Sau thời gian chững lại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hiện nay chính sách hỗ trợ lãi vay nhằm khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM sôi động trở lại.
Hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị
Thạch Bình
Sau thời gian chững lại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hiện nay chính sách hỗ trợ lãi vay nhằm khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM sôi động trở lại.
Nhắm đến nông sản OCOP và công nghệ cao
Chính sách hỗ trợ lãi vay nhằm khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị là một trong những chính sách được UBND TP.HCM triển khai thực hiện trong suốt 15 năm vừa qua (2006-2021), gắn với chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế theo chỉ đạo từ chính quyền và ngành Nông nghiệp tại địa phương. Cuối năm 2021, một mặt tác động từ đại dịch Covid-19, mặt khác do các văn bản triển khai chính sách này hết thời gian hiệu lực nên hoạt động hỗ trợ lãi vay bị chững lại. Hiện nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch kinh tế nông nghiệp đô thị, UBND TP.HCM đã quyết định nối lại chương trình hỗ trợ lãi vay có tính lan tỏa mạnh mẽ này.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp) TP.HCM cho biết, theo chỉ đạo từ địa phương, hiện Sở Nông nghiệp đã hoàn thành đề cương Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân TP.HCM về Ban hành Chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2023-2025 và đang tiến hành lấy ý kiến các sở, ban ngành, địa phương để ban hành sớm nhất. Chương trình hỗ trợ lãi vay nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại TP.HCM nhắm đến nhiều hơn cho việc hỗ trợ các dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; tập trung hỗ trợ với tỷ lệ cao hơn và thời gian dài hơn đối với các dự án phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực tại TP.HCM và các mô hình nông sản theo chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Theo đó, đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tham gia sản xuất - tiêu thụ 6 sản phẩm nông sản chủ lực tại TP.HCM (gồm: rau; hoa, cây kiểng; bò sữa; heo thịt; tôm nước lợ và cá cảnh) có liên kết với nông dân sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ từ 80-100% lãi suất vay vốn từ các tổ chức tín dụng.
Đối với các hợp tác xã đang thực hiện chương trình OCOP, ngân sách TP.HCM sẽ hỗ trợ 100% lãi vay ngân hàng để đầu tư sản xuất giống, tổ chức sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và nâng hạng. Thời gian hỗ trợ kéo dài đến 3 năm. Đối với các mô hình doanh nghiệp phát triển các loại nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho kinh tế nông nghiệp theo hướng bảo vệ môi trường, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái, ngân sách địa phương cũng sẽ hỗ trợ 60% lãi suất vay vốn ngân hàng để đầu tư cơ bản và xoay vòng vốn lưu động. Thời gian vay vốn từ 1-3 năm.
Riêng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, TP.HCM vẫn duy trì chính sách hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn khi triển khai các dự án, phương án chuyển dịch cây trồng vật nuôi. Lãi suất vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội TP.HCM (NHCSXH) ủy thác từ Quỹ giảm nghèo TP.HCM sẽ được áp dụng là 4%/năm.
Hàng nghìn tỷ vốn vốn tín dụng mỗi năm
Theo Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, dựa trên kinh nghiệm triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đối với các dự án, phương án chuyển dịch kinh tế nông nghiệp nhiều năm qua tại TP.HCM, nguồn “vốn mồi” hỗ trợ từ ngân sách có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực vốn khác ngoài xã hội. Trong đó, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng nông nghiệp từ hệ thống NHTM, NHCSXH và các nguồn vốn ủy thác từ các quỹ có nguồn gốc ngân sách TP.HCM.
Thống kê của ngành Nông nghiệp TP.HCM cho thấy, các năm giai đoạn 2011-2021, thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất đã có khoảng trên 8.500 quyết định vay vốn được các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân thực hiện. Vốn tín dụng từ các NHTM, NHCSXH ở các quận, huyện, thành phố tại TP.HCM đã giải ngân cho vay khoảng hơn 8.400 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2022-2025, theo tính toán của Sở Nông nghiệp TP.HCM, nếu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp theo các tiêu chí của chương trình, đồng thời hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp tốt, và hậu thuẫn mạnh mẽ cho các dự án, phương án của doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân thì mỗi năm sẽ có khoảng trên 2.700 lượt khách hàng tiếp cận được các khoản vay có hỗ trợ lãi suất. Trong ba năm, dự kiến sẽ có trên 8.200 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân được phê duyệt vay mới, với tổng số vốn vay ước khoảng trên 2.700 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu này, hiện nay Sở Nông nghiệp TP.HCM đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp các quận, huyện và thành phố Thủ Đức hoàn thiện các đề cương, chương trình phát triển mô hình kinh tế tập thể, mô hình OCOP với mục tiêu nâng giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương lên mức 640 - 660 triệu đồng/ha trong năm 2023 và tăng dần trong các năm tiếp theo.
Riêng đối với ngành Ngân hàng, thời gian qua, UBND TP.HCM cũng đã giao NHNN chi nhánh TP.HCM phối hợp với Sở Nông nghiệp và các sở, ngành liên quan, để nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ vay vốn ngân hàng theo hình thức tín chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai theo hình thức liên kết 4 nhà (bao gồm: cơ quan quản lý nhà nước đơn vị sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào, đơn vị tiêu thụ sản phẩm và ngân hàng). Từ đó, cung ứng vốn tín dụng có hỗ trợ lãi suất, triển khai một số mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như rau thủy canh, dưa lưới xuất khẩu, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, hoa cây kiểng, phát triển du lịch sinh thái, nhà máy phân hữu cơ vi sinh, nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp bò sữa…