Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhận được 03 kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV do Ủy ban Dân nguyện và Giám sát chuyển đến theo văn bản số 602/UBDNGS15 ngày 21/05/2025.
Kiến nghị của cử tri:
“1. Cử tri kiến nghị sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để phù hợp với thực tiễn và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
2. Cử tri phản ánh, trong thời qua giá vàng trong nước có biến động tăng, giảm bất thường, khiến không ít người dân lo lắng, hoang mang, dẫn đến tâm lý găm giữ vàng, hạn chế chi tiêu cho mặt hàng khác, ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Để quản lý thị trường vàng ổn định, cử tri kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Quản lý kinh doanh vàng, để có cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đảm bảo giá vàng ổn định, phù hợp với giá vàng thế giới.
3. Cử tri kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hạ lãi suất tiền gửi và hạ lãi suất tiền vay trong giai đoạn sản xuất ban đầu cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt hơn.”
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trân trọng cảm ơn Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng và xin báo cáo như sau:
Kiến nghị số 1, 2:
Về việc quản lý giá vàng, Việt Nam không phải là nước khai thác vàng nên vàng tiêu thụ trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Do đó, giá vàng trong nước phụ thuộc vào diễn biến giá vàng thế giới. Thời gian qua, giá vàng thế giới liên tục biến động, chủ yếu theo xu hướng tăng do nguyên nhân: căng thẳng địa chính trị, ngoại giao, xung đột vũ trang tại nhiều quốc gia trên thế giới leo thang khiến nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở một số nước và dự trữ vàng của nhiều NHTW tăng mạnh,… Tại Việt Nam, các kênh đầu tư khác ở trong nước kém hấp dẫn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, bất động sản khó khăn, mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp…) đã làm tăng tình trạng đầu cơ, tích trữ vàng của người dân và doanh nghiệp, khiến giá vàng trong nước diễn biến tăng mạnh.
Theo Luật Giá năm 2012 và Luật Giá sửa đổi năm 2023, vàng không phải mặt hàng thiết yếu, không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Giá mua, bán vàng do các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng chủ động niêm yết theo quy định. NHNN chỉ thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong trường hợp giá vàng biến động bất lợi ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ, tỷ giá, chính sách tiền tệ.
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội khóa XV, trong đó có việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động kinh doanh vàng, từ năm 2023 đến nay, NHNN đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan triển khai việc báo cáo tổng kết, đánh giá Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24). Theo đó, NHNN đã có các Tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng kết, đánh giá Nghị định 24 và đề xuất định hướng quản lý thị trường vàng nhằm quản lý hiệu quả, bền vững thị trường vàng trong thời gian tới.
Bám sát chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về quan điểm, mục tiêu quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng tại Thông báo Kết luận số 211-TB/VPTW ngày 30/5/2025, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 24. Hiện nay, dự thảo Nghị định đang trong quá trình thẩm định của Bộ Tư pháp.
Kiến nghị số 3:
Theo quy định hiện hành, lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng là do TCTD và khách hàng thoả thuận theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vốn vay và mức độ tín nhiệm của khách hàng[1].
Trên thực tế, NHNN đã và đang điều hành nhằm định hướng các TCTD thực hiện các giải pháp để ổn định lãi suất tiền gửi và giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Sau khi điều chỉnh giảm mạnh năm 2023, từ năm 2024 đến nay, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN thường xuyên chỉ đạo TCTD tiếp tục giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay; tổ chức làm việc trực tiếp và có văn bản[2] chỉ đạo toàn hệ thống TCTD[3] ổn định lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất cho vay, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm[4]; đến ngày 30/6/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại (NHTM) ở mức 6,9%/năm và giảm 0,1%/năm so với cuối năm 2024, lãi suất tiền gửi bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM ở mức 4,0%/năm, giảm khoảng 0,1%/năm so với cuối năm 2024.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế trong nước, quốc tế và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp; tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, ổn định lãi suất tiền gửi, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trên đây là ý kiến trả lời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về nội dung kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trân trọng cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của cử tri đối với hoạt động ngân hàng./.
[1] (1) Tại khoản 2 Điều 100 Luật Các TCTD năm 2024 quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thoả thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.
(2) Tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (đã sửa đổi, bổ sung) quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng”.
[2] Công văn số 1328/NHNN-CSTT ngày 25/02/2025 về ổn định lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất cho vay.
[3] Ngày 25/02/2025, NHNN đã khẩn trương tổ chức cuộc họp với các TCTD để quán triệt và có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống các TCTD triển khai các giải pháp ổn định lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất cho vay. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN về ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất cho vay, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
[4] Lãi suất cho vay bình quân của toàn hệ thống TCTD đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư năm 2023 giảm 1,1%/năm, năm 2024 giảm 1,24%/năm.