Ngày 25/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư số 08/2024/TT-NHNN quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia (Thông tư 08), tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục nâng cấp hệ thống theo hướng tập trung, hiện đại, đáp ứng tốt hơn trong bối cảnh phát triển mạnh của công nghệ thông tin và viễn thông và nhu cầu thanh toán trong dài hạn.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLN) là hệ thống thanh toán điện tử trực tuyến, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và là một trong 04 hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế mà NHNN cần phải giám sát và thực hiện giám sát, đảm bảo sự hoạt động ổn định, an toàn và thông suốt.
Khai trương và đi vào hoạt động từ năm 2002, đến nay, Hệ thống TTĐTLNH đã phát huy hiệu quả trong vai trò là hệ thống thanh toán xương sống của quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc, hoạt động ổn định, an toàn và thông suốt. Hệ thống đã kết nối, xử lý giao dịch cho các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc nhà nước và đơn vị trực thuộc.
Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua Hệ thống liên tục tăng qua các năm. Đến nay, trung bình hệ thống xử lý khoảng 830 nghìn tỷ VNĐ (tương đương 40 tỷ USD)/ngày.
Trên nền tảng hệ thống TTĐTLNH, các đơn vị thành viên có thể cung cấp các dịch vụ thanh toán hiện đại, tạo thuận lợi cao nhất cho các đối tượng khách hàng trong nền kinh tế.
Điều chỉnh quy định thiết lập HMNR đầu kỳ và HMNR
Hạn mức nợ ròng (HMNR) là mức giá trị tối đa quy định cho các giao dịch thanh toán giá trị thấp được tham gia quyết toán bù trừ. Thông tư 08 đã quy định cụ thể cách thức thiết lập HMNR đầu kỳ của mỗi thành viên được tính trên cơ sở mức chênh lệch (phải trả - phải thu) cao nhất trong thanh toán giá trị thấp của thành viên xét trong 06 tháng liền trước của kỳ thiết lập HMNR và đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định.
Trường hợp thành viên có nhu cầu điều chỉnh tăng HMNR, để hạn chế rủi ro, Thông tư bổ sung quy định tỷ lệ ký quỹ là 100% đối với phần giá trị HMNR tăng thêm vượt quá 150% giá trị HMNR đầu kỳ. Phần giá trị HMNR tăng thêm không vượt quá 150% giá trị HMNR đầu kỳ được áp dụng tỷ lệ ký quỹ tối thiểu theo quy định;
Trường hợp thành viên có nhu cầu giảm HMNR, phần giá trị HMNR điều chỉnh giảm sẽ được áp dụng tỷ lệ ký quỹ tương ứng với các tỷ lệ đã áp dụng trước đó.
Linh hoạt hơn trong quy định về ký quỹ để thiết lập HMNR
Tỷ lệ ký quỹ là tỷ lệ phần trăm (%) của HMNR được ký quỹ bằng giá trị giấy tờ có giá, tiền ký quỹ. Thông tư quy định rõ: “Thành viên tham gia thanh toán giá trị thấp thực hiện ký quỹ giấy tờ có giá, tiền trong tài khoản tại Sở Giao dịch. Tỷ lệ ký quỹ tối thiểu để thiết lập HMNR được thực hiện theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ”. Quy định này nhằm tạo cơ sở cho việc xác định tỷ lệ ký quỹ theo lộ trình, nâng cao an toàn hoạt động của toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng bổ sung quy định “Trường hợp để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống, Thống đốc NHNN quyết định tỷ lệ ký quỹ tối thiểu riêng đối với thành viên cụ thể” nhằm tăng tính linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo quản lý rủi ro một cách hiệu quả.
Bổ sung quy định đối với thành viên tham gia sử dụng dịch vụ giá trị thấp
Tại Điều 3 Thông tư 08 quy định các cấu phần xử lý nghiệp vụ của Hệ thống TTĐTLNH bao gồm: cấu phần thanh toán giá trị cao; cấu phần thanh toán ngoại tệ; cấu phần thanh toán giá trị thấp; cấu phần xử lý tài khoản thanh toán và kiểm tra, đối chiếu số liệu.
Cụ thể, cấu phần thanh toán giá trị cao, thực hiện quyết toán tổng tức thời cho các lệnh thanh toán bằng đồng Việt Nam sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị cao. Cấu phần thanh toán ngoại tệ thực hiện quyết toán tổng tức thời cho các lệnh thanh toán bằng ngoại tệ sử dụng dịch vụ thanh toán ngoại tệ. Và cấu phần thanh toán giá trị thấp thực hiện thanh toán các lệnh thanh toán giá trị thấp sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị thấp.
Theo đó, các thành viên sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị thấp mà sử dụng dịch vụ quyết toán ròng từ hệ thống khác phải có cam kết với NHNN về việc thực hiện vay thanh toán bù trừ trong trường hợp không đủ số dư tại thời điểm quyết toán, đồng thời, chịu trách nhiệm toàn bộ về việc nhận nợ và hoàn trả nợ vay (bao gồm cả gốc và lãi) cho NHNN. Quy định này nhằm làm rõ và tăng tính trách nhiệm của các thành viên tham gia hệ thống.
Một trong các nguyên tắc được áp dụng để đánh giá hệ thống thanh toán quan trọng là “Một hệ thống thanh toán quan trọng cần có cơ chế quản lý rõ ràng và minh bạch, tăng cường an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán, đảm bảo sự ổn định cho hệ thống tài chính, tạo điều kiện quan tâm đến lợi ích cộng đồng một cách thích hợp và hỗ trợ các bên liên quan đạt được mục tiêu” - theo bộ Các nguyên tắc áp dụng đối với hạ tầng thị trường tài chính được Ủy ban các Hệ thống Thanh toán và Quyết toán thuộc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán ban hành.
Thông tư 08 đã thiết lập khung pháp lý rõ ràng, minh bạch trong việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống TTĐTLNH, trong đó xác định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của các thành viên, đơn vị thành viên và các đơn vị liên quan, góp phần xây dựng hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả và kiểm soát toàn diện các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình vận hành Hệ thống.
VTT