Theo chiến lược mới nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ECB tuyên bố sẽ có những phản ứng “mạnh mẽ hoặc kiên định” trước các biến động lớn của lạm phát. Đây là một động thái phản ánh những bài học rút ra từ làn sóng tăng giá sau đại dịch Covid-19.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Tương tự các ngân hàng trung ương khác, ECB từng bị chỉ trích vì phản ứng quá chậm trước đà tăng của lạm phát từ năm 2021, khi tỷ lệ lạm phát hằng năm chạm đỉnh trên 10% vào cuối năm 2022.
Các nhà hoạch định chính sách thừa nhận đã đánh giá thấp tác động của việc gián đoạn chuỗi cung ứng đối với giá cả, do trước đó chủ yếu tập trung vào các cú sốc từ phía cầu - vốn là nguyên nhân phổ biến hơn của lạm phát.
“Việc điều hành chính sách tiền tệ một cách phù hợp, mạnh mẽ hoặc kiên định nhằm ứng phó với những sai lệch lớn và kéo dài của lạm phát so với mục tiêu – dù theo hướng nào - là hết sức quan trọng,” ECB nhấn mạnh.
Trong phát biểu của bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB, tại lễ khai mạc Diễn đàn ECB 2025 ngày 30/6/2025 với chủ đề “Thích ứng với thay đổi: Những chuyển biến vĩ mô và phản ứng chính sách”, có thể rút ra một số cách tiếp cận mới trong điều hành chính sách tiền tệ của ECB như sau:
Một là, chuyển từ tư duy dựa vào quá khứ sang hướng tới tương lai nhiều bất định: (i) ECB thừa nhận rằng các cú sốc mới và môi trường kinh tế hiện nay không thể lý giải hoặc dự báo đầy đủ bằng mô hình cũ vốn dựa nhiều vào dữ liệu lịch sử; (ii) Chiến lược tiền tệ phải được cập nhật để phản ứng hiệu quả hơn với những cú sốc chưa từng có và ít chắc chắn hơn, thay vì chỉ phản ánh thực tiễn quá khứ như trước.
Hai là, tăng trọng số của yếu tố “bất định” và “rủi ro” trong đánh giá chính sách: (i) ECB chính thức nhấn mạnh vai trò trung tâm của phân tích kịch bản và độ nhạy trong điều hành chính sách tiền tệ, không chỉ dựa vào kịch bản cơ sở; (ii) Phân tích rủi ro hai chiều (risk distribution) sẽ được tích hợp một cách hệ thống và linh hoạt theo từng bối cảnh cụ thể, thay vì phụ thuộc duy nhất vào dự báo trung tâm.
Ba là, nhận diện các phi tuyến tính mới từ phía cung và hành vi doanh nghiệp: ECB nhấn mạnh rằng các cú sốc cung đang trở nên thường xuyên hơn và tạo ra phản ứng giá nhanh hơn, linh hoạt hơn từ doanh nghiệp. Điều này dẫn tới lạm phát biến động mạnh hơn, kể cả khi cú sốc không lớn, và đòi hỏi phản ứng chính sách nhạy bén, không chỉ với lạm phát trung bình mà còn với độ lệch và độ biến động của lạm phát.
Bốn là, thiết lập một “hàm phản ứng hai chiều” (two-sided reaction function): Trái ngược với chiến lược cũ tập trung chủ yếu vào ngăn ngừa giảm phát (phi đối xứng), ECB giờ đây cam kết phản ứng đối xứng trước cả rủi ro lạm phát tăng và giảm. Chính sách sẽ “quyết liệt hoặc bền bỉ một cách phù hợp” với những sai lệch lớn và kéo dài của lạm phát, theo cả hai chiều.
Năm là, chuyển trọng tâm từ mức độ “quyết liệt” sang “tính bền bỉ” khi cần thiết: Khi lãi suất đã ở mức cao, ECB sẽ ưu tiên duy trì chính sách chặt chẽ trong thời gian dài, thay vì tiếp tục tăng lãi suất mạnh - nhằm hạn chế chi phí kinh tế và tài chính. Đây là sự mở rộng tư duy chính sách sang chu kỳ thắt chặt, trong khi trước đây “tính bền bỉ” chủ yếu được thảo luận ở chu kỳ nới lỏng.
Sáu là, không thay đổi các trụ cột cốt lõi nhưng cập nhật cách thực thi: ECB giữ nguyên mục tiêu lạm phát 2% trong trung hạn và định hướng chính sách linh hoạt. Tuy nhiên, việc thực thi giờ đây sẽ gắn chặt hơn với rủi ro và độ không chắc chắn, bằng kết hợp linh hoạt giữa các công cụ, cường độ và thời gian hiệu lực.
Bảy là, nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách trong môi trường biến động: ECB nhìn nhận lại vai trò của truyền thông và minh bạch, cho rằng việc công bố nhiều kịch bản hơn sẽ giúp hạn chế “ảo tưởng chắc chắn” trong kỳ vọng của thị trường và công chúng. Truyền thông sẽ cần phản ánh rủi ro hai chiều và không chỉ dựa vào kịch bản trung tâm.
Tám là, khẳng định vai trò của chiến lược tiền tệ hiện tại là vững chắc nhưng cần linh hoạt hơn: Chiến lược không cần “cách mạng hóa” mà cần tiến hóa và thích ứng, từ kinh nghiệm thực tiễn như đại dịch, khủng hoảng năng lượng, và biến động địa chính trị.
Có thể nói, ECB đang chuyển đổi từ cách tiếp cận đơn tuyến – trung bình – sang mô hình linh hoạt, đối xứng và phản ứng với phân bố rủi ro. Trong môi trường nhiều bất định và cú sốc cung thường xuyên, ECB lựa chọn chiến lược tiền tệ không chỉ ổn định về mục tiêu mà còn linh hoạt trong công cụ và thích ứng nhanh với thực tiễn.
Phạm Chinh (Nguồn: Reuters, ECB)