Sau hơn một tuần triển khai hoạt động thu phí tự động không dừng (ETC) trên các tuyến đường cao tốc, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến đầu tuần này đã có hơn 3,5 triệu phương tiện trên cả nước được dán thẻ đầu cuối, tăng gần 1,2 triệu phương tiện so với thời điểm cuối năm 2021. Hệ thống thu phí tự động tại các trạm cơ bản ổn định, không phát sinh các tình huống phức tạp.
Ngân hàng hỗ trợ thu phí không dừng
Thạch Bình
Nhiều hình thức nạp tiền chủ động
Sau hơn một tuần triển khai hoạt động thu phí tự động không dừng (ETC) trên các tuyến đường cao tốc, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến đầu tuần này đã có hơn 3,5 triệu phương tiện trên cả nước được dán thẻ đầu cuối, tăng gần 1,2 triệu phương tiện so với thời điểm cuối năm 2021. Hệ thống thu phí tự động tại các trạm cơ bản ổn định, không phát sinh các tình huống phức tạp.
Riêng đối với khâu nạp tiền điện tử vào các tài khoản ETC, Tổng cục Đường bộ cho biết, hiện nay có hai đơn vị cung cấp dịch vụ dán thẻ thu phí tự động là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và CTCP Giao thông số Việt Nam VDTC – ePass. Các đơn vị này đều đã liên kết với hệ thống NHTM và các trung gian thanh toán để kết nối tài khoản ETC với tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử của chủ phương tiện giao thông. Các hình thức nạp tiền vào tài khoản ETC của chủ phương tiện cũng ngày càng thuận tiện hơn.
Qua quan sát của phóng viên, hiện tại người dân có rất nhiều kênh để nạp tiền vào tài khoản giao thông, như: nạp tiền trực tiếp tại điểm dịch vụ của VETC, VDTC; nạp trực tiếp trên ứng dụng di động của VETC, ePass (thông qua chuyển khoản ngân hàng), chuyển khoản qua Internet Banking, Mobile Banking đến tài khoản ngân hàng của VETC, VDTC; nạp tiền trực tiếp qua các ví điện tử; nạp tiền qua các ứng dụng Viettel Money, VNPT Money…
Việc các TCTD hỗ trợ người dân nộp tiền vào các tài khoản ETC đều được thực hiện với sự chủ động và khá kịp thời. Nếu người dân chọn lựa các kênh nộp tiền trực tiếp cho VETC, VDTC hoặc nộp thông qua tài khoản BIDV, các ứng dụng Viettel Money, VNPT Money thì sẽ được miễn phí giao dịch. Trong khi đó, nếu nạp tiền bằng các kênh ví điện tử, chuyển khoản thẻ ghi nợ nội địa thì phải trả phí.
Các ngân hàng BIDV, Vietcombank, Agribank, MB đều đã liên kết với VETC, VDTC nhằm liên thông ứng dụng tài khoản ETC giúp khách hàng chủ động nạp tiền và quản lý tài khoản giao thông. Vietcombank thậm chí đã thiết kế tính năng nạp tiền tự động (auto topup) trên ứng dụng VCB Digibank, giúp tài khoản ETC của khách hàng có thể tự động nạp tiền khi số dư chỉ còn một mức tối thiểu nhất định (do khách hàng tạo lập). Từ đó, giúp chủ phương tiện luôn có đủ tiền thanh toán phí ETC khi tham gia giao thông trên các cao tốc.
Chuẩn bị cho phương án thu phí trả sau
Theo ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau thời gian triển khai đồng loạt thu phí tự động ETC, Bộ Giao thông - Vận tải hiện đã bỏ quy định bắt buộc chủ phương tiện giao thông phải duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản ETC do quy định này không được người dân đồng thuận.
VETC và VDTC đều khẳng định rằng việc nạp tiền vào các tài khoản giao thông để trả phí ETC, các đơn vị này đều không thu bất cứ khoản phí nào. Đồng thời bản chất các tài khoản VETC và ePass chỉ là “tài khoản giao thông” theo quy định cụ thể tại Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế chủ phương tiện phải nạp tiền vào và VETC, VDTC không thể trả lãi cho số dư trên tài khoản.
Để tạo thuận lợi cho người dân, ông Hồ Trọng Vinh - Phó Tổng Giám đốc VETC cho biết, hiện đơn vị này đã chủ động hợp tác với bốn ngân hàng để triển khai hình thức tự động chi vào tài khoản giao thông từ các tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện. Trong khi nhiều ngân hàng như Vietcombank, Agribank, MB đều đã tích hợp tính năng tự động nạp tiền trên ứng dụng di động để chủ phương tiện luôn duy trì số dư phù hợp với nhu cầu di chuyển.
Mặc dù vậy, nhiều chủ phương tiện giao thông kiến nghị, khi triển khai rộng khắp hoạt động thu phí không dừng Bộ Giao thông - Vận tải và ngành Ngân hàng cần nghiên cứu, tính toán phương án tạo thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông. Theo đó, cần xây dựng phương án trừ phí giao thông trước và thanh toán trả sau vào cuối tháng tương tự như mua sắm hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ tín dụng.
Tuy nhiên ông Tô Nam Toàn cho rằng, để làm được việc này cần có lộ trình dài hạn. Bởi hiện nay hệ thống ETC trên cả nước mới đang áp dụng hình thức trả trước và mới chỉ bắt đầu hình thành thói quen thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc. Hiện quy trình thanh toán giữa nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT và ngân hàng phải chấp hành theo các quy định pháp luật về đầu tư BOT. Theo đó, tiền thu được trong ngày phải chuyển tiền cho nhà đầu tư BOT, sau đó nhà đầu tư BOT trả nợ cho ngân hàng. Nếu chuyển sang trả sau thông thường chu kỳ mất 30 ngày mới thanh toán được. “Việc chậm thanh toán này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các hợp đồng cung cấp tín dụng cho dự án”, ông Nam cho biết.
Mặc dù vậy, cũng theo ông Nam, về mặt kỹ thuật, hiện nay hệ thống thu phí không dừng đã đáp ứng được cho việc trả sau. Vì thế, trong thời gian tới Tổng cục Đường bộ sẽ phối hợp rà soát lại hành lang pháp lý cho thanh toán trả sau. Tích hợp các phương án kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an để quản lý quá trình thanh toán của chủ phương tiện. Tuy nhiên, “việc này cũng cần có quy định pháp lý thống nhất, đặc biệt là phải phân tích rất nhiều tình huống xử lý như xe không chính chủ, phương thức thu hồi nợ, phát sinh nợ xấu và vấn đề đánh tín chấp của người sử dụng”, ông Nam nói thêm.