Cùng với xu hướng bùng nổ các loại tiền ảo, hệ thống tài chính phi tập trung (DeFi) được hình thành nhằm mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính, tổ chức và hỗ trợ các giao dịch tiền ảo.
Về khái niệm, DeFi là mô hình tài chính mới dựa trên blockchain, không phụ thuộc vào các trung gian tài chính trung ương như môi giới, ngân hàng hoặcsàn giao dịch để cung cấp các công cụ tài chính truyền thống, mà sử dụng các hợp đồng thông minh dựa trên blockchain, phổ biến nhất là Ethereum. DeFi sử dụng kiến trúc phân lớp và các blocks xây dựng có khả năng kết hợp cao, các chương trình hợp đồng thông minh đối với các giao thức DeFi được chạy bằng phần mềm nguồn mở bởi một cộng đồng các nhà phát triển và lập trình viên.
Nền tảng DeFi cho phép mọi người cho vay hoặc đi vay từ những người khác, đầu cơ dựa theo sự biến động giá của hàng loạt tài sản sử dụng phái sinh, kinh doanh tiền ảo, bảo đảm chống lại rủi ro và kiếm lời trong những tài khoản giống như sổ tiết kiệm. Một số ứng dụng DeFi đưa ra lãi suất cao, nhưng rủi ro cũng rất cao.
DeFi xoay quanh các ứng dụng được gọi là DApps (ứng dụng phi tập trung), thực hiện các chức năng tài chính trên sổ cái kỹ thuật số được gọi là blockchain - một công nghệ lần đầu tiên được sử dụng bởi Bitcoin, sau đó được phát triển rộng rãi, nhiều DApp trong số này có thể kết nối và cùng hoạt động để tạo ra các dịch vụ tài chính phức tạp. Thay vì thực hiện giao dịch thông qua một trung gian tập trung, các giao dịch DApp được tiến hành trực tiếp giữa các cá nhân tham gia, qua trung gian của các chương trình hợp đồng thông minh. DApp thường được truy cập thông qua ứng dụng hoặc tiện ích mở rộng trình duyệt hỗ trợ Web3 (phiên bản thứ ba của internet) như MetaMask, cho phép người dùng tương tác trực tiếp với blockchain Ethereum thông qua một trang web.
Các ứng dụng DeFi cung cấp các loại hình dịch vụ tài chính tương tự như tài chính truyền thống, chỉ khác về cách thức cung cấp. Đó là, DeFi cung cấp dịch vụ thông qua các hợp đồng thông minh và theo hướng phi tập trung, dựa trên các tài sản ảo. Trong số này, DeFi tiền ảo vận hành trong dải phi tập trung và nhằm mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính trong môi trường không cần cơ chế phi tập trung đồng thuận. Ban đầu, sự phát triển của DeFi là tự tham chiếu, chỉ bao gồm các đồng tiền ảo và những loại tài sản ảo khác mà không cần kết nối với thế giới thực.
Đặc điểm chính của DeFi
Defi là ứng dụng tài chính dựa trên chuỗi khối mở và sử dụng các hợp đồng thông minh để cung cấp dịch vụ tài chính mà không cần các bên trung gian. Việc sử dụng các hợp đồng thông minh và đặc điểm phi tập trung về nghiệp vụ và quản trị của nền tảng này là hai điểm khác biệt cơ bản của Defi so với các hệ thống blochain tập trung.
Các hợp đồng thông minh là chương trình tự thực hiện, được lưu giữ trên blockchain và vận hành khi đáp ứng những điều kiện cho trước, và được sử dụng để tự động hóa các giao dịch và thỏa thuận giữa các bên ẩn danh và để thực hiện những sự kiện xác định trước như thanh toán lãi suất và tiền lãi cổ phần mà không qua trung gian hay định chế trung tâm. Nhờ tiến hành tự động hóa giao dịch và xác minh công khai trên blockchain mở, nên các hợp đồng thông minh được đánh giá là có độ an toàn rất cao nếu được mã hóa và thiết lập thích hợp. Kết quả giao dịch cũng không bị hủy ngang và dễ theo dõi trên blockchain.
Phi tập trung là đặc điểm cơ bản thứ hai của môi trường Defi. Nghĩa là, các dịch vụ tài chính được thực hiện trên nền tảng Defi ( không thông qua trung gian hay định chế tập trung), nhờ sử dụng các hợp đồng thông minh và việc sử dụng cơ chế quản trị phi tập trung, dựa trên chương trình lựa chọn để ra quyết định liên quan đến các giao thức mạng và nghiệp vụ của nền tảng Defi này. Các quyết định có thể liên quan đến lãi suất hay yêu cầu thế chấp, dịch vụ do nền tảng này cung cấp hay việc xử lý các xung đột và những vấn đề nghiệp vụ có thể xảy ra.
Trong khi thiết kế ban đầu và việc thực hiện các nền tảng Defi được tiến hành theo mô hình tập trung với các bên triển khai tạo dựng cấu trúc và mật mã của nền tảng này và lựa chọn những chính sách cơ bản ban đầu liên quan đến việc quản lý hệ thống, các nền tảng phải tiến triển theo hướng phi tập trung, khi việc triển khai và số người sử dụng tăng dần. Vì thế, mức độ phi tập trung khác nhau giữa các dự án Defi, tùy thuộc cụ thể vào giai đoạn phát triển của nền tảng này. Các mã thông báo chuyên nghiệp đóng góp cho người sử dụng nền tảng Defi, cho phép bỏ phiếu (trực tiếp hay gián tiếp) đối với những thay đổi về các giao thức mạng hay ứng dụng Defi.
Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu gần đây củaNgân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho thấy, phi tập trung hóa không phải là thực tế đối với phần lớn nền tảng Defi, nguyên nhân là do việc quản lý và quản trị Defi nằm trong một nhóm cá nhân hay tập thể nhỏ, họ được xác định trước trong chừng mực nhất định, và trong nhiều trường hợp, các quyết định được đưa ra theo hướng dẫn của khung khổ quản trị trung tâm. Trong chừng mực nào đó, phi tập trung phụ thuộc vào năng lực của nền tảng Defi.
Báo cáo của BIS nhấn mạnh, một vài yếu tố dẫn dắt sự tập trung các quyết định, không phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của Defi. Những yếu tố này bao gồm, đóng góp của phần lớn coin ban đầu đối với tập thể thiết lập và tài trợ cho dự án và các chương trình khuyến khích với mục tiêu mở rộng quy mô của nền tảng. Kết quả là, việc nắm giữ coins và các mã thông báo chuyên nghiệp có thiên hướng tập trung vào một nhóm người soạn thảo (người phát triển nền tảng lõi, xác thực giao dịch chủ chốt, nhà đầu tư ban đầu vào dự án). Trong hầu hết các trường hợp, có thể chuyển nhượng tokens quản trị, cho phép người nắm giữ nâng cao vị thế. BIS cũng chỉ rõ, các hợp đồng thông minh không thể bao quát tất cả các tình huống và sự cố bất ngờ, nghĩa là vẫn cần quyết định của con người tại những điểm nào đó.
Đặc trưng thứ ba của nền tảng Defi là, ngoài các hợp đồng thông minh và phi tập trung hóa, stablecoins đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của nền tảng. Stablecoins được dùng làm thế chấp để thanh toán lãi suất trong giao thức mạng Defi, và vì thế rất cần thiết cho hoạt động của thị trường Defi, tạo thuận lợi cho việc chuyển giao quỹ giữa người dùng và giữa các nền tảng. Stablecoins tránh được sự chuyển đổi nhiều lần đối với tiền quy ước và là cầu nối giữa tiền ảo và hệ thống tài chính truyền thống.
Các loại hình dịch vụ DeFi cơ bản và xu hướng thị trường hiện hành
Các loại hình dịch vụ cung cấp qua ứng dụng Defi tương tự như tài chính truyền thống, chỉ khác là Defi cung cấp dịch vụ qua các hợp đồng thông minh và dựa trên tài sản ảo. Những dịch vụ này bao gồm, mua các tài sản ảo dễ hoán đổi và không thể hoán đổi phát hành trên các blochain Defi, trao đổi các tài sản ảo trên các quầy phi tập trung (DEXs), cho vay dựa trên các tài sản ảo (thường có thế chấp như cho vay hay mua lại chứng khoán), quản lý tài sản và các hoạt động thanh toán, và cung cấp các sản phẩm phái sinh và bảo hiểm.
Tuy nhiên, một số hoạt động và dịch vụ đặc trưng riêng cho các hệ thống Defi. Bao gồm, việc tạo lập thị trường tự động dựa trên DEXs để định giá các giao dịch theo phương pháp liên tục và “những khoản vay chớp nhoáng” không cần tài sản thế chấp (nhưng khách hàng phải trả lại tiền đã vay trong cùng một giao dịch), cho phép vay tài sản và hoàn trả cùng với lãi suất trong giao dịch blockchain tương tự.
Mặc dù Defi là lĩnh vực tài chính mới nổi và mới đại diện cho một tỷ trọng nhỏ các giao dịch tiền ảo, nhưng hoạt động đã tăng rất nhanh trong năm 2020-2021.Đến cuối năm 2021, tổng giá trị tài sản ảo đã khóa trong các ứng dụng Defi(quy đổi sang USD) lập kỷ lục trên 179 tỷ USD. Sau đó giảm dần khi đỉnh cao công nghệ đã dẫn đến xu hướng hạ cơn nghiện rủi ro, và giảm dần dòng vốn đầu cơ vào tiền ảo. Từ cuối năm 2021, các NHTW cũng bắt đầu đẩy nhanh tiến độ thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, và các nhà đầu tư chuyển sang vàng, trái phiếu chính phủ và những tài sản an toàn khác.Ngày 11/11/2022, FTX (một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới) đã nộp đơn phá sản do khủng hoảng thanh khoản. Sự sụp đổ của FTX đã nhấn chìm thị trường tiền ảo, dẫn đến làn sóng đào thoát nguồn vốn từ các ứng dụng Defi, tổng giá trị tài sản ảo đã khóa trong các ứng dụng Defi giảm xuống còn 38 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường tiền ảo đã nhanh chóng phục hồi trở lại và tổng giá trị tài sản ảo đã khóa trong các ứng dụng Defi đạt 52 tỷ USD vào cuối năm 2023.
Trong năm 2021, cho vay là phân đoạn lớn nhất của Defi, chiếm trên 50% tổng giá trị tài sản ảo đã khóa trên các ứng dụng Defi, tiếp đến là DEXs với khoảng 1/3 tổng giá trị tài sản ảo. Defi cung cấp các chức năng và cơ hội mới, có thể mang lại lợi ích cho hệ sinh thái tài chính rộng lớn trong tương lai.
Tuy nhiên, tăng trưởng của các hệ thống Defi được dẫn dắt chủ yếu bởi hoạt động đầu cơ vào tài sản ảo phát hành và sử dụng trên nền tảng Defi, sự quay vòng lợi nhuận được tạo ra từ những hoạt động tài sản ảo khác và ăn chênh lệch giá giữa các tài sản ảo khác nhau và cũng bởi các cơ hội đòn bẩy bổ sung do Defi chào mời các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Ngoài ra, Defi đối mặt với những thách thức đáng kể về khả năng mở rộng các lớp sắp đặt dựa trên blockchain cơ sở và sản phẩm của nó, vượt xa giao dịch và chênh lệch tài sản ảo đầu cơ, nó cũng phụ thuộc vào sự phát triển tài sản mã hóa và thanh khoản sẵn có. Đối với Defi, thách thức về khả năng mở rộng còn lớn hơn do đặc tính phi tập trung của nền tảng này, tăng thêm thách thức trong việc theo kịp nhu cầu về không gian khối và có thể làm tăng phí giao dịch cũng như thời gian xác định giao dịch so với các hệ thống tập trung.
Tại Việt Nam, báo cáo thị trường Crypto Việt Nam 2022 cho thấy, các dự án DeFi vẫn đang phát triển ở giai đoạn đầu, chưa tập trung nhiều vào việc tìm kiếm doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, Defi cũng là lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn khi chiếm 38% tổng doanh thu toàn thị trường trong 8 tháng đầu 2022. DeFi chiếm 26% thị trường crypto Việt Nam với các dự án DeFi nổi bật, bao gồm: Kyber Network, Rikkei Finance, v.v.
Thiết kế các nền tảng DeFi
Về mặt thiết kế, các nền tảng Defi bao gồm một vài khối hợp nhất các lớp tương tác lẫn nhau nhằm cung cấp các loại hình dịch vụ tài chính. Cơ sở của các nền tảng Defi là hệ thống blockchain mở, nó lưu giữ thông tin về quyền sở hữu một cách an toàn và đảm bảo mọi thay đổi đều tuân theo quy định pháp lý. Lớp dưới cùng tương ứng với trật tự tiến hành và các chức năng xử lý các dịch vụ tài chính truyền thống. Lớp thứ hai là lớp tài sản, bao gồm tất cả các tài sản số phát hành trên blockchain, bao gồm các token có thể thay thế và tài sản token không thay thế được, tài sản gốc và stablecoins. Lớp trên cùng là lớp giao thức mạng, đưa ra chuẩn mực thực hiện các loại dịch vụ tài chính khác nhau có thể chuyển tới nền tảng Defi (thí dụ, trao đổi, cho vay, phái sinh). Những tiêu chuẩn này thường được áp dụng như một bộ các hợp đồng thông minh, có thể tiếp cận thông qua tương tác bởi ứng dụng Defi. Những áp dụng này nằm ở lớp thứ tư trong hệ thống Defi (lớp ứng dụng) cung cấp các giao diện định hướng người dùng, cho phép khách hàng mua dịch vụ hoặc thực hiện giao dịch (hình dưới đây).
Các giao diện cũng được thiết lập giữa các nền tảng Defi và ứng dụng bên ngoài. Các dịch vụ oracle cho phép dữ liệu và nội dung bên ngoài blockchain hòa nhập với dòng giao dịch Defi, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các hợp đồng thông minh. Có thể kết nối với ví điện tử bên ngoài, cho phép người dùng lưu giữ, chuyển giao và quản lý tài sản số của họ.
Ngoài ra, các giao thức mạng và ứng dụng có thể kết nối với nhau, nghĩa là được thiết kế sao cho các cấu phần của chương trình có thể tương tác và phối hợp với nhau để tạo ra các công cụ và dịch vụ tài chính mới trên lớp xử lý của blockchain. Quy trình này được hỗ trợ bởi việc sử dụng rộng rãi các mã nguồn mở và đặc tính mở của mạng lưới, cho phép người tham gia xem xét mã và liên kết hoặc chia nhánh các cấu phần khác nhau nhằm tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới hoặc tùy chỉnh sản phẩm và dịch vụ hiện có. Đặc tính này có tác dụng hỗ trợ đổi mới trên các nền tảng Defi và nâng cao hiệu quả của mạng, do người tham gia có thể tái sử dụng tài sản vào những ứng dụng khác nhau, nhưng cũng gây phức tạp trong việc sử dụng những nền tảng này.
Cơ hội và thách thức liên quan đến hệ sinh thái DeFi
Defi tạo ra nhiều cơ hội tiềm tàng, có thể đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả của hệ thống tài chính, linh hoạt, minh bạch và dễ tiếp cận.Việc sử dụng các hợp đồng thông minh trên nền tảng Defi sẽ xóa bỏ sự cần thiết về hạ tầng thị trường và trung gian tài chính phục vụ cho việc xử lý các giao dịch liên quan, qua đó sẽ giảm chi phí và rủi ro trung gian. Ngoài ra, tốc độ chuyển giao các token qua nền tảng Defi cũng nhanh hơn so với các giao dịch tài chính truyền thống.Về lý thuyết, các thành viên tham gia nền tảng Defi dễ dàng tiếp cận việc sử dụng các ứng dụng Defi và mã hợp đồng thông minh, góp phần tăng cường độ mở của những hệ thống này.
Tuy nhiên, các ứng dụng Defi cũng đặt ra những rủi ro tiềm tàng. Về cơ bản, rủi ro tài chính liên quan đến các hoạt động Defi cũng tương tự như rủi ro trong tài chính truyền thống. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế quản lý đối với phần lớn hoạt động Defi, nên mức độ rủi ro cao hơn, nhất là trong việc bảo vệ khách hàng.
Do thiếu vắng các quy định quản lý Defi, nên việc bảo vệ khách hàng trước những sự cố xảy ra (như gian lận) trong các giao dịch dựa trên nền tảng Defi cũng chưa được quan tâm kịp thời. Liên quan đến vấn đề thế chấp, cho vay trên ứng dụng Defi đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, trong khi đa phần tài sản thế chấp không đủ tư cách vay từ các loại hình Defi. Đối với Defi và tài sản ảo, khách hàng phải bảo quản ví điện tử bằng chìa khóa (mật mã) riêng để cất giữ tài sản tiền ảo. Nếu bị mất mật mã do vô tình hay bị kẻ gian đánh cắp, khách hàng sẽ mất khả năng tiếp cận ví điện tử này (nghĩa là mất tiền), vì hầu hết các nền tảng Defi chưa có cách thức phục hồi mật mã, v.v.
Cũng như tài chính truyền thống, việc tiến hành các hoạt động tài chính trên nền tảng Defi cũng làm tăng rủi ro đối với thị trường, thanh khoản, đòn bẩy và rủi ro đối tác. Tuy nhiên, đặc điểm và mức độ rủi ro có thể khác nhau, tùy theo đặc thù của tài sản ảo và giao dịch tài sản ảo.Các giao dịch tài sản ảo thường có mức độ rủi ro cao do các hoạt động bất hợp pháp (tội phạm tài chính, gian lận và thao túng thị trường), nguyên nhân là do tính đặc thù của những giao dịch này làm tăng các giao dịch ẩn danh và tốc độ giao dịch.Các lớp xử lý trong hệ thống Defi đối mặt với những rủi ro thông thường như trong các hệ thống dựa trên blockchain, như khả năng tấn công vào mạng blockchain hay rủi ro liên quan đến thợ đào tiền ảo.
Khuyến nghị chính sách quản lý DeFi
Trong những tháng đầu năm 2022, Mỹ và EU đã đưa ra thông báo về chủ trương đưa ra các quy định ban đầu về quản lý tiền ảo và DeFi. Mục tiêu là bảo vệ khách hàng, tránh rủi ro bất ổn tài chính, thúc đẩy đổi mới một cách có trách nhiệm, củng cố hệ thống tài chính - tiền tệ.
Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các quy định tổng hợp về quản lý các tài sản số và DeFi. Cụ thể là, Cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu (ESMA) đã ban hành quy định về Thị trường Tài sản ảo (MiCA), có hiệu lực từ tháng 6/2023. Theo quy định tại MiCA, các hoạt động liên quan đến tài sản ảo được điều chỉnh theo cách tiếp cận trung tính về công nghệ (rủi ro nào, quy định ấy). MiCA đề xuất khung khổ pháp lý mới về tài sản ảo (kể cả stablecoins), quy định về việc phát hành các tài sản ảo, các bên cung cấp và sử dụng dịch vụ, mục tiêu là bảo vệ khách hàng và duy trì ổn định tài chính, nhưng vẫn khuyến khích các nỗ lực đổi mới công nghệ. Ngoài ra, Đạo luật về Bền vững hoạt động số (DORA) - có hiệu lực từ ngày 16/01/2023- có thể giảm thiểu rủi ro bắt nguồn từ khủng bố tài chính (ICT)như rủi ro an ninh mạng (có thể tác động đến các nền tảng Defi và những cấu phần khác của nền tảng này).
Tại EU và trên toàn cầu, các quy định về chống rửa tiền/khủng bố tài chính (AML/CFT) đang được xem xét để áp dụng đối với các hoạt động liên quan đến các tài sản ảo và các bên cung cấp, sử dụng dịch vụ liên quan, và sẽ áp dụng đối với các nền tảng Defi.
Ngày 07/9/2023, các cơ quan quản lý chứng khoán toàn cầu đã đặt ra kế hoạch chi tiết đầu tiên, yêu cầu các bên tham gia DeFi chịu trách nhiệm trong quá trình hoạt động và bảo vệ sự ổn định của thị trường.
Theo đánh giá của Tổ chức Quốc tế của các Uỷ ban Chứng khoán (IOSCO), cho tới nay, các cơ quan quản lý có rất ít dữ liệu được tiêu chuẩn hóa về DeFI, và tình hình trở nên tồi tệ hơn khi các thành viên tham gia thị trường sử dụng nhiều địa chỉ giả mạo để làm xáo trộn hoạt động của họ. Vì thế, các cơ quan quản lý nên sử dụng luật hiện hành hoặc đưa ra những luật mới khi cần thiết để có được bức tranh đầy đủ về DeFI, bao gồm cả danh tính cá nhân và công ty có liên quan.
Mặc dù mới đang phát triển sơ khai, nhưng Defi có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Theo thời gian, các nhà đầu tư sẽ độc lập hơn, cho phép họ khai thác các tài sản ảo một cách sáng tạo mà hiện nay chưa khả thi do những hạn chế của hệ thống hiện hành. Defi cũng thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực dữ liệu lớn, góp phần điều chỉnh dữ liệu một cách thích hợp và hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình phát triển Defi còn là quãng đường dài ở phía trước, nhất là khả năng hấp thụ của cộng đồng. Điều này đòi hỏi phải đẩy mạnh tuyên truyền về tiềm năng phát triển Defi, đồng thời tăng cường phổ biến kiến thức về các công cụ cho phép con người chứng kiến những lợi ích tiềm tàng của Defi.
Hoàng Thế Thỏa