Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tạm thời dừng chuỗi điều chỉnh lãi suất sau bảy lần liên tiếp, trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài như quan hệ thương mại quốc tế và môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu tiếp tục tạo ra những ẩn số cần theo dõi. Đây được xem là bước đi mang tính chờ đợi nhằm duy trì ổn định trong giai đoạn chuyển tiếp.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Chiến lược tạm dừng: Sự thận trọng trong thời điểm chuyển tiếp
ECB được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất, tạm dừng chuỗi bảy lần cắt giảm liên tiếp trong một năm qua để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế. Động thái này phản ánh sự thận trọng trong bối cảnh các tín hiệu từ nền kinh tế thế giới đang có những chuyển biến chưa rõ ràng.
Từ mức 4%, lãi suất điều hành đã được hạ xuống còn 2% chỉ trong vòng 12 tháng. Nhờ đó, áp lực giá cả đã phần nào được kiểm soát sau giai đoạn bất ổn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như các tác động của căng thẳng địa chính trị leo thang trên toàn cầu. Hiện nay, với lạm phát hiện đã tiệm cận mục tiêu 2% và được kỳ vọng sẽ duy trì, các nhà hoạch định chính sách Khu vực đồng Euro đang chọn phương án quan sát, giữ nguyên chính sách và theo dõi sát diễn biến thị trường để có thêm dữ liệu trước khi đưa ra bước đi tiếp theo.
Trong bối cảnh đó, ông Christophe Boucher, Giám đốc đầu tư ABN AMRO Investment Solutions nhận định: “ECB đang được kỳ vọng giữ nguyên chính sách trong tuần này, bởi chưa có dấu hiệu nào cho thấy một thỏa thuận thương mại rõ ràng giữa Mỹ và các đối tác quốc tế”.
Linh hoạt trong điều hành và thích ứng với yếu tố bên ngoài
Mối quan hệ kinh tế giữa các khu vực lớn trên thế giới vẫn đang trong quá trình điều chỉnh và đàm phán. Sự linh hoạt trong chính sách là điều cần thiết để thích ứng với những thay đổi khó dự đoán từ bên ngoài. Những kịch bản được tính toán kỹ lưỡng đang giúp ECB xây dựng các phương án ứng phó phù hợp với nhiều tình huống khác nhau.
Theo một số nhà quan sát, các cuộc trao đổi giữa châu Âu và các đối tác quốc tế đang dần tạo ra những định hướng tích cực hơn. Dù chưa có kết quả cụ thể, triển vọng ổn định hơn đang hình thành, giúp giảm bớt áp lực đối với các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ.
Ông Henry Cook, chuyên gia kinh tế khu vực châu Âu tại MUFG, cho biết: “Ngay cả khi các điều kiện quốc tế ổn định hơn, ECB vẫn còn dư địa để điều chỉnh nếu cần thiết, trong trường hợp các yếu tố vĩ mô diễn biến ngoài kỳ vọng”.
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư hiện kỳ vọng ECB có thể thực hiện thêm một lần điều chỉnh lãi suất vào cuối năm, nhiều khả năng rơi vào tháng 12/2025.
Hiện nay, nền kinh tế Khu vực đồng Euro đang cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Trong khi niềm tin doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức tích cực, một số doanh nghiệp cũng bắt đầu điều chỉnh kế hoạch do tác động của thuế quan và thay đổi trong môi trường thương mại quốc tế.
Các chuyên gia tại Deutsche Bank nhận định: “Một số rủi ro bên ngoài có thể tạo áp lực nhất định lên triển vọng tăng trưởng, đặc biệt nếu chúng ảnh hưởng tới thị trường lao động hoặc khả năng tiêu dùng cũng như chi tiêu gia đình”.
Cân bằng mục tiêu trong môi trường biến động
Thêm vào đó, sự thay đổi trong môi trường đầu tư quốc tế cũng khiến dòng vốn có xu hướng dịch chuyển về Khu vực đồng Euro. Nhu cầu tín dụng trong khu vực đang ghi nhận xu hướng tăng, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp tục được duy trì.
Trên thị trường tài chính, giới đầu tư đã dần thích nghi với những biến động thương mại cũng như những điều chỉnh chính sách gần đây, cho thấy tâm lý ổn định trở lại sau giai đoạn biến động ngắn. Các chỉ số chứng khoán châu Âu hiện tiệm cận những mức cao mới, phần nào được thúc đẩy bởi định hướng chi tiêu mới một số nền kinh tế chủ chốt như Đức. Cùng với đó, đồng Euro đã nhận được lực đẩy tích cực, vươn lên mức cao nhất so với đồng USD kể từ tháng 9/2021, chạm mốc 1,1829 USD vào đầu tháng 7.
Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá cũng tạo ra những cân nhắc nhất định, khiến một số nhà hoạch định chính sách lo ngại, bởi nó có thể làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu châu Âu và tạo áp lực giảm lên lạm phát.
Trong bối cảnh này, bà Isabel Schnabel, thành viên Hội đồng ECB, gần đây nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương cần bám sát và đánh giá khách quan biến động của giá cả liên quan đến các yếu tố bên ngoài, và cho rằng bất kỳ quyết định chính sách mới nào cũng sẽ cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở dữ liệu rõ rang, có đủ căn cứ và điều kiện phù hợp.
Đồng quan điểm, ông Julien Lafargue, chiến lược gia trưởng tại Barclays Private Bank, nhận định: “Chúng tôi kỳ vọng bà Christine Lagarde sẽ truyền tải một thông điệp tích cực và trấn an, khẳng định rằng ECB luôn sẵn sàng hành động khi cần thiết để đảm bảo ổn định giá cả, dù không trực tiếp nhắm tới mục tiêu tỷ giá hối đoái”.
HY (Theo Reuters)