Nhiều TCTD giảm lãi suất cho vay tiêu dùng và dành một nguồn lực lớn làm an sinh xã hội hỗ trợ cho người nghèo và công nhân đón tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Chung tay lo Tết cho người nghèo
Thạch Bình
Nhiều TCTD giảm lãi suất cho vay tiêu dùng và dành một nguồn lực lớn làm an sinh xã hội hỗ trợ cho người nghèo và công nhân đón tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Hệ thống TCTD vào cuộc tích cực
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão, năm nay nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng đã cho công nhân nghỉ việc sớm. Để giải tỏa nhu cầu tài chính cấp bách cho công nhân, người lao động dịp cuối năm, nhiều NHTM và công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô đã vào cuộc chủ động hỗ trợ các gói vay tín chấp với lãi suất ph0ù hợp và giải ngân rất tiện lợi.
Quan sát trên thị trường, hiện các NHTM như: ACB, HDBank, Techcombank, VPBank, KBank, ShinhanBank; các công ty tài chính, như: FE Credit, HD Saison, Mcredit, Easy Credit; các tổ chức tài chính vi mô và ví điện tử, như: CEP, TYM, Momo, SmartPay, VNPay… đang tích cực có các chương trình hỗ trợ người lao động.
Các gói sản phẩm vay vốn tín chấp và hỗ trợ mua trước trả sau dành cho tiểu thương và công nhân tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nở rộ. ACB triển khai chương trình giảm 1% lãi suất, áp dụng cho toàn bộ khách hàng có khoản vay giải ngân mới, tính đến hết tháng 1/2023. Tổng hạn mức gói này lên đến 4.000 tỷ đồng. Techcombank hợp tác với Vinshop và SmartPay tài trợ vốn vay tín chấp tối đa 100 triệu đồng cho cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ.
Trong khi đó VPBank hợp tác với Bonbon Shop cho vay tín chấp hộ gia đình kinh doanh, giải ngân trực tiếp qua ví điện tử SmartPay. Các ngân hàng ngoại như KBank, ShinhanBank… cũng cạnh tranh tích cực khi lần lượt tung ra các sản phẩm vay tín chấp rất tiện lợi là KBank Biz Loan và Shinhan SOL.
Ở khối công ty tài chính và tổ chức tài chính vi mô, hiện nay FE Credit, HD Saison đã triển khai mạnh mẽ vào các khu chế xuất, khu công nghiệp tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước để giải ngân gói vay tiêu dùng 20.000 tỷ đồng, giảm 50% lãi suất dành cho công nhân. Mcredit cũng đã giảm 50% lãi suất cho toàn bộ khách hàng vay mới, đồng thời tung ra sản phẩm Vay TikTak giúp công nhân, người lao động vay vốn chỉ trong vài giờ đồng hồ.
Các tổ chức tài chính vi mô như CEP và TYM cũng tích cực cho vay hỗ trợ vốn cho người lao động, công nhân khó khăn tại các khu công nghiệp. Thống kê của CEP tại TP.HCM cho thấy, chỉ tính riêng địa bàn quận 7 và quận Bình Tân, tổ chức tài chính vi mô này đã cho vay được khoảng hơn 100 tỷ đồng phục vụ đời sống người lao động. Đồng thời hỗ trợ hàng tỷ đồng quà tết dành cho công nhân, người lao động trong tháng 12/2022.
An sinh xã hội được ngân hàng đẩy mạnh
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng và công ty, tổ chức tài chính, hiện nay tại nhiều địa phương, hoạt động chăm lo phúc lợi cho công nhân, người lao động đang diễn ra khá phổ biến.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm qua khá tích cực, Agribank sẽ dành một nguồn lực nhất định trong lợi nhuận để thực hiện an sinh xã hội. Trong đó, tập trung hỗ trợ người nghèo, công nhân, người yếu thế thông qua các hoạt động tặng tiền, tặng quà là hàng hóa thiết yếu để ai cũng có Tết.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, việc triển khai các chương trình an sinh xã hội đã trở thành truyền thống của ngành Ngân hàng nhiều năm qua. Năm nay do kinh tế thế giới không thuận, tác động vào nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống công nhân, người lao động, các TCTD càng cần chung tay với xã hội lo tết cho người nghèo. Ở TP.HCM hiện nay nhiều ngân hàng đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị, UBND quận huyện và thành phố Thủ Đức thông qua các hình thức đóng góp bằng tiền vào các quỹ và lên kế hoạch trực tiếp đi trao quà tết cho người nghèo, công nhân, người lao động để Tết này “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Bên cạnh các nguồn lực xã hội, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (thuộc VCCI) cho biết, tổ chức này đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét trích một phần kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ thêm cho người lao động trong bối cảnh tỷ lệ công nhân bị giảm việc, mất việc đang rất cao tại các địa phương, trong khi đó kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn khoảng hơn 55.700 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện giải ngân hết nguồn vốn cho vay hỗ duy trì và mở rộng việc làm (dự kiến kế hoạch năm 2023 là 3.000 tỷ đồng) để thực hiện ngay trong năm 2022. Song song đó, đề nghị liên Bộ Tài chính và Kế hoạch và Đầu tư cân đối, để tăng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, bao gồm giải pháp điều chuyển kinh phí còn dư của các chính sách đã cơ bản kết thúc trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sang cho vay giải quyết việc làm.
Với những diễn biến trên, có thể thấy hệ thống TCTD ngoài nỗ lực cung ứng thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng ra nền kinh tế trong các tuần cuối năm, cũng đã rất tích cực hỗ trợ công nhân, người lao động qua các chương trình an sinh xã hội để giúp người dân yên tâm ăn Tết Nguyên đán cổ truyền và duy trì việc làm trong năm mới 2023.