Diễn biến giằng co sẽ được
duy trì trong ngắn hạn
Trần Hương
Thị trường chứng khoán tiếp tục giao dịch khá giằng co trong phiên giao dịch ngày 23/2 khi các chỉ số liên tục đảo chiều. Dù có thời điểm tăng hơn 9 điểm nhưng áp lực bán gia tăng vào cuối phiên khiến VN-Index đóng cửa chỉ tăng 2,6 điểm (0,22%) lên 1.177,64 điểm; HNX-Index tăng 0,34% lên 238,78 điểm và chỉ có UPCoM-Index giảm 0,13% xuống 76,47 điểm.
Sắc xanh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng như: TCB, MBB, CTG, BID, STB, HDB,… cùng một số bluechips trụ cột như GVR, VRE, SSI… đã hỗ trợ tích cực cho thị trường. Ở chiều ngược lại, VCB, VHM, SAB, FPT, PLX… giảm điểm khiến diễn biến thị trường diễn ra khá giằng co. Bên cạnh nhóm cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS… tiếp tục tăng điểm, giao dịch của nhóm cổ phiếu hàng không như HVN, VJC, SCS… là điểm sáng mới trong phiên giao dịch khi hồi phục khá tích cực. Dù vậy, sự phân hóa trong hầu hết các nhóm ngành thị trường cao như bán lẻ, vật liệu xây dựng, bất động sản… khiến thị trường khó có thể bứt phá. Thanh khoản thị trường tiếp tục đạt mức rất cao với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt hơn 18.200 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý là giao dịch khối ngoại không mấy tích cực khi các nhà đầu tư bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 727 tỷ đồng. Cụ thể trên HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng khá mạnh với 19,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 700 tỷ đồng. Lực bán của khối ngoại tập trung vào các Bluechips như VNM (-106,4 tỷ đồng), CTG (-77,3 tỷ đồng), HPG (-69 tỷ đồng)… Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng 5,92 tỷ đồng. Còn trên UPCoM, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 2 liên tiếp với giá trị 21,07 tỷ đồng, trong đó riêng ACV khối ngoại bán ròng 19,68 tỷ đồng.
Nhận định thị trường cơ sở, các nhà phân tích chứng khoán cho biết, chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong bối cảnh nhà đầu tư đang thận trọng trước xu hướng bán mạnh cổ phiếu công nghệ tại thị trường Mỹ. Trong khi đó, thị trường Việt Nam lại diễn biến khá giằng co và liên tục đảo chiều trong phiên. Các chỉ số chỉ lấy lại được sắc xanh trong phiên ATC nhờ sự hồi phục của một số cổ phiếu trụ cột.
Về kỹ thuật, đồ thị VN-Index tiếp tục vận động trong vùng điểm 1.170 - 1.180 điểm với hình thái nến có thân hẹp và bóng nến dài về 2 phía. Điều này cho thấy sự giằng co giữa lực cung và lực cầu trên thị trường. Dù các chỉ báo về xu hướng như MACD, RSI, ROC… vẫn duy trì tín hiệu về xu thế tăng điểm nhưng sự suy yếu của tín hiệu động lực ADX, MoM… cùng việc chỉ báo dòng tiền MFI tiến vào vùng quá mua (overbought) có thể khiến lực cầu suy yếu. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi chỉ số tiếp cận vùng đỉnh cũ 1.185-1.200 điểm sẽ khiến áp lực cung chốt lời tiếp tục gia tăng. Nhiều khả năng, VN-Index sẽ tiếp tục giằng co trong vùng 1.170 - 1.185 điểm với sự phân hóa mạnh hơn giữa các nhóm cổ phiếu. Vì vậy, nhà đầu tư có thể duy trì danh mục hiện tại và tăng cường quản trị rủi ro danh mục tại vùng kháng cự.
Liên quan đến thị trường chứng khoán phái sinh, các hợp đồng phái sinh quay đầu tăng điểm trong phiên ngày 23/2. Trong đó, hợp đồng F2103 tăng 13,3 điểm lên 1.186,4 điểm. Điểm basic hợp đồng này đã chuyển sang trạng thái dương 3,93 điểm, cho thấy tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực hơn trong phiên. Chỉ số VN30-Index cũng tăng nhẹ 1,92 điểm lên 1.182,47 điểm và vẫn đang biến động trong vùng đỉnh cũ 1.170-1.190 điểm. Khối lượng giao dịch có tăng nhẹ so với phiên trước đó, nhưng chưa có sự bứt phá cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Thị trường đang thiếu động lực bứt phá. Do vậy, biến động lình xình trong vùng 1.170-1.190 điểm vẫn là diễn biến chính trong giai đoạn này. Nhà đầu tư có thể thực hiện chiến lược trading trong phiên với biên độ kỳ vọng mỏng trong vùng 1.170-1.190 điểm.