Đa dạng sinh học đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương, vùng lãnh thổ và trong đời sống của mỗi cá nhân. Đa dạng sinh học là cơ sở của sự sống và quyết định trong mọi phát triển của loài người trên Trái Đất. Đa dạng sinh học mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia.
Ngày 22/5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Đây là dịp để phản ánh trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo vệ di sản quý giá này cho các thế hệ tương lai. Ngày 18/10/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn số 7115/UBND-KTN gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đăng cai tổ chức “Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024” tại tỉnh Quảng Nam và được phúc đáp ủng hộ tại Công văn số 10802/BTNMT-BTĐD ngày 22/12/2023 Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngày 03/1/2024, UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi Tờ trình số 34/TTr-UBND tới Thủ tướng Chính phủ về việc đăng cai tổ chức lễ kỉ niệm với chủ đề “Năm phục hồi Đa dạng sinh học quốc gia 2024” tại tỉnh Quảng Nam.
Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2024 được Liên Hợp quốc phát động với chủ đề “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”. Việt Nam được đánh giá một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm, sự phong phú, đa dạng về hệ sinh thái.
Bảo tồn và sử dụng một cách bền vững Đa dạng sinh học là cơ sở bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực, phục vụ chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Việt Nam có vùng Đa dạng sinh học cao trên thế giới. Từ đầu những năm 1960, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách bảo tồn Đa dạng sinh học. Từ đó đến nay, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan được tiếp tục bổ xung và hoàn thiện. Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008.
Việt Nam quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng, nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng cả về quy mô, tần suất và mức độ, đã tác động trực tiếp đến Đa dạng sinh học.
Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và cam kết của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu, khẳng định việc bảo tồn Đa dạng sinh học không chỉ là nhu cầu mà còn là yêu cầu cấp thiết trong quá trình phát triển. Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học tại Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 thực hiện sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học ngày càng lớn. Nguyên nhân là do ô nhiễm nước, không khí, rác thải nhựa, khai thác, sản xuất và tiêu dùng quá mức; săn bắt và buôn bán trái phép các loài hoang dã theo kiểu tận diệt, thâm canh nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản không hợp lý, các hoạt động sản xuất kinh tế khác nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người.
“Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này thông qua các chính sách, chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia cũng như sự hỗ trợ và phối hợp từ nhiều dự án quốc tế trong và ngoài nước, nhưng suy giảm đa dạng sinh học vẫn đang là một thách thức rất lớn” - Thứ trưởng Bộ Bộ Tài Nguyên và Môi trường TN&MT Lê Công Thành nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Công Thành kêu gọi tất cả mọi người cùng hành để giải quyết vấn đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị của đa dạng sinh học trong cải thiện sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo và chiến lược phát triển bền vững của quốc gia.
Thứ trưởng Bộ TN&MT kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị của đa dạng sinh học trong cải thiện sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo và chiến lược phát triển bền vững của quốc gia; xây dựng lối sống hài hòa với thiên nhiên; triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực làm suy giảm đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên; tăng cường các hoạt động khẩn cấp ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, giảm thiểu sự xuất hiện và tác động của các loài ngoại lai xâm hại đối với đa dạng sinh học; kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy và thiết lập mối quan hệ đối tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm vận động sự ủng hộ, hỗ trợ về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng; là nơi phân bố của nhiều loài quý hiếm, đặc hữu như sao la, hổ, voi, voọc chà vá, mang Trường Sơn, sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển,... được xếp vào top địa phương có tính đa dạng sinh học cao trong cả nước, nằm trong vùng cảnh quan ưu tiên trung Trường Sơn và là một trong 200 "điểm nóng" về đa dạng sinh học của thế giới.
Quảng Nam cũng là một trong những tỉnh tiên phong hành động về đa dạng sinh học, sớm ban hành Chiến lược bảo tồn, kế hoạch hành động. Đặc biệt, tỉnh đã tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế triển khai nhiều nhiệm vụ bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái, xúc tiến thành lập các khu bảo tồn, hành lang đa dạng sinh học.
Để tiếp tục thể hiện trách nhiệm của địa phương trong quá trình phục hồi đa dạng sinh học quốc gia cũng như toàn cầu, Quảng Nam đã có sáng kiến đề xuất tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024 – Chung sống hài hòa với thiên nhiên với hơn 40 hoạt động liên quan sẽ được tổ chức từ tháng 3 - tháng 12/2024 trên toàn tỉnh.
Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu nội dung của khung đa dạng sinh học toàn cầu; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để cụ thể hóa, lồng ghép trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.
Hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2024, ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) khẳng định, WWF cam kết tiếp tục đồng hành với Chính phủ, Bộ TN&MT, các địa phương, đặc biệt là Quảng Nam để duy trì giá trị đa dạng sinh học, hướng đến cuộc sống hài hòa với thiên nhiên. "Mỗi chúng ta hãy cam kết trở thành những người bảo vệ trái đất, vì sự phong phú, đa dạng sinh học trên hành tinh. Cùng nhau tạo ra sự khác biệt, đảm bảo thế giới bền vững cho toàn nhân loại".
NN