Ngân hàng Trung ương Nga khẳng định hệ thống ngân hàng vẫn vững vàng, bất chấp tỷ lệ nợ xấu và các khoản vay tái cơ cấu gia tăng do lãi suất cao. Với bộ đệm vốn lớn cùng lợi nhuận khả quan, nguy cơ khủng hoảng ngân hàng trong ngắn hạn được đánh giá là chưa đáng lo.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Áp lực nợ xấu gia tăng trong môi trường lãi suất cao
Ngân hàng Trung ương Nga nhận định, dù tỷ lệ nợ xấu và các khoản vay tái cơ cấu trong hệ thống ngân hàng đang tăng lên, điều này không đồng nghĩa với việc ngành Ngân hàng đối mặt rủi ro khủng hoảng. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết, lãi suất cho vay tăng cao - vượt ngưỡng 30% do chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn, dẫn tới tỷ lệ nợ xấu gia tăng.
Thời gian gần đây, một số nhà kinh tế và lãnh đạo ngân hàng bày tỏ quan ngại về sức khỏe hệ thống tài chính, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng gần đây nhất của Nga xảy ra vào năm 2017, buộc Ngân hàng Trung ương phải can thiệp để cứu trợ một ngân hàng lớn. Tuy nhiên, bà Nabiullina khẳng định vào ngày 03/7/2025: “Với đầy đủ thông tin từ vai trò giám sát, tôi có thể nói chắc chắn rằng những lo ngại này là hoàn toàn không có cơ sở”.
Theo bà, tăng trưởng tỷ lệ nợ xấu hiện nay chủ yếu phản ánh tác động từ lãi suất cao, thay vì dấu hiệu suy yếu hệ thống. Mặc dù vậy, Ngân hàng Trung ương vẫn theo dõi sát tình hình để đảm bảo ổn định tài chính vĩ mô.
Bộ đệm vốn mạnh và lợi nhuận ổn định là “tấm lá chắn”
Thống đốc Elvira Nabiullina nhấn mạnh, hệ thống ngân hàng Nga hiện được vốn hóa tốt, với bộ đệm vốn lên tới 8 nghìn tỷ Rúp, tương đương hơn 100 tỷ USD. Đây được coi là “tấm lá chắn” quan trọng, giúp các ngân hàng đủ khả năng hấp thụ các khoản nợ xấu mới phát sinh mà không ảnh hưởng đến hoạt động chung. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận vốn không phân bổ đồng đều giữa các ngân hàng, trong đó khối ngân hàng lớn có lợi thế rõ rệt hơn so với các ngân hàng nhỏ và vừa.
Một tín hiệu tích cực khác là lợi nhuận toàn ngành ngân hàng Nga năm nay vẫn duy trì ở mức cao, bất chấp áp lực chi phí vốn tăng. Bà Nabiullina phân tích: “Thông thường, nếu nợ xấu tăng nhanh, các ngân hàng buộc phải tăng dự phòng, kéo lợi nhuận giảm xuống. Nhưng hiện nay, lợi nhuận ngành vẫn tương đương năm ngoái, cho thấy các ngân hàng chưa phải tăng mạnh dự phòng rủi ro.”
Để củng cố an toàn hệ thống, Ngân hàng Trung ương Nga đã áp dụng yêu cầu dự phòng bổ sung - “vùng đệm đối chu kỳ” ở mức 0,25% tổng tài sản từ tháng 2 và nâng lên 0,5% từ ngày 01/7/2025. Cơ quan này cũng đang xem xét tăng tiếp lên 1% trong thời gian tới, nhằm đảm bảo các ngân hàng có đủ nguồn lực ứng phó trong trường hợp kinh tế biến động bất lợi.
VTB: Tỷ lệ nợ xấu tăng nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn khủng hoảng trước
Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB - ngân hàng lớn thứ hai tại Nga) báo cáo tỷ lệ nợ xấu quá hạn trên 90 ngày đạt 5% vào tháng 5/2025, tăng so với các tháng trước nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn bất ổn tài chính 2014 - 2016, khi tỷ lệ này từng lên tới 10%.
Ông Dmitry Pyanov, Phó chủ tịch Thứ nhất Hội đồng thành viên của VTB, cho biết tỷ lệ nợ xấu có thể tăng lên mức 6 - 7% trong vài tháng tới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh con số này vẫn “cách xa” mức đỉnh của giai đoạn khủng hoảng trước đây. Bên cạnh đó, VTB cũng báo cáo tỷ lệ các khoản vay doanh nghiệp được tái cấu trúc hiện ở mức 3%, cho thấy ngân hàng vẫn kiểm soát tốt chất lượng tín dụng.
Ông khẳng định, VTB đã xây dựng các kịch bản ứng phó với diễn biến nợ xấu, đồng thời duy trì tỷ lệ an toàn vốn ở mức cao. Điều này giúp ngân hàng củng cố niềm tin của thị trường và khách hàng, bất chấp môi trường lãi suất tăng mạnh.
Triển vọng ngắn hạn: Ổn định nhưng cần thận trọng
Nhìn chung, với bộ đệm vốn lớn, lợi nhuận duy trì khả quan và các biện pháp quản lý rủi ro chủ động, hệ thống ngân hàng Nga hiện được đánh giá là chưa đối mặt nguy cơ khủng hoảng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng áp lực lãi suất cao tiếp tục đè nặng lên doanh nghiệp và người vay, tiềm ẩn rủi ro nếu chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài.
Ngân hàng Trung ương Nga sẽ cần duy trì sự thận trọng trong điều hành, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định hệ thống tài chính. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất định, việc giữ vững niềm tin của nhà đầu tư và người gửi tiền tiếp tục là ưu tiên hàng đầu, để hệ thống ngân hàng Nga duy trì vai trò huyết mạch của nền kinh tế.
Hồng Lam (Theo Reuters)