Nhiều định mức chi phí tái chế (Fs) ở mức rất cao bất hợp lý, chưa có cơ chế khuyến khích sử dụng các loại nguyên, vật liệu thân thiện với môi trường; doanh nghiệp phải bỏ chi phí quản lý hành chính quá lớn trong lúc phải "chắt chiu" từng đồng vốn phục hồi sản xuất… là những khó khăn khiến doanh nghiệp thêm lo khi thực hiện quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) đối với tái chế, xử lý chất thải.
Bài toán khó cho doanh nghiệp
Khánh Tiên
Nhiều định mức chi phí tái chế (Fs) ở mức rất cao bất hợp lý, chưa có cơ chế khuyến khích sử dụng các loại nguyên, vật liệu thân thiện với môi trường; doanh nghiệp phải bỏ chi phí quản lý hành chính quá lớn trong lúc phải "chắt chiu" từng đồng vốn phục hồi sản xuất… là những khó khăn khiến doanh nghiệp thêm lo khi thực hiện quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) đối với tái chế, xử lý chất thải.
Nhiều Fs ở mức rất cao bất hợp lý
Trên lộ trình hướng tới giảm thiểu rác thải nhựa xả ra môi trường, tiến tới đưa phát thải nhựa ở Việt Nam về 0, doanh nghiệp không chỉ có trách nhiệm với sản phẩm được bán trên thị trường, mà còn phải có trách nhiệm thu hồi, xử lý, tái chế theo tỷ lệ nhất định được pháp luật quy định. Chính vì vậy, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã thể chế hóa đầy đủ và rõ ràng trách nhiệm EPR trong việc thu hồi và tái chế các sản phẩm và bao bì có giá trị tái chế.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong việc thực hiện EPR là điểm rất tiến bộ trong Luật Bảo vệ Môi trường. Tuy vậy, nếu định mức Fs không phù hợp thì EPR khó có thể được triển khai.
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng nhận xét, khó khăn chính trong quá trình xây dựng dự thảo về định mức Fs nằm ở khâu tính toán.
Hiện, chi phí Fs đang ở mức rất cao bất hợp lý và là một trong số những nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện quy định. Cụ thể bà Phan Thị Bích Hạnh, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, Fs đề xuất cho bao bì giấy hỗn hợp đang cao hơn 4,3 lần; nhôm cao gấp 4,9 lần Fs trung bình của các nước khác. Định mức tái chế rất cao này sẽ dẫn đến việc giá cả hàng hóa tăng cao bất hợp lý, gây khó khăn cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Cùng chung nhận định này, bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) phân tích, định mức chi phí tái chế Fs hiện nay đang còn nhiều bất cập, các nghiên cứu tham vấn FS đang có kết quả khác nhau, độ tin cậy chưa cao và chưa phù hợp với thực tế ở Việt Nam, cụ thể: Fs cho bao bì nhôm là 6.180 đồng/kg, cao hơn so với trung bình các nước là 1.250 đồng/kg. Định mức tái chế rất cao dẫn đến nguy cơ giá sản xuất và tiêu dùng tăng cao, gây khó khăn và ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp, không phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống nhân dân.
Ngoài ra, EPR là một chính sách rất mới, đa số các nước Châu Á còn chưa áp dụng bắt buộc, việc thực thi cho hàng ngàn loại bao bì, sản phẩm là rất phức tạp. Nếu áp dụng ngay việc xử phạt với mức phạt rất cao sẽ rất khó khăn và bất cập cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp chưa được hướng dẫn đầy đủ về quy định mới.
Đặc biệt, nhiều loại bao bì, sản phẩm hiện chưa có giải pháp tái chế hiệu quả, ví dụ bao bì giấy hỗn hợp, pin lithium... Các doanh nghiệp vẫn đang tìm giải pháp tái chế phù hợp, quá trình này có thể mất nhiều thời gian để thử nghiệm, và trong khi thử nghiệm, chưa thể xác định được số lượng được tái chế.
Đối với việc doanh nghiệp phải nộp tạm ứng một khoản đóng góp lớn (ước tính lên tới nhiều ngàn tỷ đồng) vào Quỹ bảo vệ môi trường từ đầu năm 2024 theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho các sản phẩm dự kiến sản xuất, nhập khẩu của năm 2024 (tức là phần lớn chúng còn chưa đưa ra thị trường), mà số tiền này sẽ nằm trong quỹ đến tận cuối năm 2025 mới được giải ngân trong khi nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn trong sản xuất - kinh doanh là “khó chồng khó”.
Trước đó, đại diện một số doanh nghiệp cũng phản ánh, để đảm bảo tái chế, xử lý rác thải nhựa nhằm ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường, các doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn. Chi phí tái chế cao tạo ra gánh nặng tài chính, khiến việc thúc đẩy mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất với các sản phẩm nhựa gặp nhiều khó khăn. Đầu tư cho tái chế, nhiều khi doanh nghiệp còn lỗ vốn.
Cần có lộ trình áp dụng phù hợp
Liên quan đến định mức Fs, đại diện AmCham kiến nghị, đối với các vật liệu có giá trị tái chế thu hồi được lớn hơn chi phí tái chế như bao bì nhôm, sắt thép, giấy carton, bao bì nhựa cứng, phương tiện giao thông… nhà tái chế đã có lãi thì cần điều chỉnh hệ số điều chỉnh của Fs bằng 0; với các vật liệu có giá trị thu hồi thấp như bao bì nilon, bao bì giấy hỗn hợp: rất cần đóng góp để hỗ trợ cho nhà tái chế, nhưng giá trị Fs cần hợp lý, không cao hơn so với mức trung bình của thế giới. Đồng thời, bỏ chi phí quản lý hành chính 3% khỏi đề xuất Fs, vì 3% là số tiền rất lớn, lên tới nhiều trăm tỷ, trong khi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi phí quản lý hành chính lấy từ tiền lãi ngân hàng, theo ước tính cũng lên tới nhiều trăm tỷ đồng, hoàn toàn đủ cho hoạt động của Hội đồng EPR và Văn phòng EPR.
Là một trong số ít các doanh nghiệp tái chế rác điện tử, bà Nguyễn Vui, Quản lý Dự án phát triển tái chế Công ty TNHH Công Nghiệp Phú Thái (Tập đoàn Phú Thái) đề xuất, cần cân nhắc giá trị của sản phẩm ẩn trong giá thu mua trên thị trường trong Fs của sản phẩm có giá trị cao như điện thoại di động, laptop...; cân nhắc tính Fs theo đơn vị sản phẩm cho một số loại sản phẩm có khối lượng nhỏ; Fs cần có thêm yếu tố điều chỉnh khác có lộ trình tăng theo định kỳ để thúc đẩy tự tổ chức tái chế.
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, khi áp dụng các quy định mới nên hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp thành phẩm và các doanh nghiệp tái chế. Không nên chỉ vì tập trung cho các doanh nghiệp tái chế mà lại ảnh hưởng đến cả cộng đồng doanh nghiệp lớn đang có nhiều đóng góp cho đất nước.
Trước những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia cũng cho biết sẽ xem xét giảm chi phí quản lý hành chính; sẽ điều chỉnh lại hệ số trong cách tính Fs tương ứng với các mức độ hiệu quả khác nhau của hoạt động tái chế hiện nay để phản ánh sát và hợp lý hơn…