BÁO CÁO TÓM TẮT
HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM
VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP 6 THÁNG CUỐI NĂM 2025
I. Bối cảnh điều hành 6 tháng đầu năm 2025
Trong 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và chịu tác động đa chiều từ các sách thuế quan của Mỹ và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Lạm phát mặc dù hạ nhiệt về mức mục tiêu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại; Rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính – tiền tệ và thị trường hàng hoá toàn cầu là rất lớn; Tình trạng phân hóa trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tiếp diễn.
Trong nước, nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52%, tăng cao nhất trong gần 20 năm trở lại đây với tăng trưởng vượt trội ở hầu hết các ngành chủ lực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, bình quân 6 tháng đầu năm 2025 là 3,27%.
Tháng 02/2025, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã thống nhất điều chỉnh bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Cùng với đó, tại các thời điểm từ ngày 01/3/2025 và ngày 01/7/2025, tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị được sắp xếp lại, đánh dấu giai đoạn lịch sử trong tiến trình phát triển đất nước, thể hiện tư duy cải cách hành chính mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước.
Trước bối cảnh đó, bám sát diễn biến, tình hình thế giới và trong nước, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 theo chủ trương của Chính phủ; vừa khẩn trương, quyết liệt hoàn thành việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo đúng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và vẫn đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt.
II. Các giải pháp điều hành và những kết quả nổi bật 6 tháng đầu năm 2025
1. NHNN đã khẩn trương, quyết liệt triển khai việc sắp xếp, tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW đảm bảo đúng tiến độ, đúng quy định.
Ngay từ đầu năm, Ban Cán sự Đảng, Ban Chỉ đạo của NHNN đã tổ chức nhiều phiên họp để thảo luận, thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bên trong của NHNN. Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, NHNN đã thành lập 22 Ban trù bị (07 đơn vị tại Ngân hàng Trung ương và 15 NHNN Khu vực) để chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện tham mưu cho Ban Chỉ đạo của NHNN về sắp xếp nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các đơn vị đi vào hoạt động theo đúng tiến độ, kế hoạch. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong của NHNN đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận:
Giảm mạnh số lượng đầu mối đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của NHNN và số lượng tổ chức bên trong các đơn vị hành chính, cụ thể: cơ cấu tổ chức của NHNN giảm từ 25 đầu mối xuống còn 20 đầu mối (tương đương tỉ lệ giảm là 20%), đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương. Trường hợp tính cả các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thì NHNN giảm 52 đầu mối, tương đương tỷ lệ giảm 60%; giảm 179 phòng tại các đơn vị thuộc NHNN, tương ứng 46%.
Việc sắp xếp nhân sự tại các đơn vị được NHNN thực hiện tuyệt đối tuân thủ theo quy định của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ và bám sát hướng dẫn của Bộ Nội vụ về nguyên tắc sắp xếp.
Với quyết tâm cao và sự chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt của NHNN, qua 02 lần tổ chức sắp xếp với các mốc thời gian ngày 01/3/2025 và ngày 01/7/2025, hệ thống ngân hàng nhà nước tại Trung ương và các Khu vực đã đi vào hoạt động ổn định, nền nếp, không gián đoạn hoạt động. Để có được kết quả đó, NHNN đã có nhiều văn bản hướng dẫn các NHNN Khu vực tiếp nhận và thực hiện tốt các mặt hoạt động, đảm bảo đúng quy định, trong đó đặc biệt là công tác quản trị tài chính, thanh toán, kho quỹ, kiểm kê, bàn giao, chuyển đổi dữ liệu, công tác điều hoà, vận chuyển tiền mặt trong hệ thống và hoạt động giao dịch tiền mặt của NHNN Khu vực với TCTD tiếp tục đảm bảo ổn định, thông suốt, đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền mặt của nền kinh tế.
Cùng với bộ máy mới của NHNN và để phù hợp với việc sắp xếp lại địa bàn hành chính các tỉnh, thành phố và chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 01/7/2025, thời gian qua, nhiều TCTD, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã mạnh dạn đổi mới sắp xếp cơ cấu tổ chức, bộ máy, thu gọn các phòng ban, chi nhánh, các công ty trực thuộc, rà soát nâng cao chất lượng cán bộ, quản trị điều hành trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh tiền tệ, tín dụng.
2. NHNN đã chủ động điều hành các công cụ của CSTT linh hoạt, hiệu quả bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong và ngoài nước và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Trong đó:
(1) Tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, đến ngày 30/6/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM ở mức 6,85%/năm, giảm 0,08%/năm so với cuối năm 2024. Như vậy, doanh nghiệp và người dân đang tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp hơn trước đây.
(2) Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời phối hợp với các công cụ CSTT khác để giảm bớt áp lực đối với tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Tỷ giá diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường.
(3) Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước về thị trường vàng. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hiện nay, NHNN đang trong quá trình tổng hợp ý kiến và tiếp tục thực hiện các bước theo trình tự ban hành Nghị định.
3. NHNN tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD. Từ cuối năm 2024, NHNN thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện. Thông báo cho nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2025.
Từ đầu năm 2025 đến nay, tăng trưởng tín dụng tích cực cải thiện so với cùng kỳ năm 2024. Đến ngày 30/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024.
Tín dụng tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, các dự án, công trình trọng điểm, khả thi. Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục là hai lĩnh vực có tỷ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên (lần lượt chiếm tỷ trọng 23,16% và 17,51%). Tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao có tốc độ tăng trưởng rất cao, gần gấp đôi so với tốc độ chung (lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 15,69%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 17,59%).
4. Các chỉ đạo, định hướng, giải pháp về tín dụng ngành, lĩnh vực đã kịp thời, bám sát định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế được nắm bắt thông qua các Hội nghị, làm việc trực tiếp tại các địa phương, triển khai sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
NHNN đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó một số chương trình rất hiệu quả như Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (tiếp tục được nâng quy mô lên 100.000 tỷ đồng, đồng thời mở rộng phạm vi, đối tượng thành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, đến cuối tháng 5/2025, Chương trình đã giải ngân đạt khoảng 94% mục tiêu triển khai); Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long (đã giải ngân với doanh số lũy kế khoảng 3.700 tỷ đồng trong vòng 01 tháng kể từ khi có danh sách chủ thể, liên kết và vùng chuyên canh); Triển khai chương trình cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội; Chương trình tín dụng đối với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số…
Các TCTD đã nỗ lực, quyết tâm triển khai chỉ đạo của NHNN nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, cụ thể: tập trung hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm, khả thi; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; Xem xét nâng hạn mức cho vay, tạo điều kiện vay vốn cho ngành hàng xuất khẩu chủ lực lúa gạo, cà phê; Chủ động đối thoại, tháo gỡ khó khăn, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng gặp khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh; Tích cực triển khai và sẵn sàng bố trí nguồn vốn cho vay và giải ngân các chương trình tín dụng...
Bên cạnh tín dụng thương mại, các chương trình tín dụng chính sách cũng được triển khai tích cực tại NHCSXH nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng chính đáng và trang trải chi phí sinh hoạt, chi phí việc làm với lãi suất ưu đãi. Đến 31/5/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt 389.387 tỷ đồng, tăng 5,92% so với năm 2024 với hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ.
5. Quyết liệt tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và tích cực xử lý các TCTD yếu kém, đặc biệt là đã hoàn thành việc chuyển giao bắt buộc 02 ngân hàng yếu kém là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu và Ngân hàng TMCP Đông Á. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. NHNN đã báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt Phương án cơ cấu lại SCB.
6. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Trong 5 tháng đầu năm 2025, toàn hệ thống xử lý được 119,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 5/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm 5 ngân hàng MBV, Dầu Khí Toàn Cầu, NCBNeo, Vikki Bank, Sài Gòn) ở mức 1,8%.
7. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD luôn được NHNN chú trọng, đổi mới và tăng cường nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã bổ sung nội dung thanh tra, kiểm tra các NHTM trong việc công bố, công khai lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hoạt động cấp tín dụng của các TCTD... Ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các TCTD, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng, trong đó đã chỉ ra một số sai phạm, tồn tại trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức này và đã kiến nghị các biện pháp để xử lý, chấn chỉnh, yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, NHNN đã triển khai hơn 460 cuộc thanh tra, kiểm tra; trên cơ sở các hành vi vi phạm được phát hiện, NHNN đã ban hành hơn 70 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với TCTD, doanh nghiệp và cá nhân. Các đoàn thanh tra cũng đã có nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và theo kịp với các diễn biến phức tạp của nền kinh tế - xã hội.
8. Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng
(1) Khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện.
NHNN đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng, tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 94/NĐ-CP ngày 29/4/2025 quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, qua đó tạo điều kiện cho việc triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới thông qua ứng dụng giải pháp công nghệ tài chính (Fintech), góp phần hiện thực hoá mục tiểu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, an toàn, hiệu quả với chi phí thấp.
Ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 71/NQ-CP sửa đổi, bổ sung cập nhật chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
(2) Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Hệ sinh thái số đa dạng đã đem lại nhiều tiện ích hấp dẫn cho người dùng; đến nay, hầu hết dịch vụ ngân hàng hàng cơ bản đã thực hiện trên kênh số, nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 95% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Sự kiện thường niên “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025” với chủ đề “Hệ sinh thái số thông minh trong kỷ nguyên mới” đã thể hiện quyết tâm chính trị cao và cam kết mạnh mẽ của ngành Ngân hàng trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, với mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm, ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng.
(3) Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của người dân. Trong 5 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024, giao dịch TTKDTM tăng 45,44% về số lượng và 25,21% về giá trị; giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 15,33% về số lượng và giảm 4,25% về giá trị, cho thấy sự dịch chuyển tích cực từ giảm sử dụng tiền mặt đến tăng cường sử dụng các phương tiện, dịch vụ TTKDTM trong nền kinh tế. NHNN thường xuyên, chủ động theo dõi, chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng.
9. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng tiếp tục được rà soát, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho hoạt động của TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, NHNN đã đề xuất xây dựng, trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD 2024 theo hướng tiếp tục luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, đồng thời phân cấp, phân quyền cho NHNN trong việc quyết định cho vay đặc biệt của NHNN đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm. Hiện nay, NHNN đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
III. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong hoạt động ngân hàng 6 tháng cuối năm 2025
Dự báo tình hình thế giới thời gian tới tiếp tục phức tạp, khó lường. Kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm tiếp tục phải đối diện với những khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu, cùng với đó là sự quyết tâm, nỗ lực, hành động quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh tăng tốc, bứt phá để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2025, Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 và tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.
Trong bối cảnh đó, bám sát mục tiêu, định hướng của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 31/5/2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước với mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên, NHNN tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra tại Chỉ thị 01-CT/NHNN năm 2025, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, chú trọng vào các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
(1). Theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ đã đề ra tại Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ.
(2). Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT. Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo và có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
(3). Tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 16% so với năm 2024. Tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.
Đẩy mạnh việc triển khai các chương trình tín dụng, nhất là các chương trình đối với người trẻ dưới 35 tuổi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
(4). Chỉ đạo các TCTD:
(i) Tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số… để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh;
(ii) Cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tăng cường tài trợ vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng;
(iii) Ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vay để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm khả thi phục vụ phát triển kinh tế xã hội; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro;
(iv) Theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế và các yếu tố tác động (như thuế quan, chiến tranh thương mại…) để đánh giá tác động đến chất lượng tài sản, mức độ an toàn vốn, lợi nhuận…, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD.
(5). Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.
(6). Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, sớm trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15/7/2025 và Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Ngân hàng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra.
(7). Tiếp tục chỉ đạo các TCTD quyết liệt thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 nhằm cố gắng thực hiện được các giải pháp, mục tiêu của Đề án 689. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
(8). Tiếp tục vận hành ổn định, hiệu quả bộ máy của NHNN sau sắp xếp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt.