Chiều 28/11, Quốc hội tiếp tục phiên họp thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời gian áp dụng giảm thuế GTGT 2% từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.
Đồng thuận giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng
Dương Công Chiến
Chiều 28/11, Quốc hội tiếp tục phiên họp thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời gian áp dụng giảm thuế GTGT 2% từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, trong giai đoạn 2022-2024, Nghị quyết giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%) cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đã tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp và người dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, cũng như kích cầu tiêu dùng.
Năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021.
Năm 2023, việc giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 trong 6 tháng cuối năm đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022.
Năm 2024, việc giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 trong 10 tháng đầu năm đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khoảng 40,8 nghìn tỷ đồng; ước tính trong cả năm 2024 là khoảng 49 nghìn tỷ đồng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng chính sách giảm thuế GTGT 2% đã góp phần giảm giá thành sản phẩm thông qua doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và tạo thêm việc làm. Chính sách này đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn; chi phí sản xuất cao; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Tổng cầu tiêu dùng trong nước, một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần được tiếp tục hỗ trợ. "Để góp phần tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT", Phó Thủ tướng đề nghị.
Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với phương án của Chính phủ. Đại biểu Trần Hoàng Ngân và một số đại biểu khác cho rằng tiêu dùng trong nước sẽ là động lực quan trọng trong năm 2025. Ông đề nghị thời gian áp dụng chính sách giảm thuế GTGT 2% kéo dài từ 1/1/2025 đến hết 31/12/2025, thay vì chỉ thực hiện trong 6 tháng đầu năm rồi phải xin điều chỉnh kéo dài.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn bày tỏ sự ủng hộ đối với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách bền vững, dài hạn để doanh nghiệp có thể lập kế hoạch ổn định. Ông lo ngại chính sách giảm thuế có thể ảnh hưởng đến ngân sách địa phương, đặc biệt khi các địa phương phải tăng thu ngân sách 5% vào năm 2025 trong bối cảnh các khoản thu lớn như bảo vệ môi trường và GTGT đã giảm mạnh.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ dự thảo nghị quyết, coi đây là chính sách chiến lược thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng việc giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 26.100 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm 2025. Ông đề xuất Chính phủ có thể bù đắp khoản hụt thu này bằng cách thúc đẩy sản xuất, cải cách thuế và khai thác hiệu quả ngân sách dự phòng.
Ngoài ra, ông Hà Sỹ Đồng đề xuất các biện pháp dài hạn như phát triển năng lượng sạch, tối ưu hóa nguồn thu ngân sách và giám sát thuế chặt chẽ. Đặc biệt, ông nhấn mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các gói tín dụng ưu đãi và chương trình đào tạo, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và tận dụng chính sách giảm thuế.