Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu. Nhưng làm thế nào để huy động được nhiều hơn "vốn xanh" phục vụ các dự án tín dụng xanh thân thiện với môi trường thúc đẩy sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh là câu hỏi không dễ trả lời đối với các ngân hàng.
Tiền gửi xanh - sản phẩm tài chính hiệu quả
Minh Phương
Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu. Nhưng làm thế nào để huy động được nhiều hơn "vốn xanh" phục vụ các dự án tín dụng xanh thân thiện với môi trường thúc đẩy sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh là câu hỏi không dễ trả lời đối với các ngân hàng.
Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, Syngenta Việt Nam - một công ty trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp mới đây đã tham gia một khoản tiền gửi xanh tại HSBC. Sản phẩm huy động tiền gửi xanh của HSBC có kỳ hạn tối thiểu 3 tháng và được trả lãi hàng quý. Tổ chức gửi tiền sẽ được ngân hàng thông tin sử dụng nguồn tiền gửi vào mục đích đầu tư cho các dự án và sáng kiến thân thiện với môi trường.
Trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng, HSBC Việt Nam cho biết, đối với sản phẩm tiền gửi xanh sẽ có một số yêu cầu nhất định, khác biệt so với sản phẩm tiền gửi thông thường, như thời gian gửi tối thiểu, giới hạn về tổng số tiền gửi xanh mà ngân hàng được phép tiếp nhận. Những quy định này nhằm đảm bảo nguồn vốn huy động từ tiền gửi xanh có thể được sử dụng hiệu quả cho việc tài trợ tín dụng xanh của ngân hàng, tránh tình trạng nguồn vốn huy động không được sử dụng vào mục đích xanh.
Hiện nay, các công ty và tổ chức ngày càng có nhiều Chỉ số hiệu suất (KPI) liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG). Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia cũng yêu cầu báo cáo bắt buộc về ESG của doanh nghiệp. Do đó, tiền gửi xanh là sản phẩm tài chính hiệu quả, không chỉ giúp doanh nghiệp đạt được các KPI về ESG và thỏa mãn các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước sở tại mà còn vẫn đảm bảo lợi nhuận ổn định, bản thân doanh nghiệp cũng có thể đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh. Đại diện HSBC Việt Nam tin tưởng, hiện tại và tương lai, sản phẩm này chắc chắn sẽ được các doanh nghiệp đón nhận và tham gia tích cực.
Sản phẩm huy động tiền gửi xanh của ngân hàng này ra đời vào cuối năm ngoái, thu hút doanh nghiệp tham gia hiệu quả, cho phép ngân hàng này tiếp tục tài trợ vào những dự án năng lượng tái tạo và tòa nhà xanh. Tiền gửi xanh được ngân hàng sử dụng cho các hoạt động tín dụng xanh tuân thủ theo các quy định nội bộ về trái phiếu xanh và bộ nguyên tắc tín dụng xanh, trong các lĩnh vực xanh đủ điều kiện (năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, tòa nhà xanh, quản lý chất thải bền vững, sử dụng đất bền vững, vận tải sạch, quản lý nguồn nước bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu).
Về phía khách hàng tiền gửi xanh, ông Trần Thanh Vũ - Tổng giám đốc Syngenta Việt Nam cho rằng, tham gia chương trình tiền gửi xanh của ngân hàng ngoại này, hướng đến đầu tư vào các dự án và sáng kiến thân thiện với môi trường. Điều này cũng phù hợp với quan điểm phát triển của doanh nghiệp. Những năm qua doanh nghiệp đã và đang giúp hàng triệu nông dân canh tác hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp và cải thiện đời sống ở khu vực nông thôn thông qua việc thực hiện các cam kết trong Chương trình Phát triển bền vững.
Theo cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, để phát triển ngân hàng xanh đòi hỏi quá trình và đầu tư lớn về tài chính, nguồn lực con người, nên cần có sự đồng bộ của nhiều bộ ngành liên quan. Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cũng đang hướng tới một tổ chức bảo hiểm tiền gửi xanh, đảm bảo phát triển bền vững ba yếu tố: kinh tế - môi trường – xã hội. Cụ thể đơn vị đã xây dự và triển khai các dịch vụ bảo hiểm tiền gửi trực tuyến, chi trả bảo hiểm tiền gửi bằng hình thức trực tuyến giúp tiết kiệm nhân lực và tài nguyên. Từ đó, góp phần có hiệu quả vào quá trình xanh hóa hoạt động tài chính – ngân hàng.
Xanh hóa hoạt động tài chính nằm trong tăng trưởng kinh tế xanh trên toàn cầu là một xu hướng không thể cưỡng lại. Ở Việt Nam, Chính phủ đã có những hành động cụ thể thực hiện lộ trình mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong ngành Ngân hàng đã có các chỉ thị xây dựng ngân hàng xanh và sổ tay xây dựng ngân hàng xanh. Theo Quyết định 1604/QĐ-NHNN, Thống đốc NHNN đã phê duyệt đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam với mục tiêu cụ thể là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển mạnh các kênh giao dịch điện tử, dịch vụ, phương thức thanh toán mới trên nền tảng công nghệ hiện đại. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 tại Việt Nam có 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh. NHNN cũng dành cơ chế chính sách khuyến khích các TCTD phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ xanh riêng biệt bổ sung vào danh mục sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống. Theo đó, tập trung nghiên cứu cơ chế và công cụ ưu đãi khuyến khích ngân hàng xanh và tín dụng xanh thông qua chính sách tái cấp vốn và tái chiết khấu. Đồng thời ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế thông qua NHNN cho các NHTM có tỷ trọng cho vay tín dụng xanh cao.