Theo Báo cáo GoldMid-Year Outlook 2025 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố ngày 15/7/2025, hiện có 19 trong số 36 ngân hàng trung ương được khảo sát đang mua vàng trực tiếp từ các mỏ nhỏ và mỏ thủ công trong nước, bằng đồng nội tệ. Ngoài ra, 4 ngân hàng khác đang cân nhắc triển khai phương án này.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Giá vàng thế giới tăng cao đang thúc đẩy các ngân hàng trung ương gia tăng tích trữ kim loại quý nhằm bảo vệ giá trị đồng nội tệ và củng cố dự trữ quốc gia. Khảo sát của WGC với 73 ngân hàng trung ương cho thấy khoảng 95% tin rằng các nước sẽ tiếp tục gia tăng nắm giữ vàng trong năm tới. Trong đó, nguồn vàng nội địa đang được xem là lựa chọn chiến lược để đạt mục tiêu này.
Thay vì chọn nhập khẩu, vốn tiêu tốn lượng lớn ngoại tệ, nhiều nước đang chuyển hướng sang mua vàng trực tiếp từ các mỏ nội địa. Các chuyên gia WGC cho rằng, cách tiếp cận này vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối, giúp tăng dự trữ quốc gia mà không phải chi ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ ngành khai thác vàng nội địa phát triển. Ngoài ra, tạo công ăn việc làm trong nước và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Theo báo cáo của WGC, mặc dù các quốc gia như Philippines và Ecuador đã thực hiện điều này trong nhiều năm, nhưng ngày càng nhiều ngân hàng trung ương khác đã bắt đầu tăng cường hoặc đang xem xét việc mua vàng trực tiếp tại thị trường địa phương. Số ngân hàng trung ương được khảo sát đang mua vàng trực tiếp từ các mỏ trong nước tăng đáng kể so với năm ngoái (số ngân hàng trung ương được khảo sát năm 2024 áp dụng hình thức mua vàng nội địa chỉ là 14/57).
Giám đốc toàn cầu phụ trách mảng ngân hàng trung ương tại WGC, ông Shaokai Fan cho biết: “Chúng tôi đang thấy xu hướng ngày càng rõ rệt tại các quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh, nơi các mỏ vàng quy mô nhỏ phát triển mạnh nhờ giá vàng cao và ngân hàng trung ương tận dụng nguồn cung này để tích trữ. Các ngân hàng trung ương của Colombia, Tanzania, Ghana, Zambia, Mông Cổ và Philippines hiện đang sử dụng nguồn vàng từ mỏ nội địa để xây dựng dự trữ quốc gia”.
Riêng tại Ghana, Cơ quan Quản lý Vàng Quốc gia đã ký kết thỏa thuận với nhiều doanh nghiệp khai thác, yêu cầu bán 20% sản lượng cho ngân hàng trung ương. Tương tự, từ tháng 9/2024, Chính phủ Tanzania cũng ban hành quy định bắt buộc các công ty khai thác và xuất khẩu vàng phải giữ lại ít nhất 20% sản lượng để bán cho ngân hàng trung ương nước này.
WGC dự đoán giá vàng thế giới có thể tiếp tục dao động trong biên độ hiện tại trong nửa cuối năm 2025, song vẫn không loại trừ khả năng giá vàng tăng thêm 5% nếu tình hình kinh tế vĩ mô giữ nguyên như hiện nay. Nếu kịch bản này xảy ra, đến cuối năm 2025, giá vàng có thể tăng tổng cộng tới 30% so với năm 2024.
Trong bối cảnh nợ công tăng, rủi ro địa chính trị và thương mại hiện hữu, việc đa dạng hóa và gia cố các lớp dự trữ đang trở thành ưu tiên của nhiều ngân hàng trung ương. Chính sách gia tăng mua vàng từ các mỏ vàng trong nước giúp đảm bảo nguồn vàng ổn định cho dự trữ quốc gia, đồng thời kiểm soát dòng chảy vàng ra thị trường quốc tế.
Minh Anh (Theo WGC)