Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhận được 02 kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi tới trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV do Ủy ban Dân nguyện và Giám sát chuyển đến theo văn bản số 602/UBDNGS15 ngày 21/05/2025.
Kiến nghị của cử tri:
“1. Kiến nghị có biện pháp kiểm soát chênh lệch giữa giá vàng trong nước và ngoài nước.
2. Cử tri tiếp tục kiến nghị tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường vàng nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng giá vàng biến động liên tục trong thời gian qua. Đồng thời, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, đầu cơ, tích trữ, thao túng thị trường vàng.”
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trân trọng cảm ơn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang và xin báo cáo như sau:
1. Về việc quản lý giá vàng: Việt Nam không phải là nước khai thác vàng nên vàng tiêu thụ trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Do đó, giá vàng trong nước phụ thuộc vào diễn biến giá vàng thế giới. Thời gian qua, giá vàng thế giới liên tục biến động, chủ yếu theo xu hướng tăng do nguyên nhân: căng thẳng địa chính trị, ngoại giao, xung đột vũ trang tại nhiều quốc gia trên thế giới leo thang khiến nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở một số nước và dự trữ vàng của nhiều NHTW tăng mạnh,… Như vậy, giá vàng diễn biến tăng cả trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.
Theo Luật Giá năm 2012 và Luật Giá sửa đổi năm 2023, vàng không phải mặt hàng thiết yếu, không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Giá mua, bán vàng do các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng chủ động niêm yết theo quy định. NHNN chỉ thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong trường hợp giá vàng biến động bất lợi ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ, tỷ giá, chính sách tiền tệ.
Về cơ chế chính sách quản lý thị trường vàng, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội khóa XV, trong đó có việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động kinh doanh vàng, từ năm 2023 đến nay, NHNN đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan triển khai việc báo cáo tổng kết, đánh giá Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24). Theo đó, NHNN đã có các Tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng kết, đánh giá Nghị định 24 và đề xuất định hướng quản lý thị trường vàng nhằm quản lý hiệu quả, bền vững thị trường vàng trong thời gian tới.
Bám sát chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về quan điểm, mục tiêu quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng tại Thông báo Kết luận số 211-TB/VPTW ngày 30/5/2025, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 24. Hiện nay, dự thảo Nghị định đang trong quá trình thẩm định của Bộ Tư pháp.
2. Về công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng, trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Công thương thực hiện thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Gần đây nhất, ngày 30/5/2025, NHNN đã công bố kết luận của Đoàn thanh tra liên ngành đối với 6 công ty, ngân hàng (chiếm trên 90% thị trường kinh doanh vàng miếng) về hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời NHNN đã chỉ đạo NHNN Chi nhánh Khu vực tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương. Trong thời gian tới, công tác thanh tra, kiểm tra thị trường vàng tiếp tục được NHNN quan tâm, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương với mục tiêu đảm bảo thị trường vàng hoạt động minh bạch, hiệu quả, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, đầu cơ, tích trữ, thao túng trên thị trường.
Trên đây là ý kiến trả lời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trân trọng cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của cử tri đối với hoạt động ngân hàng./.