Trước hết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đối với hoạt động ngân hàng. Về ý kiến của Đại biểu Quốc hội nêu tại phiếu chất vấn số 51/PCVK8-GS, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xin báo cáo Đại biểu cụ thể như sau:
(1) Pháp luật ban hành đã có quy định cụ thể, đầy đủ về việc nhận tiền gửi (bao gồm cả biện pháp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền ngay tình):
(i) Quy định về nhận tiền gửi:
* Tại Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của NHNN quy định về tiền gửi tiết kiệm đã quy định:
- Về biện pháp tra cứu khoản tiền gửi có kỳ hạn, địa điểm nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm, thủ tục gửi tiền tiết kiệm và chi trả tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch của TCTD..., cụ thể:
+ Đối với biện pháp tra cứu khoản tiền gửi có kỳ hạn:
“1. Tổ chức tín dụng phải cung cấp một biện pháp để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm
2. Ngoài biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức tín dụng và người gửi tiền được thỏa thuận về các biện pháp khác để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm và biện pháp tổ chức tín dụng thông báo cho người gửi tiền khi có thay đổi đối với khoản tiền gửi tiết kiệm.”
+ Đối với địa điểm nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm:
“1. Tổ chức tín dụng thực hiện nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng (sau đây gọi là địa điểm giao dịch), trừ trường hợp nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử.
2. Đối với mỗi Thẻ tiết kiệm, tổ chức tín dụng được nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch nơi cấp Thẻ tiết kiệm hoặc các địa điểm giao dịch khác của tổ chức tín dụng. Trường hợp tổ chức tín dụng thực hiện nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm tại nhiều địa điểm giao dịch, tổ chức tín dụng phải đảm bảo việc nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác, an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng.”
+ Đối với thủ tục gửi tiền tiết kiệm tại địa điểm giao dịch của TCTD:
“1. Người gửi tiền phải trực tiếp đến địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng và xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền; 2. Người gửi tiền đăng ký chữ ký mẫu trong trường hợp thay đổi chữ ký mẫu hoặc chưa có chữ ký mẫu được lưu tại tổ chức tín dụng. 3. Tổ chức tín dụng đối chiếu, cập nhật các thông tin người gửi tiền theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. 4. Người gửi tiền thực hiện thủ tục khác theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng. 5. Sau khi hoàn thành các thủ tục quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, tổ chức tín dụng thực hiện việc nhận tiền gửi tiết kiệm và giao Thẻ tiết kiệm cho người gửi tiền.”
+ Đối với thủ tục chi trả tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch của TCTD:
“1. Tổ chức tín dụng đề nghị người gửi tiền thực hiện các thủ tục sau: a) Xuất trình Thẻ tiết kiệm; b) Xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền, của tất cả người gửi tiền (đối với tiền gửi tiết kiệm chung)… ; c) Nộp giấy rút tiền gửi tiết kiệm có chữ ký đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại tổ chức tín dụng... . 2. Tổ chức tín dụng đối chiếu thông tin của người gửi tiền, thông tin của người đại diện theo pháp luật của người gửi tiền trong trường hợp chi trả tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật, thông tin trên Thẻ tiết kiệm, chữ ký trên giấy rút tiền đảm bảo chính xác với các thông tin lưu tại tổ chức tín dụng. 3. Sau khi tổ chức tín dụng và người gửi tiền hoàn thành các thủ tục quy định tại khoản 1 và 2 Điều này, tổ chức tín dụng thực hiện việc chi trả đầy đủ gốc, lãi tiền gửi tiết kiệm cho người gửi tiền.”
- Về quy định nội bộ:
“1. Căn cứ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan, tổ chức tín dụng ban hành quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi tiết kiệm của tổ chức tín dụng phù hợp với mô hình quản lý, đặc điểm, điều kiện kinh doanh, đảm bảo việc thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm chính xác, an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng.
2. Quy định nội bộ phải quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm và phải bao gồm tối thiểu các quy định sau: a) Nhận tiền gửi tiết kiệm, trong đó phải có tối thiểu các nội dung: nhận tiền, ghi sổ kế toán việc nhận tiền gửi tiết kiệm; điền đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 7 vào Thẻ tiết kiệm; giao Thẻ tiết kiệm cho người gửi tiền; b) Chi trả tiền gửi tiết kiệm, trong đó phải có tối thiểu các nội dung: nhận Thẻ tiết kiệm; ghi sổ kế toán; chi trả gốc, lãi tiền gửi tiết kiệm; c) Sử dụng tiền gửi tiết kiệm làm tài sản bảo đảm; d) Chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm; đ) Xử lý các trường hợp rủi ro theo quy định tại Điều 16 Thông tư này; e) Thiết kế, in ấn, nhập xuất, bảo quản, kiểm kê, quản lý Thẻ tiết kiệm; g) Biện pháp để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm và biện pháp tổ chức tín dụng thông báo cho người gửi tiền khi có thay đổi đối với khoản tiền gửi tiết kiệm theo quy định tại Điều 11 Thông tư này; h) Nhận, chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử (áp dụng đối với tổ chức tín dụng thực hiện nhận, chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử).”
* Đồng thời, Điều 12 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đã quy định cụ thể về chế tài đối với các TCTD vi phạm các quy định của pháp luật về gửi tiền.
(ii) Trường hợp nhân viên ngân hàng lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng hoặc lợi dụng sự cả tin của khách hàng gửi tiền để chiếm đoạt tiền gửi bằng nhiều hình thức (như phản ánh của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quân), pháp luật đã có quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017).
(iii) Về bồi thường thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
- Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
- Điều 585 quy định cụ thể về nguyên tắc bồi thường thiệt hại.
- Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể về trách nhiệm pháp nhân đối với thiệt hại do người của mình gây ra khi thực hiện nhiệm vụ.
(2) Thực tế, trong quá trình điều hành, căn cứ kết quả thanh tra, giám sát, NHNN đã xử lý nghiêm vi phạm pháp luật của các TCTD; trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm (lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản), NHNN sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây là ý kiến trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quân. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ hơn nữa của Đại biểu đối với hoạt động của ngành Ngân hàng.
Trân trọng cảm ơn Đại biểu./.