Các nhà kinh tế và cố vấn chính sách cho rằng Trung Quốc cần thiết phải cắt giảm thêm lượng nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ nhằm bảo vệ ổn định tài chính quốc gia, trong bối cảnh niềm tin vào hệ thống dựa trên USD đang suy yếu và căng thẳng địa chính trị kéo dài.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Để theo đuổi mục tiêu phân bổ dự trữ ngoại hối một cách cân bằng và có thể kiểm soát hơn, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ gia tăng đầu tư vào các tài sản không được định giá và giao dịch bằng USD, bao gồm những công cụ tài chính của các đối tác thương mại châu Á và các nguồn lực chiến lược như vàng, năng lượng và lương thực, theo nhận định của nhiều chuyên gia.
Ông Dư Dũng Định (Yu Yongding), thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc kêu gọi Trung Quốc tiếp tục giảm dần lượng nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ một cách có trật tự. “Cách tiếp cận lý tưởng là gia tăng nhập khẩu và sử dụng phần dự trữ ngoại hối dư thừa để mua sắm hàng hóa tư liệu công nghệ cao và nguyên liệu chiến lược. Điều này có thể đòi hỏi Trung Quốc thu hẹp thặng dư thương mại, tiến tới trạng thái cân bằng trong thương mại hàng hóa và dịch vụ, hoặc thậm chí chấp nhận thâm hụt thương mại trong một thời gian”, ông nói.
“Thời điểm bất thường đòi hỏi các biện pháp khác thường. Chúng ta phải theo dõi sát tình hình tài chính của Mỹ và chuẩn bị các phương án dự phòng để không bị bất ngờ,” ông Dư cảnh báo.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, sau khi tụt xuống vị trí thứ ba trong danh sách các chủ nợ lớn nhất của Mỹ vào tháng 3/2025, Trung Quốc tiếp tục giảm thêm 900 triệu USD trái phiếu kho bạc Mỹ trong tháng 5, xuống còn 756,3 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009 (khi đó là 744,2 tỷ USD).
Động thái này đi ngược lại với xu hướng gia tăng lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ mà các nhà đầu tư hoặc chính phủ nước ngoài đang sở hữu sau khi giảm vào tháng 4/2025. Tổng lượng nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ của các nhà đầu tư nước ngoài tăng từ 9.013 nghìn tỷ USD (tháng 4) lên 9.046 nghìn tỷ USD (tháng 5), trong đó, các chủ nợ lớn như Nhật Bản, Anh và Canada đều tăng lượng nắm giữ.
Ông Vương Bằng (Wang Peng), nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh, cho rằng việc Trung Quốc cắt giảm lượng trái phiếu Mỹ trong tháng 5 - tháng thứ ba liên tiếp, phản ánh nỗ lực liên tục nhằm tối ưu hóa cơ cấu dự trữ ngoại hối.
Mục tiêu là giảm thiểu rủi ro phụ thuộc quá mức vào nợ Chính phủ Mỹ và giới hạn tổn thất kinh tế tiềm tàng từ căng thẳng địa chính trị, bao gồm nguy cơ bị phong tỏa tài sản nếu Mỹ áp đặt trừng phạt, ông nói thêm. Đồng thời, việc này cũng thể hiện quan ngại trước tình trạng thâm hụt tài chính của Mỹ và sự không chắc chắn của nền kinh tế nước này.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ông Phan Công Thắng (Pan Gongsheng), trước đó, đã chỉ ra những rủi ro liên quan đến vị thế thống trị của USD như một đồng tiền dự trữ toàn cầu, cảnh báo rằng các vấn đề tài khóa và quản lý tài chính của Mỹ có thể lan rộng, trong khi USD có thể được sử dụng như vũ khí trong các xung đột địa chính trị.
Ông Quan Đào (Guan Tao), kinh tế trưởng toàn cầu của Ngân hàng Đầu tư BOCI Trung Quốc cho rằng, hiện tại không có nguy cơ tức thì về khủng hoảng nợ công Mỹ, do nhu cầu thị trường với trái phiếu Mỹ vẫn mạnh và lợi suất có thể giảm nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Quan Đào cũng nhấn mạnh mối lo ngại sâu xa hơn là tính bền vững dài hạn của nợ công Mỹ. Nếu Chính phủ Mỹ tiếp tục mở rộng nợ mà không có lộ trình kiểm soát, điều đó sẽ sớm dẫn đến hệ quả nghiêm trọng.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s đã hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ xuống Aa1 vào tháng 5/2025, viện dẫn tình trạng thâm hụt mất kiểm soát. Đồng thời, gói chi tiêu lớn của chính quyền Mỹ bắt đầu có hiệu lực trong tháng 7/2025, được dự báo sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách Liên Bang hơn 3.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, càng làm dấy lên lo ngại.
Ông Trần Vệ Đông (Chen Weidong), Giám đốc Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc cho biết: “Với tư cách là chủ nợ lớn thứ ba của Mỹ, Trung Quốc cần xây dựng một chiến lược hệ thống nhiều lớp nhằm ứng phó với các rủi ro ngày càng gia tăng liên quan đến nợ Chính phủ Mỹ và hệ thống tài chính dựa trên USD”.
“Điều này không chỉ cần thiết cho an ninh tài chính quốc gia của Trung Quốc, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến sự tiến hóa của trật tự tài chính toàn cầu”; đồng thời, cho biết Trung Quốc đã giảm hơn 40% lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ kể từ năm 2013. Ông nhấn mạnh một số ưu tiên chính của Trung Quốc trong thời gian tới bao gồm: Giảm dần nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ, tối ưu hóa danh mục đầu tư bằng USD bằng cách phân bổ nhiều hơn vào chứng khoán ngắn hạn, tăng đầu tư vào tài sản không được định giá và giao dịch bằng USD và thúc đẩy quốc tế hóa Nhân dân tệ. Ông cũng kêu gọi tăng cường hợp tác tài chính trong nội khối châu Á - khu vực hiện đang nắm giữ hơn 60% dự trữ toàn cầu bằng tài sản USD, nhằm hình thành một hệ thống luân chuyển dự trữ nội khối và giảm phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.
Trung Quốc thời gian qua cũng đã tăng cường đa dạng hóa tài sản dự trữ. Theo Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, lượng dự trữ vàng chính thức của nước này đã tăng tháng thứ tám liên tiếp, đạt 73,9 triệu ounce vào cuối tháng 6/2025. Cũng trong tháng 6, tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng lên 3,32 nghìn tỷ USD, mức cao nhất trong gần một thập kỷ.
Chiến lược tối ưu hóa cơ cấu dự trữ ngoại hối của Trung Quốc không chỉ mang ý nghĩa phòng vệ tài chính trước những bất ổn từ Mỹ, mà còn mở đường cho một bước đi dài hạn trong việc định hình lại trật tự tài chính toàn cầu. Việc cắt giảm trái phiếu chính phủ Mỹ, đa dạng hóa tài sản dự trữ và thúc đẩy hợp tác tài chính nội khối châu Á là những bước đi then chốt nhằm giảm phụ thuộc vào USD và tăng cường vai trò quốc tế của Nhân dân tệ trong thời gian tới.
Trung Nguyễn (Theo China Daily)