Phát biểu tại Hội nghị Tập huấn Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do NHNN tổ chức ngày 1/8, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, qua thực tiễn 7 năm triển khai, về cơ bản các quy định hướng dẫn về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, để tiếp nối tinh thần của Thông tư 39 và phù hợp với tình hình thực tế triển khai của các TCTD trong bối cảnh hiện nay, quy định của pháp luật hiện hành, chủ trương chuyển đổi số của ngành Ngân hàng và yêu cầu quản lý nhà nước, NHNN đã ban hành Thông tư số 06 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023.
Đảm bảo hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả
Quỳnh Trang
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hoạt động cho vay
Phát biểu tại Hội nghị Tập huấn Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do NHNN tổ chức ngày 1/8, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, qua thực tiễn 7 năm triển khai, về cơ bản các quy định hướng dẫn về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, để tiếp nối tinh thần của Thông tư 39 và phù hợp với tình hình thực tế triển khai của các TCTD trong bối cảnh hiện nay, quy định của pháp luật hiện hành, chủ trương chuyển đổi số của ngành Ngân hàng và yêu cầu quản lý nhà nước, NHNN đã ban hành Thông tư số 06 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023.
Phó Thống đốc cho biết, việc ban hành Thông tư 06 nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD năm 2010, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đầu tư năm 2020 và các quy định hiện hành khác của pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay cũng như chủ trương chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Các quy định tại Thông tư 06 đã cụ thể hóa được nhiều nội dung quan trọng nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập của các TCTD trong thực tiễn triển khai thời gian qua. Đồng thời đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của TCTD, minh bạch hóa, bảo đảm an toàn hoạt động cho vay.
Thông tin tới các TCTD về điểm mới của Thông tư 06, bà Bùi Thuý Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, Thông tư đã bổ sung quy định TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác với mục đích phục vụ nhu cầu đời sống khi đáp ứng một số các điều kiện, thay vì chỉ áp dụng với khoản vay phục vụ mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh. Quy định này tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, cũng như có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các TCTD khác.
Ngoài ra, Thông tư cũng bổ sung nội dung làm rõ quy định TCTD được xem xét cho khách hàng vay vốn TCTD trong nước để trả nợ khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn phục vụ nhu cầu này; bổ sung quy định về phương án sử dụng vốn cần phải có thêm thông tin về phương án, dự án phục vụ nhu cầu đời sống để mua nhà ở; xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở, thay vì chỉ áp dụng đối với các khoản cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh. Theo bà Hằng, quy định này nhằm đảm bảo cho TCTD có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng, thường là các khoản vay có giá trị lớn, qua đó phục vụ việc giám sát sử dụng vốn vay của khách hàng đúng mục đích.
Thông tư 06 bổ sung quy định về một số nhu cầu vốn TCTD không được cho vay mà trong thời gian qua, NHNN cũng đã có các văn bản cảnh báo TCTD như vay vốn để gửi tiền; để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCoM…
Trao đổi tại buổi tập huấn, một số ngân hàng chia sẻ mong muốn NHNN quy định rõ hơn các trường hợp không được cho vay để ngân hàng áp dụng đúng đối tượng. Đại diện Vietcombank băn khoăn, các công ty chứng khoán có hoạt động kinh doanh hợp pháp, thực hiện đầu tư giấy tờ có giá như mua chứng chỉ tiền gửi sơ cấp và thứ cấp; ngân hàng cho vay bù đắp tài chính và giải ngân vào tài khoản cá nhân của khách hàng, số tiền khách hàng vay chưa dùng hết có phải trả lãi không…
Đại diện VietinBank chia sẻ, trong quá trình thu thập hồ sơ, khách hàng cần một khoảng thời gian để chuẩn bị. Trong khi nhu cầu vốn đang rất cần thiết nên khách hàng phải xoay xở từ bên ngoài để thanh toán trước, sau đó mới lấy tiền được ngân hàng giải ngân để trả. Do đó, ngân hàng mong muốn cần thống nhất thời điểm giải ngân để phù hợp với thực tiễn trong hoạt động cho vay của ngân hàng…
Mở đường cho vay trực tuyến
Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư 06 đó là đã bổ sung một khoản mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử nhằm tạo thuận lợi cho TCTD có đầy đủ khuôn khổ pháp lý để triển khai một số khâu hoặc toàn bộ quy trình cho vay bằng phương tiện điện tử. Theo bà Bùi Thuý Hằng, điều này sẽ thúc đẩy các TCTD chủ động ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào hoạt động cho vay, góp phần đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian xử lý khoản vay, khách hàng thậm chí không phải đến trực tiếp ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn đối với các khoản vay có giá trị nhỏ.
Liên quan đến quy định dư nợ cho vay qua phương thức trên không vượt quá 100.000.000 (một trăm triệu đồng Việt Nam) tại một TCTD, đại diện NHNN chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, các khoản vay phát sinh trên môi trường số chủ yếu là các khoản vay cá nhân, nhỏ lẻ phục vụ mục đích tiêu dùng, nhu cầu đời sống và mức độ ứng dụng công nghệ, phương tiện điện tử vào hoạt động cho vay giữa các TCTD không đồng đều. Do đó, để đảm bảo an toàn hoạt động cho vay và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của TCTD, trước mắt NHNN áp dụng quy định giới hạn 100 triệu đồng. Còn đối với các khâu khác trong quy trình thực hiện cho vay, TCTD không bị giới hạn về dư nợ đối với khách hàng, cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Với quy định mới này, đại diện TPBank cho rằng đây là những thay đổi văn minh, tiến bộ, mở ra điều kiện cho kinh doanh cạnh tranh, các NHTM có thể cung cấp dịch vụ tới khách hàng một cách tốt hơn. Đặc biệt, việc bổ sung quy định cho vay bằng phương thức điện tử với các quy định chặt chẽ, logic sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy hoạt động cho vay trực tuyến, đồng thời giúp NHNN có thể quản lý, giám sát hoạt động cho vay của các TCTD tốt hơn, ngoài công cụ “room tín dụng”, nhất là đối với các nhà băng đã đáp ứng các chuẩn mực quốc tế như Basel II, Basel III… và đang tiếp tục tiến tới các chuẩn mực tốt hơn.