Biến đổi khí hậu hiện nay không còn là chuyện xa vời mà đã hiện hữu, tác động trực tiếp đến kinh tế và đời sống. Với vai trò then chốt, các ngân hàng trung ương thời gian qua đã có những hành động trong phạm vi chức năng để quản trị rủi ro khí hậu, đảm bảo ổn định tài chính và hỗ trợ chuyển đổi xanh bền vững. Điển hình, Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống tài chính trước các rủi ro xã hội, môi trường và khí hậu.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tư duy mới về tài chính bền vững
Biến đổi khí hậu đang định hình lại nền kinh tế toàn cầu, buộc các ngân hàng trung ương phải điều chỉnh cách tiếp cận để duy trì ổn định giá cả và hệ thống tài chính vững mạnh. Tài chính bền vững không chỉ là giải pháp ứng phó khủng hoảng khí hậu mà còn là một tư duy chuyển đổi, định nghĩa lại cách nhìn nhận rủi ro và cơ hội.
Hệ thống tài chính giữ vai trò huy động nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế carbon thấp - thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mở ra thị trường mới. Các ngân hàng trung ương, với vai trò quản lý và giám sát, có vị thế đặc biệt để đóng góp vào tiến trình này.
Từ ưu tiên chiến lược đến hành động cụ thể
BCB đã đưa tính bền vững thành ưu tiên chiến lược từ năm 2020. Theo BCB, lãnh đạo đóng vai trò then chốt khi đưa các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào định hướng chiến lược - từ phân bổ nguồn lực, lập kế hoạch dài hạn tới xây dựng văn hóa trách nhiệm và khả năng chống chịu.
BCB đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống tài chính trước các rủi ro xã hội, môi trường và khí hậu, giảm thiểu thiếu hụt thông tin, đồng thời thúc đẩy cách tiếp cận phối hợp ở tầm quốc tế. Để thông tin khí hậu thực sự hỗ trợ quá trình ra quyết định, dữ liệu cần dễ tiếp cận và đáng tin cậy. BCB đã củng cố khung pháp lý, yêu cầu các tổ chức tài chính công bố rủi ro và cơ hội liên quan đến môi trường, xã hội và khí hậu theo định dạng chuẩn hóa. Ngân hàng cũng thu thập dữ liệu toàn diện hơn để đảm bảo tính nhất quán, phục vụ việc giám sát chính sách trách nhiệm xã hội - môi trường và đánh giá tiến trình quản trị rủi ro.
BCB tiến hành các bài kiểm tra sức chịu đựng (stress test) để đánh giá mức độ nhạy cảm của danh mục tín dụng trước rủi ro khí hậu trong kịch bản thời tiết cực đoan, đồng thời nghiên cứu tác động của các sự kiện khí hậu tới kinh tế vùng và hệ thống tài chính. Các khảo sát thường niên cũng cho thấy lĩnh vực tài chính Brazil ngày càng nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của rủi ro khí hậu và điều chỉnh quản trị phù hợp.
Thúc đẩy công nghệ và minh bạch thị trường
Bên cạnh đó, BCB thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới như công nghệ chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật nhằm tìm kiếm giải pháp bền vững, hướng tới phát triển tài chính xanh.
Một dấu mốc quan trọng khác là việc BCB tham gia phát triển Bộ phân loại bền vững Brazil (TSB). Công cụ này chuẩn hóa định nghĩa, nâng cao tính minh bạch của thị trường và giúp giảm rủi ro “Greenwashing”. TSB cũng thu hẹp bất cân xứng thông tin, tăng cường độ vững chắc cho hệ thống tài chính.
BCB không chỉ đảm bảo hệ thống tài chính Brazil đủ sức chống chịu trước thách thức khí hậu, mà còn định vị ngành tài chính là lực lượng chủ động giải quyết vấn đề này. Chính bản thân BCB cũng đang củng cố hoạt động bền vững và trách nhiệm của mình, thể hiện vai trò không chỉ là nhà quản lý mà còn là hình mẫu thực hành.
Chuyển đổi khí hậu sẽ tiếp tục mang lại nhiều thách thức và chi phí cho kinh tế - xã hội. Vì vậy, các ngân hàng trung ương cần hành động kịp thời, trong phạm vi chức năng, để quản trị hiệu quả rủi ro hiện tại và mới nổi. Với BCB, tính bền vững đã trở thành một phần thiết yếu trong hoạt động hàng ngày, ngày càng được củng cố qua từng năm. Quản trị rủi ro xã hội, môi trường và khí hậu không chỉ là bảo vệ nền kinh tế mà còn là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.
Minh Quân (Theo OMFIF)