Thông tư số 07/2024/TT-NHNN ngày 21/6/2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động đại lý thanh toán có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đã góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động này. Việc ban hành Thông tư cũng phù hợp với Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mô hình ngân hàng đại lý (agent-banking) đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới như: Malaysia, Kenya, Ấn Độ, mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là tại các khu vực chưa có điểm giao dịch ngân hàng. Kết quả khảo sát từ 124 cơ quan quản lý tài chính trên thế giới cho thấy 85% cơ quan quản lý cho phép hoạt động đại lý, trong đó 81% cho phép các ngân hàng thương mại hợp tác với đại lý bán lẻ.
Đại lý thanh toán thực hiện các dịch vụ cơ bản như nhận tiền, rút tiền, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn và thu thập thông tin khách hàng để xác thực. Điều này giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, giảm chi phí và thúc đẩy giao dịch không sử dụng tiền mặt.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, khung pháp lý hiện hành chưa cho phép ngân hàng giao đại lý cho các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Do đó, việc bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động đại lý thanh toán là cần thiết, giúp ngân hàng mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính đến các vùng khó tiếp cận và từ những cân nhắc về lợi ích rõ rệt và sự thành công của mô hình này ở các quốc gia khác trong khu vực.
Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung quy định cho phép ngân hàng thương mại ủy thác và hợp tác với các đại lý thanh toán theo quy định của NHNN, từ đó thúc đẩy việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ ngân hàng tiện ích cho người dân. Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng tới triển khai Luật Các TCTD 2024, Thông tư 07 được xây dựng và ban hành, tập trung vào ba mục tiêu chính.
Thứ nhất, tăng cường tiếp cận dịch vụ tài chính: Mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho mọi người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, giúp giảm chênh lệch giàu nghèo và đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững;
Thứ hai, bao phủ dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý: Tạo hành lang pháp lý cho việc giao đại lý thanh toán, giúp các ngân hàng mở rộng mạng lưới dịch vụ tài chính đến các khu vực khó tiếp cận, giảm chi phí và gia tăng khách hàng;
Cuối cùng, mô hình ngân hàng đại lý: Các ngân hàng có thể sử dụng mạng lưới đại lý thay vì phòng giao dịch truyền thống, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Mô hình ngân hàng đại lý đóng vai trò như “cánh tay nối dài”, cung ứng những dịch vụ tài chính cơ bản cho khách hàng tại vùng sâu, vùng xa với chi phí thấp, giúp giảm thời gian đi lại của khách hàng, còn bên đại lý được hưởng hoa hồng cho những giao dịch tài chính mà họ thay mặt ngân hàng cung ứng cho khách hàng. Thêm nữa, mô hình này không chỉ giúp tăng cường tiếp cận dịch vụ tài chính mà còn mang lại lợi ích cho cả ngân hàng và đại lý, đồng thời góp phần vào việc phát triển mạng lưới tài chính quốc gia.
Về đối tượng áp dụng, Thông tư 07 quy định bên giao đại lý gồm: Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Bên đại lý thanh toán gồm: Các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức khác. Các bên tham gia giao đại lý phải thực hiện theo Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc các quyết định liên quan của cơ quan có thẩm quyền.
Về nội dung giao đại lý, Thông tư 07 quy định các nghiệp vụ đại lý thanh toán, bao gồm:
Nhận hồ sơ mở tài khoản thanh toán, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán;
Nhận hồ sơ phát hành thẻ ngân hàng, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng;
Tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ thanh toán của khách hàng, lập, ký, kiểm soát, xử lý chứng từ giao dịch của khách hàng, chuyển thông tin giao dịch của khách hàng cho bên giao đại lý, nhận tiền mặt từ khách hàng hoặc trả tiền mặt cho khách hàng nhằm thực hiện các giao dịch: (1) Nộp/rút tiền mặt vào/từ tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại bên giao đại lý; (2) Nộp/rút tiền mặt vào/từ thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh của khách hàng do bên giao đại lý phát hành; (3) Nộp tiền mặt để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng của khách hàng do bên giao đại lý phát hành; (4) Thực hiện dịch vụ thanh toán lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ.
Như vậy, Thông tư 07 ra đời đã góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đại lý thanh toán, phù hợp với Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tế của sự phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin và viễn thông, góp phần quản lý hoạt động giao đại lý thanh toán của ngân hàng và các tổ chức liên quan, hướng tới mục tiêu phổ cập tài chính toàn diện tại Việt Nam.
VTT