ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI *** |
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ***** Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2023 |
BÁO CÁO TÓM TẮT
Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị
của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo đầy đủ số 468/BC-UBTVQH15 ngày 17/5/2023 về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, UBTVQH kính trình Quốc hội báo cáo tóm tắt như sau:
I. Về kiến nghị và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri
Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri (KNCT) liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; có 2.589 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8%. Kết quả như sau:
1. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đã trả lời 91/91 kiến nghị.
Cử tri hoan nghênh, đồng tình với sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Tiếp thu KNCT, Quốc hội không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, đưa hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đặt lợi ích của cử tri và Nhân dân lên hàng đầu. Để nâng cao chất lượng các dự án luật, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua, nhằm bảo đảm luật ban hành phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, UBTVQH đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, họp chuyên đề về pháp luật. Dưới sự chỉ đạo UBTVQH, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, hướng dẫn về hoạt động giám sát, đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong một số hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH. Những vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm trong thời gian qua đã được UBTVQH tổ chức chất vấn trực tiếp và trực tuyến tới các Đoàn ĐBQH, gồm: nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội…
2. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.466/2.469 kiến nghị, đạt 99,9%.
Nhìn chung, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết KNCT, thể hiện tính cầu thị, tiếp thu KNCT khi thực hiện công tác quản lý, điều hành. Nội dung giải quyết, trả lời KNCT rõ ràng, cụ thể, được cử tri và Nhân dân đồng tình; đối với những KNCT chưa thể giải quyết được, các Bộ, ngành đều ghi nhận, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật trong thời gian tới. Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm như trả lời của các bộ: Giao thông, vận tải; Nội vụ; Công an; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Tư pháp; Quốc phòng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo.
Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các KNCT đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước.
3. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 20/20 kiến nghị. Trong đó, TANDTC, VKSNDTC đã trả lời việc hướng dẫn thi hành và nghiên cứu, tham mưu trình Quốc hội sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015.
II. Về một số hạn chế
1. Đối với việc tập hợp, tổng hợp KNCT
Việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nhưng vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết; có kiến nghị ban hành hướng dẫn về một số nội dung mặc dù các nội dung đó đã được pháp luật quy định.
2. Đối với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương
Thứ nhất, mặc dù quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do cơ quan nhà nước thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật nhưng đến nay KNCT vẫn chưa được giải quyết
Cử tri tỉnh Cao Bằng đề nghị giải quyết việc chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc nhưng chưa được tính thời gian để hưởng chế độ BHXH.
Qua giám sát cho thấy, theo quy định của pháp luật về BHXH, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng từ tháng 01 năm 2003 đến tháng 12 năm 2021, cơ quan BHXH tại nhiều địa phương đã thu BHXH bắt buộc đối với những trường hợp này. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tại thời điểm tháng 9 năm 2016 đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng BHXH bắt buộc.
Do việc thực hiện BHXH bắt buộc không đúng quy định của pháp luật nên các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc để hưởng chế độ BHXH, đặc biệt có nhiều trường hợp đã đóng BHXH được gần 20 năm. Điều này đã khiến người dân bức xúc, một số trường hợp đã làm đơn khiếu nại, thậm chí khởi kiện BHXH ra Tòa án.
Việc thu BHXH bắt buộc không đúng đối tượng thuộc trách nhiệm của ngành BHXH, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của chủ hộ kinh doanh cá thể. Việc này rất cần được quan tâm giải quyết dứt điểm. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH, BHXH Việt Nam nghiên cứu, rà soát, đánh giá việc thực hiện BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể trên phạm vi toàn quốc, trình Chính phủ phương án giải quyết dứt điểm KNCT; đồng thời chỉ đạo BHXH Việt Nam rút kinh nghiệm, tránh để xảy ra những sai sót khi thực hiện quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Thứ hai, một số KNCT đã được các Bộ, ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị
Từ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đến nay, cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo sửa chữa, hoàn trả lại các tuyến đường dân sinh đã được sử dụng để vận chuyển vật liệu xây dựng trong quá trình thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Qua giám sát cho thấy, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi đã sử dụng 23 tuyến đường của địa phương với tổng chiều dài 55,6 km phục vụ thi công dự án. Các nhà thầu mới sửa chữa, hoàn trả được 07/23 tuyến đường với tổng chiều dài 20,4 km. Đối với 16 tuyến đường còn lại với tổng chiều dài 35,2 km chưa được nhà thầu sửa chữa, hoàn trả, địa phương đã tiến hành nâng cấp, mở rộng 12 tuyến đường với tổng chiều dài 30,6 km. Hiện còn 04 tuyến đường với chiều dài 4,6 km chưa được nhà thầu sửa chữa, địa phương cũng chưa nâng cấp cải tạo. Mặc dù Bộ GTVT đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam yêu cầu các nhà thầu thực hiện sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường nêu trên nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, dự án đã được bố trí kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước để tiếp tục thực hiện một số hạng mục chưa hoàn thành theo mục tiêu ban đầu. Tuy nhiên, từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, KNCT tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa được giải quyết, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân. Kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo giải quyết dứt điểm KNCT trong năm 2023.
- Thứ ba, một số KNCT chưa được kịp thời giải quyết do công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành hoặc giữa Bộ, ngành với địa phương có lúc còn chưa chặt chẽ
(1) Cử tri các tỉnh Lào Cai và Hà Tĩnh đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ phòng, chống thiên tai (PCTT).
Qua giám sát cho thấy, theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 78 ngày 01/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ PCTT đã giao Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính của Quỹ PCTT. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, quy định về thành lập Quỹ PCTT tại Nghị định số 78 tồn tại nhiều vướng mắc với các quy định khác của pháp luật như: việc quy định cán bộ, công chức của cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai thực hiện kiêm nhiệm chức danh tại Hội đồng quản lý Quỹ là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp; Luật Cán bộ, công chức và Luật Phòng, chống tham nhũng. Việc quy định nguồn tài chính của Quỹ PCTT không bao gồm nguồn ngân sách nhà nước và quy định Quỹ hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ nhưng không có vốn điều lệ ban đầu là chưa phù hợp với Nghị định số 172/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu. Vì vậy Bộ Tài chính đề nghị Bộ NN&PTNT (cơ quan chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định số 78) báo cáo và trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ PCTT để đảm bảo đồng bộ trong hệ thống quy định của pháp luật. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính của Quỹ PCTT. Như vậy, để giải quyết dứt điểm KNCT trong thời gian tới cần khắc phục một số vướng mắc trong các quy định của pháp luật. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát quy định về mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ PCTT tại Nghị định số 78 để trình sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
(2) Cử tri tỉnh Quảng Ngãi và một số địa phương phản ánh về việc người nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng chưa được chi trả tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng năm 2021.
Trả lời cử tri, Bộ NN&PTNT đã nêu, kinh phí cho công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được giao cho địa phương trong Quyết định số 890 và Quyết định số 653 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua giám sát cho thấy, kinh phí khoán bảo vệ rừng năm 2021 mà tỉnh Quảng Ngãi chưa được phân bổ là 22.408,3 triệu đồng. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, địa phương không có cơ sở để phân bổ kinh phí chi trả cho nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng năm 2021 do kinh phí phân bổ cho tỉnh theo Quyết định số 653 chỉ ghi “dự toán năm 2022”.
Ngoài cử tri tỉnh Quảng Ngãi còn có cử tri tỉnh Bình Định và Lào Cai cũng phản ánh về việc chưa được bố trí đầy đủ kinh phí để chi trả cho người nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng năm 2021. Đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan kiểm tra, rà soát việc phân bổ kinh phí và giải quyết chi trả cho người nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng.
- Thứ tư, một số quy định của Luật mặc dù đã được Quốc hội thông qua từ nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chưa được triển khai do một số Bộ chậm trình ban hành văn bản hướng dẫn; cá biệt có trường hợp đã tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn nhưng lại để xảy ra sai sót nên quy định không được tổ chức thực hiện
(1) Cử tri thành phố Hồ Chí Minh phản ánh về việc Luật Công nghệ cao được ban hành từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Qua giám sát cho thấy, Luật Công nghệ cao được Quốc hội khoá XII thông qua vào ngày 13/11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Mặc dù Chính phủ, Bộ, ngành đã ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật nhưng chưa đầy đủ. Một số quy định trong Luật chưa được triển khai thực hiện do chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công nghệ cao vẫn chưa được ban hành. Bên cạnh đó, một số chính sách ưu đãi quan trọng nhằm phát triển công nghệ cao vẫn chưa được hướng dẫn như: (1) Việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia; (2) Kế hoạch và biện pháp thực hiện đào tạo nhân lực công nghệ cao; (3) Điều kiện, thủ tục xác nhận cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao được hưởng ưu đãi, hỗ trợ và kế hoạch đầu tư xây dựng một số cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế; (4) Cơ chế, chính sách cụ thể thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới việc thúc đẩy phát triển công nghệ cao, nhất là trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&CN chủ trì phối hợp chặt chẽ với các Bộ liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định của Luật Công nghệ cao.
(2) Cử tri tỉnh Ninh Thuận phản ánh về việc có một số sai sót tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và đề nghị cần rà soát, sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
Qua giám sát cho thấy, mặc dù Nghị định số 08/2002/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành ngày 10/01/2022 nhưng đã có sai sót nên một số quy định không thể triển khai thực hiện, cụ thể như:
- Tại khoản 3 Điều 15 của Nghị định có nội dung quy định:
“Căn cứ kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ, cơ quan quy định tại khoản 4 Điều này có trách nhiệm
a) Công bố thông tin và khoanh vùng sơ bộ khu vực ô nhiễm để tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết;
b) Công bố thông tin và khoanh vùng khu vực đất có nguy cơ ô nhiễm để theo dõi, giám sát”.
Tuy nhiên, tại Điều 15 chỉ có khoản 1, 2 và 3 nhưng không có khoản 4. Như vậy, sau khi có kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ thì không có cơ quan nào được giao thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
- Tại điểm b, khoản 15, Điều 168 Nghị định số 08 quy định: “Đối với dự án đầu tư, cơ sở có tiêu chí về môi trường tương đương với đối tượng phải đăng ký môi trường, chủ dự án đầu tư, cơ sở phải thực hiện đăng ký môi trường theo quy định tại khoản 6 Điều 48 Luật Bảo vệ môi trường” nhưng Điều 48 Luật Bảo vệ môi trường chỉ có từ khoản 1 đến khoản 5 mà không có khoản 6 nên những trường hợp nêu trên không thể thực hiện được.
Những sai sót nêu trên làm ảnh hưởng đến chất lượng của Nghị định, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình tổ chức thực hiện. Để xảy ra những sai sót không đáng có trong văn bản hướng dẫn của Chính phủ, trách nhiệm chính thuộc về Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì xây dựng, trình ban hành văn bản. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát tổng thể Nghị định số 08 để trình Chính phủ khắc phục những sai sót, đồng thời rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn, tránh để xảy ra những sai sót tương tự.
III. Về các kiến nghị
1. Đối với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH: các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản QPPL, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chất lượng của hệ thống pháp luật, kịp thời phát hiện các sai sót để kiến nghị hoàn thiện. Các Đoàn ĐBQH, ĐBQH nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý KNCT; đảm bảo tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp KNCT theo quy định.
2. Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương: Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo đúng lộ trình để báo cáo với cử tri.
Trên đây là Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng báo cáo Quốc hội./.