Nghiên cứu thực nghiệm khảo sát tổng cộng 240 công ty Fintech được chọn lọc kỹ lưỡng trong sáu lĩnh vực kinh doanh Fintech hướng đến khách hàng bán lẻ (cho vay số, huy động vốn số, thanh toán số, ngân hàng và tiết kiệm số, Insurtech và Wealthtech) tại sáu khu vực địa lý (châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Mỹ Latinh và Caribe, Trung Đông và Bắc Phi, Mỹ và Canada và khu vực Hạ Sahara châu Phi).
Những kết quả nổi bật
Ngành Fintech toàn cầu vẫn duy trì sức mạnh trong quá trình chuyển đổi sang giai đoạn tăng trưởng bền vững hơn. Ngành vẫn duy trì các chỉ số hiệu quả tích cực, mặc dù ở mức độ vừa phải hơn so với giai đoạn bùng nổ do đại dịch Covid-19. Mức tăng trưởng trung bình của khách hàng giai đoạn 2022 - 2023 đạt 37%, giảm so với mức 55% trong giai đoạn 2020 - 2021, phản ánh sự điều chỉnh tự nhiên của thị trường khi ngành tăng trưởng và vượt qua giai đoạn thúc đẩy số hóa bởi đại dịch. Điều đáng khích lệ là doanh thu vẫn tăng mạnh ở mức 40%, trong khi lợi nhuận cũng ghi nhận mức tăng 39%.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Các yếu tố kinh tế vĩ mô vẫn là thách thức chính đối với tăng trưởng của Fintech, dù đã có dấu hiệu cải thiện. Cụ thể, 18% số Fintech được khảo sát cho rằng các yếu tố này không hỗ trợ tăng trưởng, trong khi 37% đánh giá chúng không có tác động rõ ràng. Trước đó, con số này lên tới 56%, cho thấy mức độ cản trở từng cao hơn đáng kể. Tương tự, đánh giá về môi trường huy động vốn cũng đã khả quan hơn, với 31% Fintech giữ quan điểm trung lập và chỉ 12% xem đây là rào cản, giảm mạnh so với mức 40% trong khảo sát trước.
Tài chính toàn diện vẫn là trọng tâm trong các giá trị cốt lõi của Fintech, với tỷ lệ đáng kể khách hàng đến từ các nhóm truyền thống ít được phục vụ. Theo các công ty Fintech, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chiếm 57% tổng số khách hàng, người có thu nhập thấp chiếm 47%, và phụ nữ chiếm 41%. Những nhóm khách hàng này cũng mang lại nguồn doanh thu đáng kể, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (EMDEs), cho thấy tài chính toàn diện không chỉ mang tính xã hội mà còn có thể góp phần thúc đẩy lợi nhuận.
Quan hệ đối tác giữ vai trò then chốt trong chiến lược của các công ty Fintech. Theo khảo sát, có tới 84% Fintech đang hợp tác với các tổ chức tài chính truyền thống, trong đó phổ biến nhất là tích hợp qua API (52%), hợp tác với nhà cung cấp công nghệ (41%) và thiết lập các thỏa thuận tài trợ (36%). Các yếu tố thúc đẩy hợp tác chủ yếu bao gồm: giải pháp và hạ tầng công nghệ (48%), nâng cao độ tin cậy (34%) và đổi mới sản phẩm, dịch vụ (34%).
Các công ty Fintech nhìn chung bày tỏ sự hài lòng với môi trường pháp lý và cách tiếp cận của các cơ quan quản lý. Cụ thể, 62% cho rằng các quy định tại khu vực họ hoạt động là phù hợp, và 35% đánh giá cao tính minh bạch trong định hướng quản lý. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số thách thức đáng chú ý như năng lực và mức độ hiểu biết của cơ quan tài chính, sự phối hợp giữa các cơ quan, cũng như quy trình cấp phép và đăng ký.
Việc ứng dụng công nghệ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Tổng cộng, 80% Fintech đang triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. Dịch vụ khách hàng và tự động hóa quy trình là hai lĩnh vực ứng dụng AI hàng đầu, với 91% Fintech đã hoặc dự định áp dụng AI trong thời gian tới. Việc áp dụng AI rộng rãi đang mang lại tác động tích cực đến hiệu suất, bao gồm cải thiện trải nghiệm khách hàng (83%), giảm chi phí (75%) và tăng lợi nhuận (75%).
Trong bối cảnh ngành liên tục phát triển, các công ty Fintech xác định AI, khả năng tương tác khu vực, ngân hàng mở và tài chính mở là những chủ đề phát triển quan trọng nhất trong 5 năm tới. Cùng với các phát hiện khác, điều này cho thấy sự tập trung chiến lược vào tăng trưởng bền vững, mở rộng xuyên biên giới và tích hợp sâu hơn với hệ sinh thái tài chính truyền thống. Ngành Fintech dường như đang chuyển dịch từ mô hình "phá vỡ thuần tuý" sang "chuyển đổi hợp tác" trong dịch vụ tài chính số.
Nhìn về tương lai
Trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, trí tuệ nhân tạo (AI), khả năng tương tác khu vực và ngân hàng mở/tài chính mở được dự báo sẽ là những động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực Fintech. Những công nghệ này không chỉ làm thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ tài chính, mà còn tái định nghĩa trải nghiệm khách hàng, chia sẻ dữ liệu và hội nhập tài chính xuyên biên giới.
Tương tự như các nghiên cứu trước, AI tiếp tục là vấn đề hàng đầu, với 74% các công ty Fintech đánh giá đây là yếu tố “quan trọng nhất”. Xu hướng này nhất quán trên tất cả các khu vực và phân ngành. Điều này không gây ngạc nhiên, khi công nghệ AI vẫn thu hút sự chú ý mạnh mẽ và liên tục có những bước tiến đột phá gần đây.
Chủ đề có tầm quan trọng cao thứ hai được ghi nhận là khả năng tương tác khu vực, với 53% công ty Fintech đánh giá là “quan trọng nhất” và 37% cho là “quan trọng”. Tiếp theo là tài chính nhúng (embedded finance), với 52% coi đây là chủ đề quan trọng nhất và 39% cho rằng có tầm quan trọng.
Ở cuối bảng xếp hạng, tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC), tài chính xanh và bền vững, công nghệ Blockchain và tài chính phi tập trung (DeFi) vẫn là những chủ đề ít được quan tâm nhất, với tỷ lệ lần lượt là 35%, 30% và 20% (Hình 1).
Hình 1: Nhận định của các công ty Fintech về sự phát triển của Fintech trong 5 năm tới.
Nguồn: World Economic Forum (2025)
Hình 2 cho thấy ba chủ đề có mức độ quan trọng cao nhất theo từng phân ngành, với một số khác biệt đáng chú ý. AI đứng đầu ở hầu hết các phân ngành, ngoại trừ huy động vốn kỹ thuật số, nơi khả năng tương tác khu vực được đánh giá là chủ đề quan trọng nhất.
Tiết kiệm và ngân hàng số, thanh toán số và Insurtech ghi nhận mức độ quan tâm đến AI cao hơn mức trung bình, lần lượt đạt 86%, 81% và 76%.
Tài chính nhúng và ngân hàng mở/tài chính mở nằm trong ba chủ đề quan trọng nhất đối với các phân ngành ngân hàng và tiết kiệm số cũng như cho vay số, phản ánh sự phụ thuộc của những phân ngành này vào tích hợp API và các tính năng nhúng.
Trong khi đó, khả năng tương tác khu vực lại có mức độ liên quan cao hơn đối với các tổ chức huy động vốn số (67%), thanh toán số (78%) và quản lý tài sản số -Wealthtech (57%).
Cuối cùng, tài chính xanh và bền vững là một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất trong lĩnh vực Insurtech (48%), trong khi dữ liệu lớn và giải pháp điện toán đám mây, công nghệ Blockchain và tài chính phi tập trung (DeFi) lần lượt là các chủ đề quan trọng hàng đầu ở nhiều phân ngành khác nhau.
Hình 2: Nhận định của các công ty Fintech về các chủ đề phát triển ngành Fintech trong 5 năm tới.
Nguồn: World Economic Forum (2025)
Sự phát triển của ngân hàng mở/tài chính mở và hạ tầng công nghệ công (DPI) đã trở thành một dấu mốc quan trọng đối với ngành Fintech, tạo ra nhiều cơ hội mới cho đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường và tăng cường cạnh tranh. Để đánh giá tác động của Fintech, khảo sát đã hỏi các doanh nghiệp Fintech về quan điểm của họ đối với việc liệu họ có được hưởng lợi từ các khuôn khổ này hay không.
Như đã nêu trước đó trong Hình 1, 93% các công ty Fintech tham gia khảo sát cho biết ngân hàng mở và tài chính mở là những chủ đề có liên quan đến tương lai của ngành. Theo đó, phần lớn công ty Fintech (67%) cho biết đã hưởng lợi từ các khuôn khổ ngân hàng mở và tài chính mở được triển khai tại thị trường của họ.
Báo cáo Triển vọng ngành Fintech toàn cầu mang lại những hiểu biết thực nghiệm nhằm thu hẹp khoảng trống tri thức và hỗ trợ các bên liên quan trong việc thúc đẩy hệ sinh thái tài chính. Các phát hiện cho thấy ngành Fintech đang dần trưởng thành, vượt qua giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ do đại dịch Covid-19 thúc đẩy và chuyển hướng sang tăng trưởng bền vững và bao trùm hơn.
Mặc dù tốc độ thu hút khách hàng mới có phần chậm lại, các công ty Fintech vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận, điều đó cho thấy nền tảng kinh doanh vững chắc và vai trò ngày càng thiết yếu trong bức tranh toàn cảnh dịch vụ tài chính. Đồng thời, việc chú trọng hơn đến các nhóm dân số ít được phục vụ, đặc biệt tại những thị trường mới nổi, càng củng cố vai trò trung tâm của Fintech trong việc mở rộng tiếp cận tài chính toàn cầu.
Nhìn về tương lai, các ưu tiên như ứng dụng AI, tăng cường khả năng tương tác trong khu vực, mở rộng hợp tác với các định chế tài chính truyền thống, cùng với cải thiện nhận thức về quy định và sự ổn định dần của môi trường huy động vốn đều là những tín hiệu tích cực cho một hệ thống tài chính ngày càng hội nhập và vững mạnh.
Lê Minh