Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhận được 01 kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Ninh Bình) gửi tới trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV do Uỷ ban Ban Dân nguyện và Giám sát chuyển đến theo văn bản số 602/UBDNGS15 ngày 21/5/2025.
Kiến nghị của cử tri: “Đề nghị tạo điều kiện cho người dân vay vốn để phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn”
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trân trọng cảm ơn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình và xin báo cáo như sau:
Thời gian qua, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn để phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, cụ thể:
- Về cơ chế, chính sách tín dụng: NHNN thường xuyên rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 và gần đây nhất là Nghị định số 156/2025/NĐ-CP ngày 16/6/2025. Theo đó, một số chính sách tín dụng ưu đãi đặc thù đối với khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Mức cho vay không có tài sản bảo đảm từ 300 triệu đồng đến 05 tỷ đồng theo từng đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp/trên địa bàn nông thôn (tăng so với quy định ban đầu là từ 50 triệu đồng đến 03 tỷ đồng để phù hợp với nhu cầu thực tế và tạo điều kiện cho khách hàng trong vay vốn không có tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng); Chính sách xử lý nợ đặc thù trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai dịch bệnh trên phạm vi rộng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ…); Quy định chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn (mức cho vay không có tài sản bảo đảm 70%-80% giá trị dự án, phương án, cơ chế xử lý rủi ro đặc thù…); chính sách giảm lãi suất đối với khách hàng mua bảo hiểm trong nông nghiệp… Đồng thời, NHNN đã ban hành các Thông tư để hướng dẫn thực hiện Nghị định[1].
- Về lãi suất: NHNN đã ban hành quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến các tổ chức tín dụng áp dụng đối với khách hàng (hiện nay là 4%/năm), qua đó tạo điều kiện về lãi suất vay vốn cho khách hàng trên địa bàn nông thôn.
- Về chỉ đạo, điều hành: Hằng năm, NHNN đều có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn) theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, năm 2025, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng[2]: (i) Đẩy mạnh tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của người dân thuộc lĩnh vực này; (ii) Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với đặc thù của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; (iii) Thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; (iv) Nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền; (v) Tích cực tham gia, đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (như Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ)…
NHNN xin ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn để phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Trên đây là ý kiến trả lời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Bình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trân trọng cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của cử tri đối với hoạt động ngân hàng./.
[1] Thông tư 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 và Thông tư 25/2018/TT-NHNN ngày 24/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 10/2015/TT-NHNN.
[2] Văn bản số 3321/NHNN-TD ngày 29/4/2025.