Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là động lực tăng trưởng quan trọng, đóng góp khoảng 40% GDP hàng năm của cả nước, tuy nhiên, còn những rào cản khiến dòng vốn đến với DNNVV còn hạn chế mặc dù ngành Ngân hàng đã có những chính sách ưu đãi nhất định với lĩnh vực ưu tiên này.
Hiện nay, số DNNVV đang hoạt động chiếm số lượng lớn, trên 90%/tổng số các doanh nghiệp trong cả nước. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống chính sách đồng bộ, thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp về hành lang pháp lý, trợ giúp tiếp cận các nguồn lực để phát triển.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng (Nguồn: Internet)
Nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn
Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), xây dựng các Chương trình hành động của ngành Ngân hàng, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng.
NHNN cũng đã rà soát, liên tục hoàn thiện văn bản, hành lang pháp lý cho các hoạt động để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có DNNVV; triển khai nhiều chính sách tín dụng đặc thù, ưu đãi lãi suất như chính sách tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chính sách phát triển thủy sản, chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao của nông nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp sạch; chương trình cho vay ưu đãi lãi suất 2%...
Với các DNNVV, NHNN xác định là đối tượng ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi, khi lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp hơn các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường, hiện là 4%/năm.
NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay. Bên cạnh đó, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, NHNN đã ban hành các cơ chế như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ; giảm phí thanh toán; chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, tạo thêm kênh "tiếp vốn" quan trọng, hiệu quả giúp các doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng với lãi suất hợp lý.
Trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với DNNVV luôn có sự tăng trưởng đều qua các năm.
Các ngân hàng thương mại (NHTM) đều có chính sách và chiến lược tập trung cho vay vào đối tượng là DNNVV. Chẳng hạn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) dành hơn 200.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp với đa dạng mô hình và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Agribank triển khai chương trình "Hưng thịnh cùng DNNVV" cung cấp gói tín dụng ngắn hạn 60.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn đến 1,2%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường, áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Với 60.000 tỷ đồng vốn ưu đãi, Agribank hướng đến các DNNVV đang có nhu cầu vốn phục vụ mở rộng sản xuất, đầu tư trang thiết bị, phát triển sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm xanh, sản phẩm OCOP, sản phẩm ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đây không chỉ là một giải pháp tài chính mà còn là động lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc gia.
Theo NHNN, dư nợ tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân tính đến cuối năm 2024 đạt khoảng 7 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023, chiếm 44% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, 100 TCTD phát sinh dư nợ cho vay DNNVV, với tổng dư nợ 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2023, chiếm 17,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tín dụng đối với DNNVV đến cuối tháng 3/2025 tăng 4,1% so với cuối năm 2024, chiếm 17,61% dư nợ tín dụng nền kinh tế.
Nâng cao tính minh bạch để tìm tiếng nói chung
Hiện nay, còn có nhiều nguyên nhân cản trở dòng vốn đến với DNNVV. Đa phần DNNVV kinh doanh có tính chất ngắn hạn, thương vụ, yếu trong việc tiếp thị và tìm kiếm thị trường. Sức chịu đựng rủi ro thấp, khả năng chống đỡ kém trước biến động của kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, ngân hàng chủ yếu chỉ cấp tín dụng ngắn hạn, mang tính thương vụ cho các DNNVV mà ít phê duyệt các dự án đầu tư chiều sâu nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của DNNVV.
Mặt khác, công tác hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của một bộ phận doanh nghiệp còn yếu và có tình trạng một doanh nghiệp có hai báo cáo tài chính trở thành phổ biến. Với tình trạng này, ngân hàng rất khó để tin tưởng cho vay thế chấp.
Hơn nữa, dự án, phương án đầu tư của nhiều DNNVV có tính khả thi thấp nên cũng không có sức thuyết phục đối với ngân hàng. Để DNNVV tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vẫn phải vay theo hình thức thế chấp tài sản và giá trị của tài sản cũng quá nhỏ so với nhu cầu vay vốn. Các tài sản hình thành từ vốn vay như dây chuyền thiết bị, hàng hoá rất khó phát mại hoặc số tiền thu được sau phát mại cũng rất thấp nên việc tiếp cận vay vốn của nhiều DNNVV vẫn rất khó khăn.
Bên cạnh những biện pháp từ phía nhà nước, các NHTM, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự nỗ lực đổi mới và hoàn thiện cho phù hợp với sự phát triển.
Ở tầm vĩ mô, cần phát triển thị trường vốn thông qua thị trường chứng khoán, trái phiếu, vốn FDI… Bên cạnh đó cần các chính sách kích cầu nội địa. Hiện nay, các chính sách hỗ trợ mới chủ yếu tập trung vào các dự án lớn, trong khi khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các DNNVV cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó cần hoàn thiện chính sách bảo lãnh vay vốn cho DNNVV; nâng cao vai trò của Quỹ Phát triển DNNVV và các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp; sửa đổi khung pháp lý về hoạt động của công ty cho thuê tài chính. Đồng thời sớm đưa vào hoạt động Quỹ hỗ trợ Đổi mới sáng tạo Quốc gia dành riêng cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ cao.
Nếu các biện pháp này được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy dòng tín dụng chảy vào nền kinh tế một cách bền vững.
Hà Trang