Mặc dù châu Á đang chịu sức ép từ các thay đổi trong chính sách thương mại toàn cầu, nhưng nhìn chung vẫn duy trì được các nền tảng vĩ mô ổn định để ứng phó. Dư địa chính sách tiền tệ còn lại có thể là “lá chắn” quan trọng giúp các nền kinh tế chống chịu tốt hơn với cú sốc bên ngoài.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Trước bối cảnh toàn cầu năm 2025 đang chịu sự ảnh hưởng từ các chính sách thuế quan mới, IMF nhận định các ngân hàng trung ương ở châu Á vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, chủ yếu thông qua cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nội địa.
Theo quan điểm của IMF, yếu tố then chốt giúp các ngân hàng trung ương duy trì được khả năng ứng phó là mức lạm phát tương đối ổn định. Ở nhiều quốc gia, lạm phát đã giảm về ngưỡng kiểm soát nhờ giá năng lượng điều chỉnh, nhu cầu nội địa suy yếu, và các biện pháp điều hành tiền tệ chặt chẽ trong giai đoạn 2022 - 2024. Do đó, không gian chính sách vẫn còn cho các quốc gia cắt giảm lãi suất hoặc tăng chi tiêu công mà không gây ra bất ổn lớn về kinh tế vĩ mô (Leika Kihara, 2025).
Sau giai đoạn phục hồi tương đối mạnh trong năm 2024 với mức tăng trưởng trung bình khu vực đạt 4,6%, theo IMF, tăng trưởng của châu Á dự kiến giảm còn khoảng 3,9% trong năm 2025 và chỉ nhích lên mức 4,0% vào năm 2026. Nguyên nhân chính không nằm ở những bất ổn nội tại mà chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là chính sách thương mại cứng rắn hơn của Hoa Kỳ và sự suy yếu của dòng thương mại toàn cầu.
Tuy vậy, IMF lưu ý rằng khu vực châu Á vẫn đang duy trì được một môi trường vĩ mô ổn định với lạm phát thấp và kỳ vọng lạm phát được giữ vững. Đây là yếu tố nền tảng quan trọng giúp nhiều nền kinh tế duy trì dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua cắt giảm lãi suất hoặc tăng chi tiêu công mà không gây áp lực quá lớn lên tỷ giá hay cán cân thanh toán.
Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều chịu tác động từ làn sóng thuế quan mới của Mỹ và tình hình thương mại toàn cầu suy yếu. Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại do ảnh hưởng từ chính sách “tự cường công nghệ” và nhu cầu tiêu dùng yếu, khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phải đối mặt với áp lực hạ lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng cần cẩn trọng trước rủi ro dòng vốn rút ra, đặc biệt khi USD suy yếu nhưng dòng tiền vẫn đổ vào Mỹ nhờ lãi suất thực dương. Tại Ấn Độ, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) phải duy trì ổn định đồng Rupee sau khi Mỹ áp thuế bổ sung lên hàng dược phẩm và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, với lạm phát được kiểm soát tốt (khoảng 4,5% vào quý I/2025), Ấn Độ có thể linh hoạt cắt giảm lãi suất nếu cần thiết để hỗ trợ tiêu dùng nội địa đang chậm lại do chi phí nhập khẩu cao hơn. Hàn Quốc và Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng gián tiếp từ thương mại toàn cầu suy yếu. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã phát tín hiệu giữ nguyên lãi suất nhưng sẽ sẵn sàng điều chỉnh nếu thương mại suy giảm thêm. Nhật Bản vẫn duy trì chính sách lãi suất siêu thấp và chỉ mới bắt đầu thắt chặt nhẹ trong quý I/2025. IMF lưu ý rằng các chính sách tiền tệ tại Nhật Bản vẫn thiên về kích thích thay vì kiềm chế (IMF, 2025).
Mặc dù châu Á đang chịu sức ép từ các thay đổi trong chính sách thương mại toàn cầu, nhưng nhìn chung vẫn duy trì được các nền tảng vĩ mô ổn định để ứng phó. Dư địa chính sách tiền tệ còn lại có thể là “lá chắn” quan trọng giúp các nền kinh tế chống chịu tốt hơn với cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, IMF cũng lưu ý rằng việc sử dụng các công cụ chính sách cần được thực hiện có mục tiêu, tránh lạm dụng, đồng thời chú trọng phối hợp với các biện pháp tài khóa, cải cách cấu trúc và đảm bảo ổn định tỷ giá - yếu tố then chốt trong việc duy trì niềm tin thị trường và kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Trong bối cảnh triển vọng kinh tế còn nhiều rủi ro khó đoán định, theo khuyến nghị của ông Paulo Medas - Trưởng phái đoàn IMF khi làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong khuôn khổ tham vấn Điều IV tháng 6/2025, chính sách cần ưu tiên duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính, đồng thời linh hoạt trong điều chỉnh kinh tế. “Chính sách tiền tệ hiện có dư địa rất hạn chế và cần tập trung quyết liệt vào việc giữ vững kỳ vọng lạm phát”, ông Paulo Medas cho biết.
Tại buổi Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, chịu tác động bởi nhiều yếu tố: Từ các chính sách thuế quan thay đổi nhanh chóng, đến căng thẳng địa chính trị gia tăng, nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định trong giai đoạn tới. Lạm phát mặc dù hạ nhiệt về mức mục tiêu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Như vậy, rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất trong nước cũng như việc thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên.
Trước bối cảnh đó, NHNN luôn theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản điều hành phù hợp; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Có thể nói, trong một thế giới đầy biến động với nhiều yếu tố khó đoán định, tính linh hoạt trong khuôn khổ ổn định sẽ là chìa khóa giúp các quốc gia châu Á không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà còn giữ được đà tăng trưởng bền vững trong trung hạn.
Xuân Mai