bách đang thiếu vốn; xử lý kịp thời các vấn đề về chính sách trong đấu thầu, giải ngân, và quản lý tài chính; tập trung tăng cường năng lực cho đội ngũ quản lý và thực hiện dự án; hài hòa hóa quy trình thủ tục trong nước với thủ tục của các nhà tài trợ).

b) Hỗ trợ kỹ thuật và các báo cáo

Các hỗ trợ kỹ thuật của WB dành cho Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực như: hỗ trợ chuẩn bị và xây dựng các dự án do WB tài trợ, phát triển thể chế nhằm xây dựng và nâng cao năng lực quản lý điều hành của một số ngành và cơ quan liên quan đến các dự án, xây dựng và phát triển chính sách nhằm nâng cao khuôn khổ chính sách, pháp lý cho các dự án hạ tầng cơ sở, tài chính toàn diện, lành mạnh hóa khu vực ngân hàng...Ngoài ra, hàng năm WB còn cử các đoàn vào Việt nam phối hợp với các bộ ngành soạn thảo và phát hành các báo cáo kinh tế, báo cáo ngành cho Việt nam.

Trung tâm Thông tin Phát triển Việt nam (VDIC) trực thuộc Văn phòng WB tại Hà nội đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 4/1/2001. Mục tiêu của Trung tâm này là mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường chất lượng hoạt động, nâng cao hiệu quả hỗ trợ của Nhóm WB cho Việt nam cũng như tăng cường sự hợp tác với các cơ quan hỗ trợ phát triển đang hoạt động tại Việt nam. Trung tâm này hỗ trợ Việt nam tiếp cận tri thức và thông tin phát triển mới nhất cũng như chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác trên thế giới; đồng thời góp phần giúp cho thế giới bên ngoài hiểu rõ hơn về Việt nam. Cụ thể, Trung tâm đã tổ chức nhiều khoá học, hội thảo, diễn đàn, cầu truyền hình... liên quan tới các lĩnh vực ưu tiên phát triển.

Xây dựng báo cáo

c) Tư vấn chính sách

WB đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 nhằm giúp Việt nam đưa ra định hướng phát triển dài hạn trong thời gian tới. Báo cáo đã hoàn thành và được công bố vào đầu năm 2016.

Ngày 14/9/2017, Ban Giám đốc Điều hành của WB công bố Khung Đối tác Quốc gia với (CPF) Việt Nam - WB giai đoạn 2017-2022. CPF là tài liệu để WB định hướng hợp tác phát triển Việt Nam – WB giai đoạn 2018-2022, các nội dung CPF được xây dựng dựa trên các định hướng, chính sách ưu tiên của Chính phủ, đặc biệt là các ưu tiên được đề cập tại Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2018-2022.

Định kỳ hàng năm, WB công bố Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam (Taking Stock) hai lần vào tháng 7 và tháng 12. Trong đó, WB đưa ra những nhận định và đánh giá về: (i) tổng quan diễn biến kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm, triển vọng và rủi ro trong thời gian tới; (ii) điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, tỷ giá, tín dụng, hoạt động của khu vực ngân hàng; (iii) phân tích chuyên đề về một nội dung nổi bật do WB lựa chọn; và (iv) đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Trong thời gian qua WB còn hỗtrợ Việt Nam trong việc đưa ra tư vấn về chính sách giúp Việt Nam hoàn thiện khuôn khổ thể chế trên mọi lĩnh vực và giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

d) Điều phối các nhà tài trợ

Trước đây, Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) do WB đồng chủ tọa được tổ chức nhằm vận động các nhà tài trợ cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và điều phối viện trợ giữa các nhà tài trợ cho Việt nam. Đây là một diễn đàn giữa Chính phủ Việt nam và đại diện của khoảng 50 các nhà tài trợ song phương và đa phương cho Việt nam. Các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và quốc tế, các đại diện của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội nghị với tư cách quan sát viên. Hội nghị CG được tổ chức 2 lần/năm: Hội nghị chính thức thường được tổ chức vào tháng 12 hàng năm tại Hà Nội. Hội nghị không chính thức giữa kỳ được tổ chức vào tháng 5 hoặc tháng 6 hàng năm.

Bắt đầu từ năm 2013, để phát triển hơn nữa quan hệ đối tác hai bên thống nhất chuyển đổi mô hình tổ chức Hội nghị CG thành một diễn đàn chính thức gọi là Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) để các bên có cơ hội cùng nhau đối thoại về chính sách trên tinh thần hợp tác và xây dựng. Diễn đàn này được tổ chức vào đầu tháng 12 hằng năm.

e) Hài hoà hoá thủ tục

WB là một trong những nhà tài trợ đi tiên phong trong việc thực hiện Cam kết Hà Nội bằng cách tăng cường tài trợ thông qua các phương thức tiếp cận chương trình, ngành, quốc gia. Cách tiếp cận chương trình có những đặc tính sau: (i) Vai trò lãnh đạo của nước tiếp nhận, (ii) Chương trình tổng hợp và khung ngân sách duy nhất, (iii) Quá trình phối hợp tài trợ và hài hoà thủ tục và (iv) Nỗ lực sử dụng nhiều hơn quy trình và quy định của Chính phủ trong toàn bộ chu trình. Các phương thức cung cấp hỗ trợ của WB ở Việt Nam trong tương lai sẽ bao gồm dự án, chương trình, hỗ trợ ngân sách chung và hỗ trợ ngân sách có mục tiêu nhằm khuyến khích nâng cao hiệu quả và hiệu lực của việc cung cấp vốn vay.

Trong thời gian qua, WB cũng tích cực phối hợp với Chính phủ và 5 Ngân hàng trong việc rà soát, đánh giá và triển khai các sáng kiến hài hoà, đơn giản hoá thủ tục nhằm hướng tới việc đẩy nhanh giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn của các dự án ODA.

5.Hợp tác về tài chính toàn diện

Trong khuôn khổ sáng kiến Tiếp cận tài chính toàn cầu đến năm 2020 (UFA 2020), WB đã và đang hỗ trợ nhiều quốc gia hướng tới mục tiêu tăng cường tiếp cận tài chính cho người dân trên toàn thế giới. Tại cuộc họp Mùa Xuân năm 2015, WB đã quyết định tập trung triển khai UFA tại 25 quốc gia ưu tiên trong đó có Việt Nam.

Theo đó, WB đã thiết kế Chương trình hỗ trợ phát triển tài chính toàn diện (FISF) và Khung Hỗ trợ quốc gia (CSP) dành cho Việt Nam với 4 trụ cột chính gồm: (i) Xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và khung giám sát, đánh giá; (ii) Phát triển hệ thống thanh toán và cơ sở hạ tầng tài chính; (iii) Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp; và (iv) Bảo vệ người tiêu dùng tài chính và tăng cường năng lực, kiến thức tài chính. Chương trình kéo dài từ 2016-2019 và đã được gia hạn đến 6/2020 nhằm hoàn thành các hoạt động, trong đó nổi bật WB đã hỗ trợ NHNN xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam triển khai đồng bộ và hiệu quả tài chính toàn diện trong thời gian tới, qua đó giúp mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sửdụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

6. Một số chương trình/dự án của WB cho Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan chủ quản:

a) Chương trình Tín dụng Hỗ trợ Giảm nghèo (PRSC)

Đây là Chương trình đối thoại chính sáchgiữa Chính phủ với các nhà tài trợ được thực hiện theo hình thức hỗ trợ ngân sách trực tiếp. Chương trình PRSC được thực hiện trong giai đoạn 2001-2011. Các Chương trình PRSC đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho chương trình cải cách của Chính phủ. Ngoài hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách, đối thoại chính sách là một trong những lợi ích mà cả Chính phủ và các nhà tài trợ đều nhấn mạnh. Chính phủ tiếp nhận được ý kiến đóng góp của các nhà tài trợ về nội dung chính sách và cơ chế thực hiện, còn các nhà tài trợ thì hiểu rõ hơn đường lối của tiến trình cải cách và tư duy của Chính phủ. PRSC tỏ ra hiệu quả nhất trong việc hỗ trợ xây dựng các chính sách, các khung pháp lý và thể chế. Các khung thể chế và quy định có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tạo hành lang pháp lý cho các hành động khác của Chính phủ và các nhà tài trợ. Việc Việt Nam thực hiện thành công Chương trình PRSC đã góp phần đẩy nhanh tiến độ cải cách của Việt Nam, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Đến nay,sau 10 Chương trình PRSC, tổng số vốn vay WB lên tới 2,6 tỷ USD, tổng vốn tài trợ của các nhà đồng tài trợ cho Chương trình là 1,1 tỷ USD. Hiện nay, Chương trình PRSC đã kết thúc.

b) Chương trình “Hỗ trợ Quản lý Kinh tế và Nâng cao Khả năng cạnh tranh” (EMCC)

Chương trình EMCC được thiết kế là chương trình hỗ trợ cải cách tổng thể nền kinh tế với mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc hỗ trợ thực hiện các cải cách then chốt nhằm đảm bảo tăng trưởng và giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2011-2016, Chương trình EMCC tập trung hỗ trợ những cải cách quan trọng nhằm giúp Việt nam dịch chuyển từ tăng trưởng dựa trên những điều kiện tự nhiên sang tăng trưởng nhờ tăng năng suất và khả năng cạnh tranh trên các lĩnh vực: (i) ổn định kinh tế vĩ mô; (ii) tăng cường quản lý nhà nước đối với khu vực công; và (iii) phát triển khu vực tư nhân. Đến nay, chương trình EMCC1 trị giá 250 triệu USD, EMCC 2 trị giá 250 triệu USD đã được hoàn thành và Chương trình EMCC 3 trị giá 150 triệu USD. Ngoài ra, chương trình còn nhận được các khoản đồng tài trợ từ các nhà tài trợ khác. Một số nhà tài trợ lớn gồm: JICA là 130-150 triệu USD/chương trình; ADB 230 triệu USD cho Chương trình EMCC2, SECO và SIDA là 26 triệu USD cho Chương trình EMCC 2, Chính phủ Nhật Bản là 15 tỷ Yên, Chính phủ Thụy Sĩ là 8 triệu Frans Thụy sĩ, Canada 6 triệu CAD ...).

c) Các dự án Tài chính Nông thôn

Trong số các dự án tín dụng quốc tế định hướng phát triển nông nghiệp và nông thôn,WB giới đã tài trợ cho Việt Nam 3 Dự án Tài chính Nông thôn (TCNT), trong đó, Dự án TCNT I (Tín dụng số 2855-VN, trị giá 120 triệu USD) và Dự án TCNT II (Tín dụng số 3648-VN, trị giá 234,8 triệu USD) đã kết thúc thành công. Dự án TCNT III (Tín dụng số 4447-VN), trị giá 200 triệu USD đã kết thúc vào 31/12/2014 và hiện đang trong quá trình triển khai công việc tổng kết Dự án và hoàn thành báo cáo cuối cùng. Các Dự án TCNT đều có chung một mục tiêu là hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực phát triển khu vực nông thôn gắn với xóa đói giảm nghèo. Dự án được thực hiện theo mô hình bán buôn tín dụng thông qua các trung gian tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là Cơ quan Chủ quản, và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam là cơ quan thực hiện Dự án.

Theo đánh giá của WB và các nhà tài trợ,các Dự án Tài chính Nông thôn đã đạt được kết quả tốt, góp phần đáng kể vào công cuộc giảm nghèo của Việt Nam.

d) Dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng

Dự án Hệ thống Thông tin Quản lý và Hiện đại hóa Ngân hàng do WB và Chính phủ Nhật Bản tài trợ, trị giá tương đương71,830 triệu USD,trong đó: vốn vay Ngân hàng Thế giới: 60 triệu USD; vốn đồng tài trợ PHRD của Chính phủ Nhật Bản: 0,83 triệu USD; và vốn đối ứng 11 triệu USD. Thời gian dự kiến thực hiện Dự án: từ 2009 đến 2017. Dự án được triển khai tạiNgân hàng Nhà nước Việt Nam; Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV). Mục tiêu của Dự án: Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV).

Đối với ba đơn vị thụ hưởng chính của Dự án đó là NHNN, CIC và DIV thì Dự án này được coi là một dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thông tin để hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ, nâng cấp chất lượng và hiệu quả hoạt động một cách đáng kể. Dự án sẽ giúp giảm thiểu chi phí cơ hội, tăng khả năng phản ứng chính sách đối với những biến động, thay đổi của các hoạt động kinh tế nói chung cũng như trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và ngân hàng nói riêng. Dự án được thực hiện thành công sẽ nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động của NHNN, CIC và DIV. Dự án được thực hiện sẽ tạo nên hạ tầng cơ sở khá cơ bản và đồng bộ làm nền tảng thiết yếu để NHNN thực hiện bước đổi mới tiếp theo vững chắc, thực hiện tốt hơn chức năng cơ bản của mình, làm trụ cột thúc đẩy sự phát triển chung của hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần tích cực vào việc phát triển các hoạt động tài chính, tiền tệ của quốc gia, qua đó góp phần đáng kể vào ổn định vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng bền vững và thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

e) Dự án HTKT Phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng Việt Nam

Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng Việt Nam” (Dự án) do Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) có tổng mức đầu tư là 7.758.000 USD, trong đó vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 7.158.000 USD (Vốn ODA do WB trực tiếp quản lý là 4.952.000 USD, vốn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý là 2.206.000 USD) và vốn đối ứng là 600.000 USD.Mục tiêu của Dự án nhằm tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng, hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp phù hợp hơn dựa trên chuẩn mực quốc tế để xử lý những tồn tại, hạn chế về cơ cấu trong hệ thống ngân hàng. Dự án gồm 04 Hợp phần: (i) Tăng cường hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và qui định khu vực ngân hàng; (ii) Tăng cường khuôn khổ thanh tra, giám sát và quản lý ngân hàng; (iii) Tăng cường xử lý nợ xấu và hỗ trợ các ngân hàng; và (iv) Tăng cường khuôn khổ ổn định tài chính và an toàn vĩ mô.

Hiệp định Viện trợ không hoàn lại cho Dự án đã được ký kết vào ngày 1/10/2019. Thời gian thực hiện dự án từ 2019-2023.

7. Đánh giá chung về quan hệ Việt Nam - WB

Kể từ khi nối lại quan hệ với tín dụng với Việt Nam đến nay, WB đã có những đóng góp và hỗ trợ tích cực vào công cuộc đổi mới và cải cách kinh tế, đặc biệt là công cuộc xoá đói giảm nghèo ởViệt nam. Quan hệ giữa Việt Nam và WB ngày càng được củng cố và phát triển. Điều này được thể hiện thông qua các chuyến thăm và làm việc chính thức tại Việt Nam củanhiều Đoàn cán bộ cấp cao của WB (gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Giám đốc Điều hành) đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam để trao đổi với Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan về tình hình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và tìm hiểu nhu cầu hỗ trợ giúp của Chính phủ để phía WB xây dựng chiến lược hỗ trợ cho Việt Nam nhằm góp phần trợ giúp Việt Nam thực hiện thành công công cuộc cải cách của mình. Cam kết cung cấp trợ giúp về tài chính theo hình thức cho vay ưu đãi của WB cho Việt Nam đã tăng dần, đặc biệt là trong các năm 2010-2015. Trong thời gian tới, WB cam kết sẽ tiếp tục dành mức phân bổ tối đa nguồn vốn IDA chuyển đổi (lãi suất tương tự IBRD) và nguồn vốn IBRD cho Việt Namđể hỗ trợ Việt Nam tiếp tục đầu tư chocác dự án cơ sở hạ phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần giúp Việt Nam phát triển bền vững và các mục tiêu thiên niên kỷ.

Trong thời gian qua,các dự án và chương trình mà WB tài trợ cho Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên cao của Nhà nước như: nông nghiệp, thuỷ lợi, năng lượng, cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng. Các chương trình và dự án này đã đóng góp tích cực và có hiệu quả vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế, phát triển các dịch vụ xã hội, tăng cường thể chế và phát triển nguồn nhân lực, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và xoá đói giảm nghèo.

Ngoài việc cho vay các dự án và chương trình, WB cũng cung cấp các khoản Hỗ trợ Kỹ thuật (HTKT) cho Việt Nam,bao gồm cả các khoản HTKT của các nước tài trợ uỷ thác qua WB. Các HTKT này tập trung tăng cường năng lực thể chế quốc gia cho các lĩnh vực của nền kinh tế.

Các hỗ trợ này có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam về cả tài chính và kỹ thuật. Cụ thể:

- Về tài chính: với ưu điểm là các khoản tài trợ không có lãi hoặc lãi suất thấp, nguồn vốn IDA đã góp phần quan trọng cho cân đối tài chính quốc gia. Tổng giá trị các khoản vốn vay ưu đãi đã kịp thời giúp Việt Nam giải quyết được những khó khăn về tài chính cho những nhiệm vụ chi cấp bách của ngân sách nhà nước hàng năm, đặc biệt là đối với các lĩnh vực không trực tiếp tạo ra nguồn thu. Trong thực tế, số vốn vay ưu đãi từ IDA luôn chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số vốn ODA tài trợ cho Việt Nam thời gian qua.

- Về kỹ thuật: không chỉ có ý nghĩa hỗ trợ về tài chính, các chương trình dự án do IDA tài trợ hầu hết được tập trung vào phát triển mọi lĩnh vực của nền kinh tế nhằm hỗ trợ cải cách chính sách, thể chế, điều chỉnh cơ cấu kinh tế để chuyển sang nền kinh tế thị trường, phát triển cơ sở hạ tầng tại các lĩnh vực thiết yếu.

Có thể nói, hoạt động của WB tại Việt Nam luôn được gắn liền với tiến trình pháttriển của Việt Nam, tạo ra hiệu ứng thiết thực đối với cải cách và phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo của đất nước. Các tư vấn chính sách của WB được thực hiện trên cơ sở linh hoạt và phù hợp với bối cảnh phát triển của Việt Nam qua từng thời kỳ, nhờ đó đã khuyến khích được Chính phủ duy trì động lực cải cách nhằm tiếp tục đổi mới hơn trong tình hình mới. Từng chương trình, dự án đầu tư do WB tài trợ là sự lồng ghép giữa đầu tư, chính sách và thể chế; đồng thời mỗi chương trình, dự án đều là những sáng kiến về ý tưởng, hành động phù hợp nhằm hỗ trợ cho quá trình phát triển, từ đó làm cơ sở để áp dụng rộng rãi một cách hiệu quả.

© Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Địa chỉ : Số 49 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà NộiThường trực Ban biên tập : (84 - 243) 266.9435Email : thuongtrucweb@sbv.gov.vnRSS
Chung nhan Tin Nhiem Mang Số điện thoại tổng đài Ngân hàng Nhà nước: (84 - 243) 936.6306