Phát biểu kết luận tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, ngày 9/7, tại Hà Nội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Ngành Ngân hàng nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và bảo đảm an toàn hệ thống, nhưng với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn và hành động quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm là để tập trung trao đổi, xác định những việc cần phải triển khai để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của toàn ngành Ngân hàng trong năm 2025. Đặc biệt là trong bối cảnh năm 2025, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8%, tạo đà tăng trưởng cao vào những năm tiếp theo. “Bối cảnh thì khó khăn nhưng mục tiêu đòi hỏi chúng ta phải chủ động, bứt phá đặt ra nhiều thách thức cho NHNN trong điều hành và cả hoạt động của các TCTD”, Thống đốc nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, đại diện các NHNN chi nhánh khu vực và các ngân hàng thương mại đã trình bày các báo cáo về thực tiễn hoạt động, đóng góp ý kiến từ thực tiễn triển khai tại cơ sở, đặc biệt là sau thời điểm cả nước đã tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Nhiều ý kiến tập trung về tình hình triển khai hoạt động tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Võ Minh Tuấn – Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 2 cho biết, việc sáp nhập và tổ chức lại bộ máy đã được triển khai đồng bộ, đúng tiến độ, đảm bảo hoạt động thông suốt ngay từ ngày 1/7/2025. NHNN Khu vực 2 đã chủ động chuẩn bị các điều kiện làm việc, hỗ trợ cán bộ công chức sau sáp nhập và duy trì tốt mọi hoạt động chuyên môn, giám sát thị trường tiền tệ - tín dụng trên toàn địa bàn.
Toàn ngành Ngân hàng nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và bảo đảm an toàn hệ thống
Sau sáp nhập, NHNN Khu vực 2 trở thành đơn vị có quy mô lớn nhất toàn hệ thống về địa bàn quản lý, dân số và mạng lưới tổ chức tín dụng. Các hoạt động ngân hàng địa phương cơ bản được duy trì ổn định, hệ thống an toàn, tiếp tục hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế khu vực.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhìn nhận nhiều thách thức mới đặt ra, nhất là yêu cầu tăng cường năng lực giám sát, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên diện rộng. Đại diện NHNN Khu vực 2 mong muốn NHNN Việt Nam tiếp tục hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp các công cụ quản lý và hỗ trợ chuyên môn, để NHNN Khu vực 2 hoàn thành tốt vai trò đầu tàu trong công tác điều hành, giám sát tiền tệ tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trình bày báo cáo, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank thông tin, 6 tháng đầu năm, ngân hàng đạt dư nợ tín dụng 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2024, với chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Vietcombank tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, các ngành ưu tiên, tài trợ nhiều dự án lớn, thúc đẩy tín dụng xanh, xuất khẩu và khách hàng FDI. Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tối thiểu 16,5% đến năm 2025 để góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 8% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, ngân hàng triển khai hàng loạt chương trình tín dụng ưu đãi, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp và thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm mở rộng tiếp cận khách hàng, tiết giảm chi phí và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank phát biểu tại Hội nghị
Trong khi đó, ông Phan Đức Tú – Chủ tịch HĐQT BIDV nhận định, hệ thống các TCTD triển khai hiệu quả “Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021–2025”, đặc biệt trong xử lý nợ xấu, duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,5–2%. Chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN, cùng các gói tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã thực sự phát huy hiệu quả. Khung pháp lý được hoàn thiện với sự ra đời của một loạt các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Nghị định số 94/2025/NĐ-CP…
Các TCTD đã nâng cấp quản trị theo tiêu chuẩn OECD, đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy tín dụng xanh... Riêng BIDV, sau 4 năm thực hiện Chiến lược đến 2025 (định hướng 2030), đã tăng trưởng mạnh về quy mô, chất lượng tài sản và hiệu quả hoạt động. Các chỉ tiêu an toàn như CAR, LDR đều đạt kế hoạch và cải thiện đáng kể. Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú đề xuất các cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển cân bằng giữa thị trường tài chính - vốn, tăng vốn điều lệ cho các TCTD và xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo rủi ro, ứng phó khủng hoảng, đồng thời cá thể hóa phương án tái cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Phan Đức Tú – Chủ tịch HĐQT BIDV phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, để góp phần cùng cả hệ thống chính trị hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và cả giai đoạn 2021–2025, NHNN tiếp tục kiên định quan điểm điều hành đã đề ra ngay từ đầu năm tại Chỉ thị 01/CT-NHNN. Theo đó, ngành Ngân hàng nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và bảo đảm an toàn hệ thống, nhưng với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn và hành động quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện.
Thời gian tới, ngành Ngân hàng cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, tập trung thể chế hóa, cụ thể hóa và triển khai quyết liệt, hiệu quả các nội dung trong “Bộ tứ chiến lược” của Bộ Chính trị, gắn với các chương trình hành động của Chính phủ và các chiến lược do NHNN chủ trì thực hiện.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, trong nước và nâng cao chất lượng dự báo để có các chính sách, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, thích ứng kịp thời với tình hình mới, góp phần hoàn thành các mục tiêu chính sách tiền tệ đề ra.
Thống đốc nhấn mạnh, nhiệm vụ tiếp tục điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Các đơn vị trong NHNN cũng cần tích cực rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động quản lý, điều hành và kinh doanh ngân hàng. Quyết liệt triển khai công tác cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hệ số tín nhiệm và niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách, hoạt động ngân hàng.
Với NHNN chi nhánh tại các khu vực, Thống đốc yêu cầu cần quyết liệt chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và NHNN về hoạt động tiền tệ, ngân hàng, đồng thời cũng lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc của các TCTD.
Đối với tín dụng, Thống đốc khẳng định, ngành Ngân hàng rất có trách nhiệm trong việc triển khai chính sách như tín dụng thuỷ sản, nông sản, gói 500 nghìn tỷ đồng đối với lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng… NHNN đánh giá cao và ghi nhận tinh thần trách nhiệm của các TCTD, khi các gói vay này chủ yếu là vốn trung, dài hạn trong khi vốn của TCTD là vốn ngắn hạn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Thống đốc đề nghị các TCTD cần chủ động đánh giá, phân tích để bảo đảm tín dụng tăng đúng hướng, thực chất và hiệu quả, thực sự phục vụ mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời không tạo áp lực lên lạm phát đồng thời phải đảm bảo an toàn hệ thống trong thời gian tới. “Các TCTD phải cân đối hợp lý giữa nguồn vốn huy động với tín dụng, bảo đảm thanh khoản và kiểm soát tốt các loại rủi ro”, Thống đốc nhấn mạnh.
Thời gian tới, Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế và các động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, đảm bảo an toàn trong hoạt động.
Bên cạnh đó, các TCTD cần triển khai quyết liệt, hiệu quả và phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra trong Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, tập trung triển khai các phương án xử lý/cơ cấu lại các TCTD yếu kém, kiểm soát đặc biệt đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là các phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Lãnh đạo NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả chuyển đổi số, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt và bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới nhằm tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; đồng thời tăng cường giám sát các hệ thống thông tin quan trọng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vấn đề, rủi ro phát sinh, qua đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp cùng NHNN để triển khai phong trào bình dân học vụ số trong ngành Ngân hàng.
Trong công tác truyền thông, Thống đốc yêu cầu các đơn vị đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường truyền thông chính sách, nhất là về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của NHNN. “Các đơn vị vụ, cục của NHNN phải là đầu vào cho truyền thông, các TCTD cũng cần đẩy mạnh truyền thông, thông tin tới người dân, doanh nghiệp. Bởi lẽ, bất cứ chủ trương, chính sách nào mà người dân, doanh nghiệp không hiểu thì cũng không đạt hiệu quả”, Thống đốc nhấn mạnh.
Hồng Quang; Ảnh: Hoàng Giáp