Trước hết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xin trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đã quan tâm đến hoạt động của ngành Ngân hàng. Ngày 12/11/2024, NHNN nhận được ý kiến của Đại biểu liên quan đến vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt. Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xin trân trọng tiếp thu để hoàn thiện công tác chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới, đồng thời cũng có một số ý kiến như sau:
- Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan trình Chính phủ phê duyệt các Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam qua các giai đoạn[1]. Tại các Đề án này đã đặt ra nhiều mục tiêu, giải pháp đồng bộ phát triển TTKDTM. Theo đó, trong thời gian qua, hoạt động TTKDTM đã có những bước phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích mới, hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh toán thường ngày của xã hội Việt Nam và đạt được một số kết quả như sau:
+ Các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế được đầu tư, nâng cấp và hoạt động an toàn, ổn định và thông suốt[2]. Các NHTM tiếp tục quan tâm, chú trọng đầu tư, cập nhật và phát triển hệ thống thanh toán nội bộ, hệ thống ngân hàng lõi (core banking) với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, quản lý tập trung, cho phép các NHTM cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng, tiện lợi, mở rộng phạm vi cung ứng trên toàn quốc để giảm thời gian và chi phí giao dịch cho người dân, doanh nghiệp.
+ Nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 đã phát triển đa dạng trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng. Các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng eKYC, thanh toán, chuyển tiền, rút tiền tại ATM bằng mã QR, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ (tokenization) đã được các ngân hàng, tổ chức TGTT tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, qua đó góp phần phổ biến TTKDTM đến với người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, kết quả hoạt động TTKDTM đã đạt được kết quả tích cực[3] và giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 13,11% về số lượng và giảm 5,35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy nhu cầu rút tiền mặt của người dân đang có xu hướng giảm và được thay thế bởi các phương thức, thói quen TTKDTM.
+ Hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh. Các NHTM, các tổ chức TGTT tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ, nghiên cứu, có giải pháp kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) để thực hiện thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ đã được tích hợp trên Cổng DVCQG. Thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính đạt được kết quả khả quan; công tác thu ngân sách nhà nước bằng phương thức TTKDTM được chú trọng, tăng cường và đạt kết quả tích cực[4].
+ Triển khai quy định và các chỉ đạo của NHNN, thời gian qua, hầu hết các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ ưu đãi, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng (áp dụng chính sách “zero fee”: miễn phí chuyển khoản, phí quản lý tài khoản...); theo đó, khoảng 90% giao dịch thanh toán điện tử đã được miễn phí.
- Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả một số giải pháp đột phá để khuyến khích người dân TTKDTM, như:
+ Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích người dân sử dụng TTKDTM, hạn chế sử dụng tiền mặt.
+ Nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái số để thực hiện thanh toán trực tuyến, trong đó tập trung vào triển khai kết nối liên thông hệ thống QR Code thanh toán; đặc biệt, phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan chỉ đạo nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở khám chữa bệnh với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để tăng cường tích hợp, mở rộng tiện ích cho người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh.
+ Tiếp tục ứng dụng, phát triển các dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động (Mobile Payment), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), Ví điện tử, nhất là thanh toán qua QR Code, triển khai ứng dụng QR Code hiển thị từ phía khách hàng.
+ Tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin cho khách hàng của bệnh viện về tiện ích, thuận lợi của các phương tiện, dịch vụ TTKDTM nhằm giúp cho người sử dụng tiếp cận và sử dụng các phương tiện, dịch vụ TTKDTM một cách đầy đủ, kịp thời, tạo được sự chuyển biến về thói quen sử dụng tiền mặt, đặc biệt là đối với các khách hàng của bệnh viện.
Trên đây là ý kiến trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ hơn nữa của Đại biểu đối với hoạt động của ngành Ngân hàng.
Trân trọng cảm ơn Đại biểu./.
[1] Quyết định 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 ban hành Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020 tại Việt Nam.
[2] Trong 9 tháng đầu năm 2024, giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 6,65% về số lượng và tăng 32,84% về giá trị; giao dịch qua Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 34,03% về số lượng và 18,49% về giá trị.
[3] Trong 9 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ 2023, giao dịch TTKDTM tăng 58,52% về số lượng và 34,22% về giá trị; qua kênh Internet tăng 49,45% về số lượng và 33,19% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 57,93% về số lượng và 35,54% về giá trị; qua QR Code tăng 107,76% về số lượng và 109,09% về giá trị; Đến cuối tháng 9/2024, số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành đạt hơn 157,1 triệu thẻ (tăng 11,68% so với cùng kỳ năm 2023); có 21.100 ATM (tăng 0,10% so với cùng kỳ năm 2023) và 705.069 POS (tăng 49,44% so với cùng kỳ năm 2023).
[4] Tính đến cuối năm 2023, 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt; hầu hết các trường mầm non, phổ thông đã sẵn sàng TTKDTM (Công văn 30/BGĐTKHTC ngày 04/01/2024); 88% các bệnh viện đã triển khai TTKDTM (Báo cáo 306/BC-NHNN ngày 11/9/2023).