Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến "Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)", diễn ra sáng ngày 22/6, ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN) cho biết, đến ngày 18/6, dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,16% so với cuối năm 2022. Trong đó, tín dụng nhóm SME tăng trưởng khoảng 3%. Theo ông Trần Anh Quý, tăng trưởng tín dụng còn thấp so với kỳ vọng do cầu tín dụng giảm, khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế khó khăn.
Gỡ nút thắt vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Nguyễn Vũ
Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến "Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)", diễn ra sáng ngày 22/6, ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN) cho biết, đến ngày 18/6, dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,16% so với cuối năm 2022. Trong đó, tín dụng nhóm SME tăng trưởng khoảng 3%. Theo ông Trần Anh Quý, tăng trưởng tín dụng còn thấp so với kỳ vọng do cầu tín dụng giảm, khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế khó khăn.
Theo đó kinh tế toàn cầu suy giảm khiến doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất. Trong khi chi phí sản xuất tăng cao, càng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp phải hoãn, dừng, chuyển đổi sản xuất để đối phó khó khăn trước mắt. Bên cạnh đó, các phương án kinh doanh khả thi và khả năng chuyển đổi sản xuất kinh doanh để thích ứng biến động thị trường của doanh nghiệp SME rất nhiều hạn chế. Ông Trần Anh Quý nhìn nhận do nền kinh tế trong và ngoài nước đều gặp khó khăn nên mức độ rủi ro cao hơn khi doanh nghiệp khó chứng minh được hiệu quả kinh doanh. Trong khi đó, các TCTD khó có điều kiện hạ chuẩn cho vay. Điều này dẫn đến các TCTD muốn cho vay mà không tìm được khách hàng đủ điều kiện vay.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cũng đã chỉ ra thêm những rủi ro của việc dựa quá nhiều vào tín dụng. Theo đó, hiện tổng dư nợ cho toàn bộ nền kinh tế vào khoảng 12,2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 125% GDP. Đây là mức gần như cao nhất trong khối ASEAN, cao hơn rất nhiều so với các nước OECD. "Vì thế không thể nâng quá cao mức tổng dư nợ của nền kinh tế nữa. Nếu chúng ta cho vay quá nhiều, điều đó sẽ tổn hại đến kinh tế vĩ mô", TS. Bình nhấn mạnh và cho rằng, nếu kéo dài tình trạng trên, nền kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng, đi ngược lại tất cả thông lệ tốt của quốc tế. Vấn đề tiếp theo là tất cả ngân hàng hiện nay đều phải nâng chuẩn mực như là phải đáp ứng Basel II, Basel III. Ngoài những yêu cầu về an toàn vốn, mức vốn tối thiểu thì có rất nhiều những tiêu chí khác như chất lượng tín dụng. Do đó, tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng bắt buộc cũng sẽ phải nâng lên.
Bên cạnh đó theo TS. Lê Duy Bình, hiện năng lực quản trị, hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp SME cũng còn nhiều bất cập và nếu doanh nghiệp không thực hiện hệ thống sổ sách kế toán rõ ràng, nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, tuân thủ quy định pháp luật, nguyên tắc quản trị công ty tốt mà luôn luôn xảy ra xung đột hoặc tranh chấp nội bộ thì rõ ràng người cho vay là ngân hàng sẽ không sẵn sàng cho doanh nghiệp này vay tiền. "Đây không phải tiền của ngân hàng, mà của những người gửi tiền tại các ngân hàng đó. Vậy nên ngân hàng phải có trách nhiệm với người gửi tiền. Như vậy rõ ràng là việc ngân hàng vẫn phải giữ chuẩn mực cho vay là điều rất cần thiết vì sẽ bảo vệ được cả cho lợi ích của người gửi tiền và cho xã hội", ông Bình nhận định.
Ở góc độ người làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, ông Ngô Bình Nguyên - Giám đốc Khối SMEs OCB thừa nhận, tại Việt Nam, quản trị dòng tiền các SME chưa minh bạch và vẫn bị lẫn lộn giữa câu chuyện tài chính của doanh nghiệp và cá nhân. "Họ có thể dùng dòng tiền của doanh nghiệp phục vụ cho một số hoạt động cá nhân và ngược lại. Sự không minh bạch đó dẫn đến là không nhìn thấy được bức tranh thực tế của doanh nghiệp. Điều này tạo ra điểm mờ trong quyết định cấp tín dụng đối với doanh nghiệp SME", ông Nguyên nhận xét. Nút thắt chủ yếu nữa khiến cho nhóm doanh nghiệp này khó tiếp cận vốn vẫn là phương án kinh doanh hiệu quả. Tài sản đảm bảo cũng là một hạn chế đối với doanh nghiệp.
Mở rộng các kênh vốn là bài toán cấp bách
TS. Lê Duy Bình đánh giá, ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Nhưng nếu phụ thuộc hết vào ngân hàng thì sẽ tạo ra vấn đề của một nước đang phát triển và chúng ta không thoát ra được cái bẫy mang tên nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng (bank base economy). Điều đó có nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với sự an toàn của hệ thống ngân hàng cũng như khả năng đáp ứng vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn thường ở mức độ rất thấp, trong khi đó tỷ lệ này ở Việt Nam đang rất cao. Thời gian vừa qua, NHNN cũng đã có động thái để giảm dần tỷ lệ này xuống. Bên cạnh đó, cung ứng vốn trung và dài hạn của ngân hàng sẽ có mức giới hạn nhất định nên bắt buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm các nguồn vốn khác. "Chúng tôi kỳ vọng sắp tới thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục minh bạch hóa hơn để các doanh nghiệp có kênh huy động vốn thực sự hiệu quả", ông Bình nói.
Ông Trần Anh Quý cho rằng, trong xu thế phát triển tài chính hiện tại, việc mở rộng các kênh huy động vốn, đặc biệt qua thị trường chứng khoán, trái phiếu là những bài toán rất cấp bách.
Tuy nhiên, sự ngưng trệ của thị trường trái phiếu vừa qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc huy động vốn của các doanh nghiệp. Dù khó khăn nhưng các chuyên gia cho rằng, đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, cũng như các SME của Việt Nam nói riêng. Theo TS. Lê Duy Bình, nếu có những biện pháp, cơ chế pháp lý tốt và tạo ra nền tảng thuận lợi hơn thì chắc chắn niềm tin trên thị trường trái phiếu sẽ được phục hồi. Các doanh nghiệp có phương án phát hành tốt và minh bạch, có tiêu chuẩn với sự giám sát chặt chẽ hơn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan giám sát, cơ quan lưu ký, thì niềm tin của nhà đầu tư sẽ quay trở lại. "Đó là cơ hội cho các SME, đặc biệt là doanh nghiệp cỡ vừa vì họ có khả năng cung cấp thông tin, hệ thống thông tin và khả năng phát hành trái phiếu", ông Lê Duy Bình nói.