Chiến lược chính sách tiền tệ cập nhật của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhấn mạnh rằng: “Một kiến trúc tài chính vững chắc hơn thông qua việc thúc đẩy liên minh tiết kiệm - đầu tư, củng cố hệ thống ngân hàng và triển khai đồng Euro kỹ thuật số sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ trong bối cảnh đang biến động hiện nay”.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Lập trường chính sách tiền tệ
Theo ông Philip R. Lane, Thành viên Ban Điều hành ECB, thách thức đưa lạm phát quay trở lại mục tiêu sau đợt tăng giá giai đoạn 2021 - 2022 phần lớn đã hoàn tất. Ông Philip R. Lane cho biết, hiện nay, định hướng chính sách tiền tệ của ECB là đảm bảo rằng các cú sốc hiện tại cũng như những cú sốc có thể xảy ra trong tương lai không khiến lạm phát lệch khỏi mục tiêu 2% trong trung hạn.
Về các diễn biến dữ liệu quan trọng trong những tháng gần đây cho thấy, giá năng lượng đã giảm mạnh và đồng Euro đã lên giá đáng kể. Những yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong dự báo kinh tế vĩ mô của Eurosystem tháng 6/2025. Bên cạnh đó, triển vọng tài khóa cũng đã thay đổi rõ rệt trong những năm tới, với thâm hụt tài khóa dự kiến vẫn vượt quá 3% trong suốt thời gian dự báo.
Việc ngăn chặn nguy cơ những sai lệch tạm thời khỏi mục tiêu trở thành sai lệch kéo dài là yếu tố quan trọng trong quyết định hạ lãi suất 25 điểm cơ bản của ECB vào tháng 6/2025. Việc hạ lãi suất này giúp duy trì áp lực giá cần thiết để đạt được mục tiêu lạm phát trung hạn, qua đó đảm bảo rằng sai lệch lạm phát tiêu cực được dự báo trong 18 tháng tới chỉ là tạm thời và không trở thành sai lệch dài hạn.
Hiện tại, có nhiều bất định liên quan đến tương lai của hệ thống thương mại quốc tế. Những bất định này không chỉ liên quan đến việc điều chỉnh các biểu thuế mới mà còn bao gồm cả khả năng gia tăng rào cản phi thuế, sự đan xen sâu hơn giữa chính sách kinh tế và an ninh, cũng như khả năng điều chỉnh chính sách với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh khó đoán định cao hiện nay, theo ông Philip R. Lane, điều cốt yếu là ECB phải dựa trên dữ liệu để đưa ra quyết định, tiếp cận theo từng cuộc họp, không cam kết trước với bất kỳ lộ trình lãi suất nào. Việc phụ thuộc vào dữ liệu không chỉ áp dụng với hoạt động kinh tế và lạm phát mà còn mở rộng sang các thiết lập chính sách ngoài phạm vi tiền tệ, do sự thay đổi trong các chế độ chính sách quốc tế và trong nước ảnh hưởng mạnh mẽ đến động thái lạm phát trong tương lai.
Chiến lược chính sách tiền tệ cập nhật
Chiến lược chính sách tiền tệ cập nhật của ECB xác định những chuyển đổi mang tính cơ cấu liên quan đến số hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), nhân khẩu học, rủi ro môi trường và thay đổi hệ thống tài chính quốc tế. Đồng thời, môi trường lạm phát sẽ tiếp tục bất định và có khả năng biến động mạnh hơn, làm tăng nguy cơ sai lệch mục tiêu ở cả hai chiều và đặt ra thách thức cho việc thực thi chính sách tiền tệ (Philip R. Lane, 2025).
Về tác động đến chính sách tiền tệ, theo đánh giá của ECB, mục tiêu lạm phát trung hạn 2% theo hướng đối xứng đã phát huy hiệu quả và vẫn được giữ nguyên, sẽ được bảo vệ tốt nhất bằng những hành động chính sách tiền tệ quyết đoán hoặc duy trì trong trường hợp xảy ra các biến động lớn, kéo dài, nhằm tránh việc kỳ vọng lạm phát bị lệch so với mục tiêu dự kiến. Phát biểu trước Hội đồng Thống đốc ECB, ông Philip R. Lane cho biết, trong trường hợp có cú sốc giảm phát đáng kể, cần tính đến giới hạn hiệu quả của lãi suất danh nghĩa. Ngược lại, khi đối mặt với cú sốc lạm phát lớn, cần lưu ý đến khả năng phi tuyến trong quá trình thiết lập giá và tiền lương.
Tính linh hoạt của định hướng trung hạn cho phép chính sách tiền tệ phản ứng phù hợp với từng bối cảnh cụ thể, tùy thuộc vào nguồn gốc, mức độ và độ bền vững của sai lệch lạm phát. Miễn là kỳ vọng lạm phát vẫn được duy trì, Hội đồng Thống đốc ECB cũng có thể xem xét thêm các yếu tố liên quan đến việc đảm bảo ổn định giá cả trong quá trình ra quyết định. Hội đồng Thống đốc ECB đưa ra quyết định chính sách tiền tệ dựa trên đánh giá tổng hợp mọi yếu tố liên quan, bao gồm cả việc xem xét tính tương xứng và các tác động phụ. Chiến lược mới nhấn mạnh rằng các quyết định chính sách tiền tệ không chỉ căn cứ vào kịch bản trung tâm về lạm phát và tăng trưởng, mà còn tính đến các rủi ro và mức độ bất định xung quanh, thông qua phân tích kịch bản và đánh giá độ nhạy của những dự báo.
Theo ông Philip R. Lane, cách tiếp cận hệ thống nhưng theo bối cảnh cụ thể để tích hợp rủi ro và bất định có thể bao gồm: Đánh giá rủi ro thường xuyên; phân tích độ nhạy của các dự báo và lựa chọn chính sách theo giả định kỹ thuật và tham số mô hình; xây dựng các kịch bản thay thế, đặc biệt liên quan đến các sự kiện rủi ro cụ thể.
Dù công cụ chính là điều chỉnh lãi suất chính sách, Hội đồng Thống đốc ECB cũng có thể sử dụng các công cụ khác nếu cần thiết, như tái cấp vốn dài hạn, mua tài sản, lãi suất âm và định hướng kỳ vọng. Việc tích hợp rủi ro và bất định cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn và thiết kế những công cụ này nhằm đảm bảo phản ứng nhanh nhạy với các cú sốc mới và thực hiện đánh giá tính tương xứng toàn diện.
Một cấu trúc tài chính bền vững hơn cho khu vực đồng Euro
Chiến lược chính sách tiền tệ cập nhật của ECB nhấn mạnh: “Một kiến trúc tài chính bền vững hơn nhờ thúc đẩy liên minh tiết kiệm - đầu tư, củng cố hệ thống ngân hàng và triển khai đồng Euro kỹ thuật số sẽ nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ trong bối cảnh thay đổi hiện nay”.
Việc mở rộng nguồn tài sản an toàn bằng đồng Euro đóng vai trò quan trọng nhằm tăng sức hút thị trường vốn châu Âu với nhà đầu tư trong và ngoài khu vực. Bund là trái phiếu quốc gia được xếp hạng cao nhất của một quốc gia lớn trong khu vực đồng Euro, nhưng lượng Bund hiện có quá nhỏ so với quy mô khu vực hoặc toàn cầu. Trong bối cảnh chênh lệch lợi suất nhỏ và ổn định hơn, các trái phiếu quốc gia khác cũng đóng góp vào nguồn cung tài sản an toàn. Tuy nhiên, tính biến động còn lại và thanh khoản thấp khiến khả năng đóng góp của các trái phiếu này bị giới hạn. Vì vậy, sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu Euro phụ thuộc vào việc từng quốc gia thành viên duy trì kỷ luật tài khóa và tuân thủ khung tài khóa chung của EU (Philip R. Lane, 2025).
Một số cách có thể mở rộng lượng trái phiếu chung như tài trợ đầu tư công phù hợp với lợi ích khu vực. Ngoài các sáng kiến toàn EU, cũng có thể phát hành chung ở quy mô nhỏ giữa các nhóm quốc gia thành viên theo mô hình “liên minh tự nguyện”. Ngoài ra, có thể tạo thêm tài sản an toàn từ nguồn trái phiếu quốc gia hiện tại. Olivier Blanchard và Angel Ubide (2025) đề xuất khôi phục mô hình “trái phiếu xanh/đỏ”. Theo đó, mỗi nước dành một nguồn thu ngân sách cố định (ví dụ thuế gián thu) để bảo đảm trái phiếu xanh chung, rồi dùng nguồn này mua lại một phần trái phiếu đỏ quốc gia, qua đó làm tăng trái phiếu chung và giảm trái phiếu riêng.
Một hướng tiếp cận khác là chứng khoán hóa trái phiếu quốc gia (SBBS), theo đó các trái phiếu quốc gia được gom thành danh mục và phát hành dưới dạng chứng khoán phân tầng, trong đó lớp cao cấp đóng vai trò là tài sản an toàn. Mô hình SBBS đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và để phát huy hiệu quả, cần đạt được quy mô phát hành đủ lớn nhằm đảm bảo tính thanh khoản trên thị trường.
Đồng Euro kỹ thuật số
Cuối cùng, chiến lược mới cũng khẳng định rằng đồng Euro kỹ thuật số sẽ nâng cao hiệu lực của chính sách tiền tệ. Theo ông Philip R. Lane, việc có một đồng tiền số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ bảo đảm quyền tự chủ tiền tệ của khu vực Eurozone.
Việc bổ sung tiền số bên cạnh tiền truyền thống sẽ củng cố hệ thống tiền tệ hai tầng, giúp đồng Euro giữ vai trò phương tiện thanh toán và đơn vị kế toán. Một số người đề xuất sử dụng Stablecoin như giải pháp thay thế, đặc biệt trong thanh toán xuyên biên giới. Tuy nhiên, Stablecoin không có thuộc tính của tiền ngân hàng trung ương như khả năng cung không linh hoạt, không bảo đảm neo giá trị và không bảo vệ tính thống nhất của đồng tiền.
Ông Philip R. Lane nhấn mạnh, hệ thống tiền tệ hiệu quả cần gắn chặt với hệ thống thanh toán. Hiện tại, thanh toán trong khu vực Eurozone còn phân mảnh và phụ thuộc nhiều vào các nền tảng ngoài châu Âu. Đồng Euro kỹ thuật số sẽ tạo ra hiệu ứng mạnh, hợp nhất thị trường, giảm chi phí cho thương nhân và người tiêu dùng.
Minh Châu (Nguồn: ECB)