Khi thúc đẩy dự án “Digital Euro”, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhấn mạnh thông điệp cốt lõi, đó là cần bảo tồn những tiện ích xã hội của tiền mặt trong bối cảnh thanh toán đang số hóa nhanh chóng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Đồng Euro số: Giữ vững chủ quyền tiền tệ trong kỷ nguyên số hóa
Từng là trụ cột bảo đảm lựa chọn, cạnh tranh và chủ quyền, tiền mặt đang suy giảm đáng kể trong hành vi thanh toán. Chỉ trong giai đoạn 2019 - 2024, tỷ trọng tiền mặt trong số lượng giao dịch bán lẻ giảm từ 68% xuống 40%, còn về giá trị từ 40% xuống 24%. Khoảng trống do sự suy giảm này chưa được lấp đầy bởi một hạ tầng thanh toán công cộng toàn khối mà chủ yếu bị chi phối bởi các giải pháp tư nhân ngoài châu Âu, khiến “khả năng thanh toán bằng tiền có chủ quyền” trong khu vực đồng tiền chung ngày càng bị xói mòn (Piero Cipollone, 2025).
Theo ông Piero Cipollone - Ủy viên Ban điều hành ECB, để bảo toàn chức năng của tiền pháp định do ngân hàng trung ương phát hành, người dân cần tiếp tục có khả năng sử dụng “tiền ngân hàng trung ương” - dạng tài sản an toàn tuyệt đối và có tính pháp định - cả trong giao dịch trực tuyến lẫn tại điểm bán số hóa. Thiếu đi một phiên bản số của tiền mặt, trụ cột niềm tin và tính toàn vẹn của liên minh tiền tệ sẽ suy yếu: Quyền tự do lựa chọn phương thức thanh toán, khả năng phục hồi trước sự cố và vị thế đàm phán của cả người tiêu dùng lẫn thương nhân đều bị thu hẹp. Đồng Euro số không nhằm thay thế khu vực tư nhân mà đóng vai trò bổ sung, tạo ra một tầng hạ tầng công nền tảng, làm neo tham chiếu (anchor) cho toàn bộ hệ sinh thái thanh toán.
Ngân hàng Trung ương châu Âu: Hành động sớm để bảo toàn vai trò của tiền pháp định
Về chủ quyền tiền tệ, theo ECB, đó không chỉ là quyền phát hành đồng tiền, mà còn là việc công chúng có thể thường xuyên lựa chọn và sử dụng tiền pháp định. Khi thanh toán số bị chi phối bởi các giải pháp ngoại khối hoặc nền tảng tập trung tư nhân, rủi ro phụ thuộc công nghệ, dữ liệu và định giá dịch vụ gia tăng. Hiện nay, chỉ 7/20 quốc gia trong Khối đồng Euro duy trì được hệ thống thẻ nội địa, trong khi thương mại điện tử ở đa số quốc gia chủ yếu dựa vào các giải pháp không thuộc sở hữu châu Âu. Điều này làm suy giảm năng lực tự chủ chiến lược về thanh toán - một yếu tố ngày càng gắn liền với an ninh kinh tế (Cipollone, P, 2025). ECB cảnh báo rằng việc chậm trễ hành động sẽ dẫn tới hai loại chi phí. Thứ nhất, chi phí cấu trúc, khi sự phân mảnh và phụ thuộc nền tảng ngoài kéo dài do các nỗ lực tư nhân trước đây chưa tạo được giải pháp toàn châu Âu đồng nhất. Thứ hai, chi phí cơ hội, khi bỏ lỡ thời điểm thiết kế các tiêu chuẩn mở, trung lập về cạnh tranh, để rồi bị “khóa chặt” (lock-in) vào giao thức độc quyền. Ngay cả trong kịch bản lạc quan - khi thị trường tư nhân có bước đột phá - đồng Euro số vẫn cần thiết để bảo đảm tính phổ cập (universal acceptance), điều mà tiền tư nhân không thể cam kết, nhất là về khả năng hoạt động ngoại tuyến chuẩn hóa cho toàn dân.
Phát biểu tại Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ Nghị viện châu Âu, ông Piero Cipollone cho biết, ECB định vị đồng Euro số với nhiều giá trị gia tăng như đảm bảo phổ cập và bao trùm, dễ tiếp cận và được chấp nhận như một hàng hóa công trong kỷ nguyên số; duy trì chức năng dự phòng và phục hồi với cơ chế thanh toán ngoại tuyến khi xảy ra thiên tai hoặc sự cố mạng; tạo ra một chuẩn thanh toán công (dạng tiền pháp định số - legal tender) giúp thiết lập mặt bằng phí, nâng vị thế đàm phán của thương nhân và giảm sức mạnh độc quyền của nền tảng tư nhân; thúc đẩy đổi mới nhờ chuẩn mở, API và hạ tầng lõi do châu Âu kiểm soát, giúp các nhà cung cấp dịch vụ mở rộng quy mô nhanh mà không bị rào cản độc quyền; và đặc biệt là củng cố chủ quyền công nghệ, dữ liệu, giảm rủi ro gián đoạn do biến động địa chính trị. Ông Piero Cipollone nhấn mạnh sự bổ trợ giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, bác bỏ quan điểm “chọn một bên, loại bỏ bên kia”. Lịch sử tiền tệ cho thấy tiền do ngân hàng trung ương phát hành (tiền pháp định) và tiền do khu vực tư nhân phát hành (như tiền điện tử hay ví kỹ thuật số) luôn tồn tại song song và hỗ trợ lẫn nhau: Tiền pháp định đóng vai trò neo niềm tin, trong khi tiền tư nhân mang lại sự linh hoạt và những trải nghiệm sáng tạo cho người dùng. Chính vì vậy, đồng Euro số được thiết kế như một nền tảng hạ tầng cơ bản tương tự hạ tầng thanh toán tức thì hoặc các chuẩn nhắn tin tài chính để khu vực tư nhân có thể phát triển thêm các dịch vụ giá trị gia tăng như ví điện tử, giải pháp tích hợp thương mại điện tử hoặc khai thác dữ liệu thông minh. Đây không chỉ là một công cụ thanh toán mới, mà còn là đòn bẩy chiến lược giúp châu Âu duy trì sự cân bằng giữa vai trò dẫn dắt của nhà nước và sức sáng tạo của khu vực tư nhân trong kỷ nguyên số.
Hàm ý chính sách và khuyến nghị
Một là, hành động sớm để tránh “khoảng trống trong chức năng của tiền quốc gia” trở nên khó đảo ngược. Sự giảm dần sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế là xu hướng ngày càng rõ nét, nếu chờ “thị trường tự điều chỉnh” sẽ dễ dẫn tới phụ thuộc dài hạn vào hệ sinh thái thanh toán số do tổ chức nước ngoài kiểm soát. Đồng thời, cần xác lập mục tiêu chiến lược rõ ràng như bảo toàn chức năng neo công của tiền, không chạy theo mô phỏng công nghệ của tài sản tư. Thiết kế hệ thống phải bảo đảm các yếu tố như hoạt động offline, tính bao trùm, bảo mật và quyền riêng tư tương xứng, với công bố minh bạch để tạo niềm tin.
Hai là, xây dựng kiến trúc song tầng (two-tier) với phân định rõ vai trò. Ngân hàng trung ương bảo đảm phát hành và thanh toán lõi an toàn, trong khi các trung gian tài chính, Fintech đảm nhiệm trải nghiệm người dùng, KYC và đổi mới dịch vụ. Song song, cần thể chế hóa quyền sử dụng tiền mặt cùng với tiền số pháp định, khung pháp lý nên “bảo vệ lựa chọn” thay vì thay thế cưỡng bức để tránh phản ứng xã hội và củng cố tính hợp pháp của dự án.
Ba là, ưu tiên chuẩn mở, API và các tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm khả năng tương tác đa kênh (POS, thương mại điện tử, P2P), tránh phân mảnh giao thức. Cùng với đó, thiết kế chức năng ngoại tuyến an toàn, cân bằng giữa quyền riêng tư (ẩn danh cho giao dịch nhỏ) và tuân thủ AML/CFT cho giao dịch lớn, kèm cơ chế hạn mức và tính năng kiểm soát rủi ro. Đồng thời, cần bảo đảm phân bổ giá trị hợp lý cho khu vực tư nhân thông qua cơ chế phí và mô hình chia sẻ dữ liệu có đồng thuận, giúp trung gian có động lực tích hợp và tránh áp lực phí cho người dùng.
Bốn là, tăng cường quản trị rủi ro tập trung, an ninh mạng và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng với yêu cầu kiểm soát nội địa đối với thành phần trọng yếu (khóa mật mã, hạ tầng xác thực) và kế hoạch dự phòng khủng hoảng. Song song, đẩy mạnh chiến lược truyền thông, giáo dục tài chính để phân biệt đồng tiền số pháp định với token tư, stablecoin hay tiền mã hóa biến động, phòng ngừa hiểu nhầm. Cuối cùng, triển khai theo lộ trình từng giai đoạn - thí điểm trên phạm vi nhỏ, nhóm người dùng đại diện, đo lường chỉ số chấp nhận trước khi mở rộng toàn quốc hoặc quốc tế, tránh hiệu ứng “ra mắt lớn - sử dụng thấp”.
Trường hợp “Digital Euro” cho thấy “chiến lược bảo toàn” (preservation strategy) của ngân hàng trung ương trong kỷ nguyên số cần chủ động. Điều đó có nghĩa là, không thụ động trước suy giảm tiền mặt, mà kiến tạo lớp hạ tầng công nghệ quốc gia bổ sung, bảo vệ chủ quyền, thúc đẩy cạnh tranh và duy trì sự lựa chọn của công chúng. Với các ngân hàng trung ương khác, bài học không nằm ở việc sao chép nguyên trạng mô hình Euro số, mà ở cách đặt mục tiêu, kiến trúc thể chế và chuỗi giá trị để tiền pháp định tiếp tục giữ vai trò neo sự tin cậy trong hệ sinh thái thanh toán đa dạng hóa nhanh chóng. Việc “không hành động” chính là rủi ro chiến lược lớn nhất.
Xuân Mai (Theo ECB)