1
a) Tên Đề tài: Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam - thực trạng và giải pháp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030
Mã số: DANH.001/20
b) Tổ chức chủ trì thực hiện: Vụ Thanh Toán, NHNN.
c) Chủ nhiệm và người tham gia chính:
- Chủ nhiệm: Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng
- Thư ký: ThS. Lê văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN.
- Thành viên tham gia:
d) Các chủ đề nghiên cứu chính:
- Cơ sở lý luận về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
- Thực trạng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
- Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
- Định hướng, giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
đ) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: Tháng 01/2021.
- Thời gian kết thúc: Tháng 01/2022.
e) Kinh phí thực hiện: 250 triệu đồng.
g) Kết quả thực hiện: Giỏi
h) Mô tả tóm tắt:
Nhằm mục tiêu nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định định hướng, giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, phục vụ việc chỉ đạo, triển khai và xây dựng các đề án, kế hoạch, chương trình phát triển TTKDTM trong thời gian tới, Dự án DANH.001/20 đã triển khai các nội dung nghiên cứu cụ thể sau:
Chương 1 nghiên cứu các vấn đề cơ sở lý luận về phát triển TTKDTM, gồm: bản chất của hoạt động phát triển TTKDTM; các chủ thể tham gia phát triển TTKDTM trong nền kinh tế; tác động của phát triển TTKDTM đối với nền kinh tế và những trụ cột chính của phát triển TTKDTM. Kết quả nghiên cứu chương 1 cho thấy để phát triển TTKDTM trong giai đoạn 2021-2025 cần tập trung vào những trụ cột chính là: Hành lang pháp lý; Cơ sở hạ tầng kỹ thuật; Ứng dụng công nghệ, đổi mới, sáng tạo trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán; Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thanh toán; Giải quyết tốt vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, cần chú ý các vấn đề về công tác truyền thông/giáo dục tài chính; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động TTKDTM; cơ chế phối hợp thúc đẩy TTKDTM giữa các cơ quan, đơn vị và phát triển TTKDTM có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung phát triển TTKDTM tại những địa bàn, lĩnh vực hoặc cho những đối tượng nhất định.
Chương 2 nghiên cứu thực trạng phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2016 đến nay, trong đó tập trung đánh giá kết quả triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 2545 của Thủ tướng Chính phủ (bao gồm việc triển khai, mức độ hoàn thành của các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các giải pháp đã được đề ra tại Quyết định số 2545), từ đó rút ra những thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm làm cơ sở/tiền đề cho việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn từ năm 2021-2025. Chương 2 cũng nghiên cứu bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước và các điều kiện mới phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Chương 3 nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia (Trung Quốc; Thái Lan; Singapore; Philippines; Indonesia và Pháp) về phát triển TTKDTM, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế theo một số chủ đề/khía cạnh của lĩnh vực thanh toán như về việc nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý; về hình thành, phát triển và quản lý các hệ thống thanh toán, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; về triển khai dịch vụ Mobile-Money... Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu rút ra bài học để phát triển TTKDTM tại Việt Nam trong thời gian tới về các vấn đề: nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp lý để hỗ trợ hoạt động phát triển TTKDTM; xu hướng phát triển TTKDTM trên thế giới; vai trò của các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại; nghiên cứu/áp dụng Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cho các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; sự phối hợp giữa các đơn vị, Bộ, ngành có liên quan...
Tại Chương 4, trên cơ sở kết quả nghiên cứu chương 1, 2, 3 và định hướng, quan điểm, mục tiêu phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhóm nghiên cứu đề xuất 07 nhóm giải pháp về phát triển TTKDTM, gồm: Giải pháp về hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách; Giải pháp về nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; Giải pháp về Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0; Về đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công; Về tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; Về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM; Về tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy TTKDTM. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra kiến nghị với Quốc hội; Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Thông tin và Truyền thông và một số bộ ngành liên quan./.