ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI ***
|
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ***** Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2023 |
BÁO CÁO TÓM TẮT
Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị
của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo đầy đủ số 658/BC-UBTVQH15 ngày 20/10/2023 về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội báo cáo tóm tắt như sau:
I. Về kiến nghị và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri
Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Tài nguyên và Môi trường…
Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5 %. Kết quả như sau:
1. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trả lời 69/69 kiến nghị.
Cử tri đánh giá cao thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được nâng cao, khẳng định Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội có nhiều cải tiến, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm trọng tâm. Hoạt động giám sát tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát, trong đó, tập trung vào giám sát những vấn đề bức xúc cử tri đang quan tâm. Hoạt động chất vấn đã thể hiện sự đổi mới liên tục, việc lựa chọn, quyết định nội dung chất vấn bám sát thực tiễn. Một số vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm trong thời gian qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn trực tiếp và kết nối trực tuyến tới các Đoàn đại biểu Quốc hội, như: giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật; giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...
2. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị.
Nhìn chung, các kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân. Một số kiến nghị của cử tri được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm như trả lời của các Bộ, ngành: Giao thông Vận tải; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương; Thông tin và Truyền thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Quốc phòng; Công an; Giáo dục và Đào tạo; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc…
3. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị. Trong đó, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời việc hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự; tăng cường trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến; việc phân bổ biên chế đảm bảo cho các Tòa án hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nghiên cứu đổi mới tổ chức, hoạt động cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
II. Về một số hạn chế
1. Đối với việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị của cử tri
Việc gửi Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau Kỳ họp thứ 5 của một số Đoàn đại biểu Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp chuyển lên yêu cầu các cơ quan ở Trung ương giải quyết; vẫn còn tình trạng kiến nghị ban hành hướng dẫn những nội dung đã được pháp luật quy định.
2. Đối với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương
- Thứ nhất, quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người dân bị ảnh hưởng do Bộ, ngành chậm xây dựng, trình ban hành quy định
Từ Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV đến nay, cử tri nhiều địa phương: Thái Nguyên, Hòa Bình, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh... đã liên tục đề nghị Nhà nước hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người dân các xã ATK cách mạng.
Qua giám sát cho thấy, trong những năm qua, để ghi nhận công lao đóng góp và tri ân đồng bào các dân tộc tại các xã ATK cách mạng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đầu tư, hỗ trợ, trong đó có chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế. Tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người dân trong các xã ATK cách mạng (trừ các đối tượng đã được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành). Chính sách hỗ trợ về thẻ bảo hiểm y tế sẽ được áp dụng từ năm 2021 nhưng do Bộ Y tế chưa kịp thời trình ban hành quy định cụ thể nên chính sách này chưa được triển khai thống nhất trên toàn quốc. Trên thực tế, tùy điều kiện mà một số địa phương đã bố trí ngân sách và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có người dân sinh sống trên địa bàn các xã ATK, với mức từ 10 - 30%, có địa phương không thực hiện hỗ trợ. Đến năm 2023, vẫn còn 719.706 người dân trên địa bàn xã ATK cách mạng thuộc 25 địa phương chưa được hưởng chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế. Trong khi đó, theo tinh thần của Chỉ thị số 14, toàn bộ người dân các xã ATK cách mạng, trừ các đối tượng đã được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành đều được hưởng chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế. Như vậy, trong 03 năm (2021, 2022, 2023), một bộ phận người dân ở các xã ATK cách mạng vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ chung của nhà nước về thẻ bảo hiểm y tế. Tiếp thu kiến nghị qua giám sát, Bộ Y tế đã khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, để giải quyết những vướng mắc liên quan đến việc tổ chức thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế, trong đó có chính sách bảo hiểm y tế đối với người dân các xã ATK cách mạng. (Đến ngày 19/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146).
- Thứ hai, việc xây dựng trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số Bộ, ngành còn hạn chế, có quy định trong văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với luật
Cử tri tỉnh Ninh Thuận phản ánh tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính còn có quy định chưa phù hợp với Luật.
Qua giám sát cho thấy, trong trường hợp chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để tổ chức thi hành theo quy định tại khoản 2 Điều 76 và khoản 6 Điều 77 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì quy định tại khoản 2 Điều 22 của Nghị định số 118 chưa phù hợp với quy định của Luật. Theo báo cáo giải trình của Bộ Tư pháp, quy định tại khoản 2 Điều 22 của Nghị định số 118 nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng vi phạm và người có thẩm quyền trong việc thi hành, tổ chức thi hành quyết định xử phạt. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp căn cứ yêu cầu về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV để nghiên cứu, rà soát tổng thể trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 118 hoặc đề xuất sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính cho phù hợp với thực tiễn.
- Thứ ba, một số kiến nghị của cử tri có phạm vi áp dụng trong toàn quốc nhưng chưa được kịp thời giải quyết
(1) Cử tri tỉnh Quảng Nam, Bến Tre, Bắc Kạn kiến nghị sớm ban hành Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Qua giám sát cho thấy, từ ngày 17/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 536/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại Quyết định này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện việc lập quy hoạch. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc quản lý, phát triển rừng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh… là cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Quy hoạch nêu trên.
(2) Từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đến nay, cử tri nhiều địa phương: Hải Phòng, Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Đắk Lắk… đã liên tục kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức (Nghị định số 62) và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 106) để địa phương có cơ sở thực hiện.
Qua giám sát cho thấy:
- Về việc ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định số 62: chậm nhất đến hết ngày 31/10/2020, các Bộ, ngành phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm đối với công chức nghiệp vụ chuyên ngành, định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Đến nay vẫn còn Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện.
- Về việc ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định số 106: chậm nhất đến hết ngày 30/6/2021, các Bộ, ngành phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Đến nay, vẫn còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện.
Việc các Bộ, ngành chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 62 và Nghị định số 106 đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả việc hoàn thiện danh mục vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức, việc xác định biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị… Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nêu trên khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 62 và Nghị định số 106.
- Thứ tư, một số kiến nghị của cử tri liên quan đến việc hỗ trợ khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm
(1) Tại Kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5 Quốc hội khóa XV, cử tri nhiều địa phương như: Nghệ An, Thanh Hóa, Cà Mau, Quảng Nam, Đắk Lắk, Bến Tre… đã kiến nghị về việc từ năm 2021 đến nay, người chăn nuôi không được hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi và đề nghị có chính sách hỗ trợ.
Qua giám sát cho thấy, từ năm 2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã bùng phát gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi trong các năm 2019, 2020, nhưng từ năm 2021 đến nay chưa có chính sách hỗ trợ. Khi trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu, Bộ đang khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và dự kiến trình Chính phủ ban hành vào Quý IV năm 2022. Tuy nhiên, hiện nay khi trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Bộ lại nêu sẽ trình Chính phủ ban hành vào Quý IV năm 2024, chậm 02 năm so với lộ trình đã hứa với cử tri, trong khi việc hỗ trợ thiệt hại cần được thực hiện kịp thời, góp phần giảm bớt khó khăn và tạo điều kiện cho người chăn nuôi khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
(2) Cử tri tỉnh Thanh Hóa phản ánh về việc Dự án Hồ chứa nước bản Mồng, tỉnh Nghệ An chậm triển khai đã ảnh hưởng trực tiếp đến 119 hộ dân với 430 nhân khẩu tại bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn như: không sửa chữa, xây dựng nhà cửa; sản xuất bị ảnh hưởng, hạ tầng không được đầu tư…
Qua giám sát cho thấy, Dự án hồ chứa nước bản Mồng, tỉnh Nghệ An là Dự án thuộc nhóm A, nằm trên địa bàn 02 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Dự án khởi công từ năm 2010 nhưng sau 14 năm, Dự án vẫn chưa hoàn thành, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân. Vấn đề này cần được quan tâm khẩn trương giải quyết, bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống cho người dân. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện Dự án nêu trên, giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri.
- Thứ năm, một số Bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật
Mặc dù từ nhiều kỳ họp trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các Bộ, ngành tập trung giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật nhưng vẫn còn một số Bộ, ngành chưa quan tâm đến việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri nên chưa trả lời đúng thời hạn với số lượng lớn làm ảnh hưởng đến kết quả của hoạt động giám sát và đại biểu Quốc hội không có thông tin để kịp thời báo cáo với cử tri (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Y tế; Bộ Công Thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo...). Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
III. Về các kiến nghị
1. Đối với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội: các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị của cử tri; đảm bảo đúng thẩm quyền xử lý của các cơ quan ở Trung ương; gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
2. Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương: Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.
Trên đây là Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng báo cáo Quốc hội./.