Hệ thống thanh toán toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, nhưng sự tồn tại song song của nhiều “đường ray” thanh toán gây phân mảnh, làm giảm hiệu quả và bất tiện cho người dùng. Giải pháp hợp nhất và kết nối liên thông sẽ là chìa khóa để khai thác tối đa lợi ích đổi mới.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Thực trạng phân mảnh trong bức tranh thanh toán toàn cầu
Sự bùng nổ các phương thức thanh toán mới (từ chuyển khoản tức thời, ví điện tử đến tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương - CBDC) đã mở ra cơ hội tiếp cận tài chính số rộng khắp. Tuy nhiên, hệ quả là sự phân mảnh, khi các “đường ray” thanh toán phát triển riêng rẽ mà thiếu tính liên thông. Điều này không chỉ tạo ra rào cản kỹ thuật mà còn cản trở khả năng mở rộng và hiệu quả chi phí.
Tại Nigeria, thị trường ví điện tử có tới 21 nhà cung cấp hoạt động song song cùng hệ thống chuyển khoản ngân hàng truyền thống và đồng eNaira của Ngân hàng Trung ương. Dù eNaira được kỳ vọng thúc đẩy tài chính số, song tỷ lệ sử dụng thực tế lại rất thấp, dưới 1% khách hàng ngân hàng dùng thường xuyên. Nguyên nhân chính là chi phí tương tác cao và thiếu kết nối giữa các hệ thống thanh toán di động, làm suy giảm đáng kể giá trị và mục tiêu của CBDC này.
Tại châu Âu, SEPA Instant Credit Transfer (SCT Inst) ra mắt năm 2017 với mục tiêu tạo nền tảng chuyển khoản tức thời toàn khối. Tuy nhiên, do sự tham gia tự nguyện, đến năm 2021 chỉ khoảng 10% giao dịch Euro được xử lý theo thời gian thực. Nhận thấy bất cập này, Liên minh châu Âu đã quyết định bắt buộc toàn bộ ngân hàng tham gia từ năm 2024, cho thấy tầm quan trọng của sự thống nhất để đạt quy mô và hiệu quả tối ưu.
Thách thức từ đa dạng nhưng thiếu liên thông
Tại Mỹ, hệ thống thanh toán kết hợp cả phương thức cũ và mới. Các phương thức lâu đời như séc, hệ thống bù trừ điện tử và thẻ vẫn phổ biến, trong khi các hệ thống mới như RTP của The Clearing House hay FedNow của Fed cũng đang mở rộng. RTP hiện bao phủ khoảng 70% tài khoản tiền gửi, FedNow chiếm khoảng 35%, song chưa hệ thống nào đạt mức độ bao phủ toàn diện. Đồng thời, các ứng dụng như PayPal, Venmo, Zelle tạo ra những “ốc đảo” riêng biệt, khiến trải nghiệm người dùng bị chia cắt, làm giảm tính thuận tiện trong giao dịch.
Tại nhiều quốc gia Trung Đông, séc (bao gồm cả séc trả chậm) vẫn được sử dụng rộng rãi. Nguyên nhân xuất phát từ khung pháp lý hình sự nghiêm khắc với séc không đảm bảo, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và cá nhân trong giao dịch. Do đó, chuyển đổi sang phương thức thanh toán số như ghi nợ trực tiếp không chỉ là bài toán công nghệ mà còn là thách thức về hành vi. Thêm vào đó, chi phí sử dụng séc hầu như bằng không, trong khi các phương thức thanh toán điện tử có thể đắt hơn, làm giảm động lực thay đổi.
Thách thức tích hợp hệ thống mới
Việc triển khai các hệ thống thanh toán mới (CBDC, RTP, ISO 20022 và ví di động) đặt ra bài toán tích hợp không hề nhỏ. Nếu không kết nối hiệu quả với hệ thống ngân hàng, ATM và ví điện tử, CBDC sẽ trở thành những “ốc đảo” kém hấp dẫn, như eNaira tại Nigeria. Chiến lược tích hợp tốt, như liên kết ví kỹ thuật số với các kênh thanh toán truyền thống, sẽ là chìa khóa để nâng cao giá trị sử dụng.
RTP mang lại tốc độ và sự tiện lợi, song chi phí nâng cấp hệ thống xử lý theo lô (batch-processing) hiện hữu và đảm bảo tương thích giữa nhiều mạng RTP là rất lớn. Brazil đã giải quyết hiệu quả vấn đề này với hệ thống Pix, nhờ áp dụng QR Code chuẩn hóa và quy định quản trị rõ ràng, thu hút hơn 140 triệu người dùng chỉ trong 2,5 năm.
Với tiêu chuẩn nhắn tin ISO 20022, việc chuyển đổi không đồng bộ giữa các ngân hàng có thể tạo ra định dạng tin nhắn phân mảnh, cản trở giao tiếp xuyên hệ thống, làm giảm lợi ích của tiêu chuẩn này.
Sự ưu tiên của người dùng và doanh nghiệp
Người tiêu dùng và doanh nghiệp luôn ưu tiên các phương thức thanh toán đơn giản, nhanh chóng, an toàn và được chấp nhận rộng rãi. Song một hệ sinh thái bị phân mảnh lại khiến họ bối rối, phải sử dụng nhiều ứng dụng, tài khoản và nền tảng khác nhau. Gần 1/3 người tiêu dùng tại Anh thừa nhận họ cảm thấy lúng túng trước quá nhiều lựa chọn thanh toán.
Về phía doanh nghiệp, việc chấp nhận quá nhiều phương thức thanh toán làm gia tăng chi phí triển khai, quản lý và vận hành. Thậm chí, quá nhiều lựa chọn tại điểm thanh toán có thể làm giảm niềm tin của khách hàng. Một trải nghiệm thanh toán đơn giản, thống nhất sẽ khuyến khích khách hàng quay lại và sử dụng thường xuyên hơn.
Chiến lược của ngân hàng trung ương và nhà hoạch định chính sách
Để giải quyết vấn đề phân mảnh, các ngân hàng trung ương và nhà hoạch định chính sách cần ưu tiên xây dựng lộ trình loại bỏ dần các phương thức lỗi thời, đẩy mạnh giáo dục cộng đồng và thiết kế hạ tầng thanh toán phục vụ phổ quát.
Việc loại bỏ dần các công cụ thanh toán truyền thống và giảm sử dụng tiền mặt sẽ giúp tập trung lưu lượng giao dịch vào các “đường ray” hiện đại. Australia và Bahamas đã cam kết xóa bỏ séc giấy, trong đó Australia đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn trước năm 2030.
Những sáng kiến như Giao diện Thanh toán Thống nhất (UPI) của Ấn Độ hay Pix của Brazil cho thấy tầm quan trọng của thương hiệu thống nhất, giáo dục cộng đồng rộng rãi và tiêu chuẩn mở trong việc nâng cao tỷ lệ chấp nhận. Dự án Nexus của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cũng đang hướng tới khả năng kết nối xuyên biên giới, góp phần giảm phân mảnh.
Hướng tới một hệ sinh thái thanh toán thống nhất
Đổi mới công nghệ trong lĩnh vực thanh toán mang lại lợi ích to lớn, nhưng nếu không quản lý tốt, sự phân mảnh có thể làm giảm đáng kể những lợi ích này. Thành công tại Brazil và Ấn Độ chứng minh rằng hệ thống thống nhất không chỉ giúp tăng tỷ lệ sử dụng mà còn nâng cao hiệu quả vận hành, sự hài lòng của người dùng và niềm tin vào dịch vụ tài chính số.
Giảm phân mảnh đòi hỏi nỗ lực chung từ các cơ quan quản lý, ngân hàng, các công ty Fintech và doanh nghiệp. Đích đến cuối cùng là một hệ sinh thái thanh toán tức thời, dễ sử dụng như gửi một tin nhắn, mang lại lợi ích cho tất cả các bên, thúc đẩy hiệu quả kinh tế, tăng cường tài chính toàn diện và củng cố niềm tin công chúng vào tương lai số.
Hồng Lâm (Theo OMFIF)