Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhận được 01 kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hoá gửi tới trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo văn bản số 4814/VPCP-QHĐP ngày 31/5/2025.
Kiến nghị của cử tri: “Đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện đề doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ. Đồng thời, cho phép điều chỉnh nguồn vốn cho vay thực hiện một số chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (cho vay mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng vào dân tộc thiểu số và miền núi; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập) có nhu cầu vay vốn thấp hơn so với chỉ tiêu trung ương giao chuyển sang cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đảm bảo hoàn thành thực hiện tổng dư nợ các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.”
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trân trọng cảm ơn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá và xin báo cáo như sau:
3.1. Theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được triển khai trong 02 năm 2022-2023. Như vậy, thời gian thực hiện chính sách đã kết thúc (từ ngày 01/01/2024).
3.2. Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 được triển khai thực hiện tập trung trong 02 năm 2022 và 2023. Ngày 02/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 181/NQ-CP về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP; trong đó, đã điều chỉnh kế hoạch vốn dự kiến không giải ngân hết của 04 chính sách cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH (cho vay mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyển; cho vay nhà ở xã hội; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập) tối đa 15.500 tỷ đồng để bổ sung cho chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đảm bảo tổng dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyêt số 11/NQ-CP tối đa là 38.400 tỷ đồng.
Ngày 30/5/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP về việc xử lý nguồn thu hồi nợ của các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH, trong đó giao NHCSXH tiếp tục thu hồi nợ các chương trình tín dụng chính sách thuộc Chương trình phục hồi theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyêt số 11/NQ-CP theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và quy định của pháp luật.
Như vậy, kế hoạch vốn dự kiến không giải ngân hết của 04 chính sách cho vay ưu đãi (cho vay mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyển; cho vay nhà ở xã hội; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập) đã được điều chỉnh bổ sung cho chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đến nay, các chương trình tín dụng chính sách nêu trên đã kết thúc và chỉ thực hiện thu hồi nợ theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và quy định của pháp luật.
Trên đây là ý kiến trả lời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hoá. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trân trọng cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của cử tri đối với hoạt động ngân hàng./.