Quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhằm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ (ổn định giá trị đồng tiền), tỷ giá và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Luật NHNN và Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010, Pháp lệnh ngoại hối năm 2005, Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh ngoại hối; Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của NHNN Việt nam; Nghị định số 24/2012/NĐCP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
1. Chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá và tổ chức, quản lý thị trường ngoại tệ
Theo quy định tại Luật NHNN năm 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. NHNN công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá. Tổ chức và phát triển thị trường ngoại tệ; Tổ chức, quản lý, tham gia thị trường ngoại tệ liên ngân hàng.
Cơ chế điều hành tỷ giá, thực hiện can thiệp và điều tiết thị trường ngoại tệ phải đảm bảo thực hiện được các mục tiêu của chính sách tỷ giá trong từng giai đoạn, thời kỳ khác nhau, phù hợp với các mục tiêu vĩ mô của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, khuyến khích xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán và ổn định thị trường ngoại hối.
2. Quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Theo quy định tại Luật NHNN năm 2010 và Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhiệm vụ của NHNN về quản lý hoạt động kinh doanh vàng như sau:
2.1. Xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch về phát triển thị trường vàng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quy định của pháp luật;
2.2. Thực hiện các biện pháp và công cụ cần thiết theo quy định của pháp luật và phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ để bình ổn thị trường vàng. Thực hiện quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định của pháp luật nhằm duy trì sự phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu;
2.3. Cấp, thu hồi giấy phép và giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động kinh doanh, sản xuất vàng theo quy định của pháp luật; bao gồm:
2.4. Thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và hoạt động kinh doanh vàng khác.
3. Quản lý ngoại hối đối với các giao dịch vãng lai và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam
3.1. Quản lý ngoại hối về thanh toán chuyển tiền trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, hoạt động chuyển tiền cá nhân vào trong nước và chuyển tiền cá nhân từ trong nước ra nước ngoài;
3.2. Quản lý sử dụng ngoại tệ trong nước liên quan đến thanh toán, niêm yết giá, quảng cáo, báo giá hàng hóa và dịch vụ trong nước bằng ngoại tệ, mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ trong nước;
3.3. Quản lý hoạt động thanh toán, sử dụng ngoại tệ tại khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu và các khu kinh tế đặc biệt khác;
3.4. Quản lý việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài của tổ chức kinh tế (để thực hiện giao dịch vãng lai), hoạt động xuất nhập khẩu ngoại tệ.
3.5. Quản lý hoạt động kinh doanh ngoại hối và cung ứng dịch vụ ngoại hối của các TCTD được phép.
4. Quản lý ngoại hối đối với các giao dịch vốn
Công tác quản lý nhà nước về ngoại hối đối với giao dịch vốn bao gồm, quản lý hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của các TCTD và tổ chức kinh tế, hoạt động cho vay và thu hồi nợ nước ngoài, quản lý ngoại hối đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và của Việt Nam ra nước ngoài.
4.1. Quản lý vay, trả nợ nước ngoài
Thực hiện quản lý hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú là doanh nghiệp, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các đối tượng khác được thực hiện vay, trả nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật:
4.2. Về quản lý cho vay và thu hồi nợ nước ngoài của Chính phủ, tổ chức kinh tế, TCTD
Thực hiện quản lý và hướng dẫn thực hiện về quản lý ngoại hối đối với hoạt động cho vay, thu hồi nợ nước ngoài và hoạt động bảo lãnh cho người không cư trú của TCTD và tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật.
4.3. Quản lý ngoại hối đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài
Hướng dẫn về ngoại hối đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài theo quy định của pháp luật.
5. Các nhiệm vụ quyền hạn khác về quản lý ngoại hối