Để góp phần tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật hơn nữa trong hoạt động thẻ ngân hàng, hạn chế việc lợi dụng và sử dụng thẻ ngân hàng cho các hoạt động bất hợp pháp, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường thẻ ngân hàng trong xu hướng phát triển của thanh toán số, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ký ban hành Thông tư số 18/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 y định về hoạt động thẻ ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), thay thế Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 (đã được sửa đổi, bổ sung).
1
Hiện nay, các phương thức thanh toán mới, hiện đại đã và đang dần trở thành thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân, phục vụ nhu cầu thanh toán nhanh, tiện lợi, an toàn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đem lại những thay đổi tích cực đối với hoạt động thanh toán. Người dân cơ bản đã hình thành thói quen thanh toán không tiền mặt gần như mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng với nhiều hình thức, trong đó có phương thức thanh toán bằng thẻ ngân hàng.
Nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đã ban hành Thông tư 18/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 (Thông tư 18) thay thế Thông tư số 19/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về hoạt động thẻ ngân hàng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán nói chung và hoạt động thẻ ngân hàng nói riêng, tăng cường hơn nữa an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng, bổ sung nhiều quy định mới nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng thẻ, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường.
Không sử dụng hộ chiếu để định danh khách hàng
Thẻ ngân hàng là phương tiện thanh toán do tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) phát hành để thực hiện giao dịch thẻ theo các điều kiện và điều khoản được các bên thoả thuận. TCPHT có thể là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng chính sách, công ty tài chính tổng hợp và công ty tài chính tín dụng tiêu dùng,…
Theo Thông tư 18, trước khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ theo yêu cầu của khách hàng, TCPHT phải yêu cầu chủ thẻ (là cá nhân hoặc tổ chức) cung cấp đầy đủ các tài liệu, thông tin, dữ liệu nhằm nhận biết khách hàng theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền và quy định pháp luật có liên quan.
Trường hợp khách hàng cá nhân là người Việt Nam, khách hàng cần cung cấp giấy tờ tùy thân: Thẻ căn cước công dân/ thẻ căn cước/ Căn cước điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 02) hoặc Chứng minh nhân dân.
Nếu khách hàng cá nhân là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch thì cần có Giấy chứng nhận căn cước.
Với khách hàng tổ chức, cần cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu để nhận biết khách hàng theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; bao gồm các tài liệu, thông tin, dữ liệu của người đại diện hợp pháp.
Như vậy, đối với khách hàng cá nhân là người Việt Nam, loại bỏ trường hợp sử dụng hộ chiếu để định danh khách hàng do chưa có cơ sở dữ liệu để đối chiếu, so khớp thông tin định danh khách hàng trên hộ chiếu bởi tiềm ẩn rủi ro nếu hộ chiếu bị làm giả, mạo danh, nặc danh trong việc phát hành thẻ.
Người từ đủ 18 tuổi có thể mở thẻ trực tuyến
Quy định về mở thẻ bằng phương tiện điện tử (trực tuyến) đã được quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022), góp phần thúc đẩy các ngân hàng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, phù hợp với định hướng, chủ trương chuyển đổi số của ngành ngân hàng, giúp người dân không phải trực tiếp đến quầy giao dịch mà vẫn mở được thẻ do tính tiện dụng, nhanh chóng, khả năng phục vụ mọi lúc, mọi nơi và đảm bảo an toàn, bảo mật.
Thông tư 18 có sửa đổi, bổ sung quy định về phát hành thẻ bằng phương tiện điện tử. Theo đó, không áp dụng hình thức này với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, và không áp dụng đối với quy trình phát hành thẻ phụ.
Để đảm bảo đồng bộ với quy định về định danh khách hàng, Thông tư 18 cũng quy định cụ thể hơn về việc TCPHT phải xây dựng, ban hành quy định nội bộ về quy trình, thủ tục phát hành thẻ bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định tại Thông tư này, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của TCPHT.
Quy định về hình thức, nội dung thông tin trên thẻ
Thông tư số 18 cũng bổ sung quy định về hình thức, nội dung thông tin trên thẻ trong trường hợp TCPHT hợp tác hoặc liên kết phát hành thẻ với các tổ chức khác để tránh gây nhầm lẫn về TCPHT cho khách hàng trong quá trình sử dụng, cũng như tránh các tổ chức khác lợi dụng việc hợp tác phát hành thẻ với ngân hàng để cung cấp dịch vụ khác.
Thông tư cũng quy định những thông tin cần thiết nhất trên mẫu thẻ phát hành (bao gồm: tên TCPHT, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức hợp tác phát hành thẻ, tên chủ thẻ), TCPHT có thể bổ sung những thông tin khác trên thẻ theo quy định của từng ngân hàng đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật. Quy định này phù hợp với thực tế phát hành thẻ tại các quốc gia trên thế giới, hiện nay rất nhiều ngân hàng có xu hướng phát hành thẻ vật lý không in thông tin về số thẻ, thời hạn hiệu lực nhằm giảm thiểu rủi ro lộ lọt thông tin thẻ, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng.
Thẻ tín dụng được rút tối đa 100 triệu đồng/tháng
Điều 13 Thông tư số 18 quy định, TCPHT thỏa thuận với chủ thẻ về hạn mức thanh toán, hạn mức chuyển khoản, hạn mức rút tiền mặt và các hạn mức khác trong việc sử dụng thẻ đối với chủ thẻ phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối và quy định pháp luật có liên quan.
Đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 (ba mươi) triệu đồng Việt Nam trong một ngày.
Đối với thẻ tín dụng, tổng hạn mức rút tiền mặt tính theo BIN của thẻ tín dụng tối đa là 100 triệu đồng Việt Nam trong 01 tháng.
Đối với thẻ trả trước, TCPHT quy định cụ thể hạn mức số dư, hạn mức nạp thêm tiền vào thẻ và hạn mức giao dịch; đảm bảo số dư tại mọi thời điểm trên một thẻ trả trước vô danh không được quá 05 (năm) triệu đồng Việt Nam;
Tổng hạn mức giao dịch (bao gồm giao dịch rút tiền mặt, giao dịch chuyển khoản, giao dịch thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ) trên một thẻ trả trước định danh không được quá 100 triệu đồng Việt Nam trong 01 tháng.
Xác thực giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học trước khi giao dịch
Nhằm đảm bảo an ninh an toàn trong giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử, Thông tư số 18 quy định thẻ chỉ được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu đảm bảo khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ theo quy định tại khoản 6 Điều 16.
Thẻ trả trước vô danh không được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử và không được rút tiền mặt.
TCPHT phải xác định các loại rủi ro có thể phát sinh trong hoạt động phát hành và sử dụng thẻ và biện pháp xử lý rủi ro tương ứng, trong đó có các trường hợp từ chối hoặc tạm dừng giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử.
Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong sử dụng thẻ
Điều 17 Thông tư số 18 quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong sủ dụng thẻ, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan.
TCPHT chịu trách nhiệm trong việc quản lý rủi ro khi phát hành các loại thẻ với các quy định cụ thể, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro cho giao dịch thẻ theo các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử; bảo mật thông tin liên quan đến hoạt động thẻ; bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ quản lý hoạt động phát hành, thanh toán thẻ vận hành thông suốt và an toàn…
Chủ thẻ và cá nhân được chủ thẻ là tổ chức ủy quyền sử dụng thẻ phải bảo quản thẻ, bảo mật PIN, các mã số xác nhận chủ thẻ khác, các thông tin thẻ, thông tin giao dịch, không để lộ thông tin thẻ...
Điều 17 cũng quy định trách nhiệm của Tổ chức thanh toán thẻ (là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện thanh toán thẻ), đơn vị chấp nhận thẻ (là đơn vị chấp nhận thanh toán chấp nhận thanh toán hàng hoá, dịch vụ bằng thẻ) và các đơn vị liên quan khác trong việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thẻ ngân hang, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư cá nhân, bảo mật tài liệu, thông tin thẻ, giao dịch thẻ và tài khoản của chủ thẻ theo quy định của pháp luật.
Việc ban hành Thông tư số 18 sẽ góp phần tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật hơn nữa trong hoạt động thẻ ngân hàng, hạn chế việc lợi dụng và sử dụng thẻ ngân hàng cho các hoạt động bất hợp pháp, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường thẻ ngân hàng trong xu hướng phát triển của thanh toán số.
VTT