Skip to content
Cỡ chữ: A-A+

Cơ sở pháp lý của NHNN trong việc thực hiện chức năng ổn định tiền tệ - tài chính

Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ nhưng có độ mở lớn và thị trường vốn tương đối mởđể thu hút đầu tư trực tiếp cũng như gián tiếp từ nước ngoài. Do vậy, ảnh hưởng lan truyền từ kinh tế thế giới đến thị trường trong nước cũng ngày càng rõ rệt và mạnh mẽ hơn. Trước những diễn biến đó, trên cơ sở quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt nam năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2013/NĐ-CP (ngày 11/11/2013) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN, trong đó quy định rõ NHNN có chức năng tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình tiền tệ, tài chính; đề xuất các biện pháp ngăn ngừa rủi ro có tính hệ thống trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính; và xây dựng chính sách, biện pháp ứng phó với khủng hoảng, đảm bảo ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng, tài chính như một chức năng quan trọng mà một NHTW cần phải có sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Đồng thời, Nghị định bổ sung Vụ Ổn định tiền tệ- tài chính vào cơ cấu tổ chức của NHNN. Việc này hoàn toàn phù hợp với xu hướng ngày càng có nhiều các nước trên thế giới luật hóa chức năng “Ổn định tài chính” của NHTW cũng như phát triển bộ phận chuyên trách về ổn định tài chính thuộc NHTW.

Nội dung và phương pháp triển khai chức năng ổn định tiền tệ - tài chính

Để chuẩn bị cho việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng và hội nhập kinh tế nói chung, để cơ hội được chuyển hóa thành lợi ích cụ thể và rủi ro được kiểm soát, cần phải chủ động triển khai công tác chuẩn bị ở cả 3 nhóm chủ thể: các cơ quan quản lý, doanh nghiệp-ngân hàng và người dân. Cụ thể:

(i) Một là, các cơ quan chức năng thực hiện ổn định tài chính, với NHNN làm đầu mối, sẽ hoàn thiện khuôn khổ an toàn vĩ mô với hành lang pháp lý đủ thẩm quyền và trách nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị hữu quan, với thể chế phù hợp, thuận lợi cho tích hợp thông tin kịp thời phục vụ công tác nhận diện rủi ro hệ thống tài chính. NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển các phương pháp, mô hình, công cụ giám sát an toàn vĩ mô đối với hệ thống tài chính (do IMF và BIS giới thiệu đã được nhiều nước áp dụng hiệu quả) để đảm bảo hiệu quả ngăn ngừa rủi ro tổng thể và giảm thiểu các ngoại ứng không mong muốn đối với nền kinh tế. Đồng thời, NHNN rất cần sự phối hợp nhịp nhàng trong quá trình hoạch định chính sách và cung cấp, chia sẻ thông tin kịp thời từ Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và các Bộ ngành liên quan khác bởi lẽ ổn định tài chính là một nhiệm vụ rộng lớn, đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều cơ quan Chính phủ. Hơn nữa, cơ chế điều hành và quản lý minh bạch, thông tin kịp thời đến nhân dân và thị trường cũng là một nhân tố quan trọng và cần nhận được sự phối hợp tích cực của các cơ quan liên quan.

(ii) Hai là, các ngân hàng, tổ chức tài chính, dưới sự giám sát và hướng dẫn của NHNN và các cơ quan liên quan, phải đẩy nhanh thực hiện những những cải cách cần thiết đã thống nhất với các cơ quan quản lý, đặc biệt không ngừng cải thiện công tác quản trị điều hành và quản lý rủi ro. Điều này không chỉ hỗ trợ cho công tác giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, mà hơn hết là đem lại lợi ích sống còn cho chính các tổ chức tài chính đó.

(iii) Ba là, người dân hay khách hàng sử dụng các sản phẩm/dịch vụ tài chính, ngân hàng, cần được nâng cao kiến thức tài chính, nhận thức về quyền lợi chính đáng của họ trong việc sử dụng các sản phẩm/dịch vụ tài chính, ngân hàng. NHNN và các cơ quan liên quan với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ cần tăng cường các qui định bảo vệ khách hàng và nghiên cứu, triển khai các chương trình nâng cao kiến thức tài chính cho người dân, đặc biệt trong các vùng miền và khu vực kém lợi thế kinh tế.

Tóm lại, để có thể tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro từ quá trình hội nhập, yêu cầu chung đặt ra là xây dựng hệ thống các khuôn khổ và quy định nhằm theo dõi, đánh giá rủi ro, và điều tiết chính sách phù hợp với mức độ rủi ro của hệ thống tài chính một cách tổng thể và đồng bộ.

© Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Địa chỉ : Số 49 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà NộiThường trực Ban biên tập : (84 - 243) 266.9435Email : thuongtrucweb@sbv.gov.vnRSS
Chung nhan Tin Nhiem Mang Số điện thoại tổng đài Ngân hàng Nhà nước: (84 - 243) 936.6306