Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã chính thức công bố “Báo cáo đánh giá hệ thống tiền tệ và thanh toán”, bao gồm hệ thống thanh toán tức thời (Instant Payment Systems) và đồng tiền ổn định (Stablecoin). Báo cáo đã mô tả các lựa chọn phát triển một đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) trong bối cảnh những cân nhắc về chính sách công liên quan đến sự phát triển của tiền tệ và hệ thống thanh toán trong tương lai nhằm hỗ trợ, củng cố vai trò lãnh đạo tài chính toàn cầu của Mỹ, thúc đẩy tài chính toàn diện, bình đẳng và giảm thiểu rủi ro từ các giao dịch tài chính bất hợp pháp.
Vai trò của ngân hàng trung ương và hệ thống thanh toán
Ngân hàng trung ương (NHTW) là trung tâm của hệ thống tiền tệ. Theo quan điểm này, tiền của NHTW là nền tảng cho các khoản thanh toán liên ngân hàng, đóng vai trò xương sống của hệ thống thanh toán theo nghĩa rộng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có nhiệm vụ cung cấp số dư tiền tệ và dự trữ, vận hành hệ thống thanh toán và giám sát một số trung gian phát hành tiền ở khu vực tư nhân và thực hiện giao dịch thanh toán. Ngay cả khi hệ thống thanh toán và tiền tệ phát triển, vai trò của NHTW trong việc quyết toán cuối cùng vẫn phải được duy trì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tính hiệu quả và các lợi ích công cộng khác.
Hệ thống tiền tệ và thanh toán hiện tại của Mỹ có một số điểm mạnh đáng kể. Điều này đã được minh chứng khi hệ thống đã hỗ trợ nền kinh tế Mỹ hơn một thế kỷ vừa qua, khẳng định vị thế, vai trò lãnh đạo dẫn dắt về kinh tế và tài chính của Mỹ, có khả năng xử lý khối lượng giao dịch khổng lồ, hiệu quả và đáng tinh cậy. Đồng thời, người dùng hệ thống thanh toán được hưởng các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư. Một số hệ thống thanh toán cũ có thể hoạt động chậm, khó thích ứng và là thách thức đối với một số người tiêu dùng và doanh nghiệp trong việc tiếp cận. Bên cạnh đó, một bộ phận dân số Mỹ chưa được cung cấp đầy đủ các dịch vụ, và các hệ thống hiện có vẫn còn nhiều “dư địa” phát triển, có cơ hội thúc đẩy tài chính toàn diện trên quy mô rộng.
Tại Mỹ, một số hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt cơ bản gồm: Fedwire (hệ tống thanh toán bán buôn giá trị lớn, được vận hành bởi Federal Reserve); CHIPS (hệ thống thanh toán bán buôn giá trị lớn, được vận hành bởi Tổ chức Bù trừ); FedACH (được vận hành bởi Federal Reserve); Hệ thống Thanh toán Điện tử - ACH (được vận hành bởi Tổ chức Bù trừ); Hệ thống Thanh toán Tức thời – RTP (được vận hành bởi Tổ chức Bù trừ) và FedNow Service (do Federal Reserve vận hành nhưng hiện chưa chính thức đi vào hoạt động).
Đổi mới về tiền tệ và thanh toán gần đây tại Mỹ
Những năm gần đây đã chứng kiến những đổi mới về tiền tệ, thanh toán (bán buôn, bán lẻ) và thanh toán xuyên biên giới, cho phép bổ sung chức năng người sử dụng trên giao diện các hệ thống thanh toán thanh toán hiện tại, nhưng đáng chú ý hai thay đổi cơ bản có tác động sâu rộng hơn, đó là: Hệ thống thanh toán tức thời1 và Stablecoin.
Trong đó, hệ thống thanh toán tức thời là một nâng cấp quan trọng đối với hệ thống thanh toán hiện tại. Stablecoin với kỳ vọng trở thành một loại tiền tệ mới được hỗ trợ bởi công nghệ thanh toán mới. Tuy nhiên tiềm ẩn một số rủi ro lớn hơn liên quan đến các khía cạnh tài chính và công nghệ của chúng so với thanh toán tức thời và các hình thức thanh toán và tiền tệ hiện có khác.
Điều này khiến việc dự báo tác động của các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách về Stablecoin đối với tương lai của tiền tệ và hoạt động thanh toán trở lên khó khăn hơn bao giờ hết. Đồng thời, nó đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách về kinh tế và tiền tệ của Mỹ trong việc duy trì sự ổn định tài chính-tiền tệ cũng như đảm bảo hệ thống thanh toán hoạt động an toàn, thông suốt.
Một số cân nhắc về chính sách và khuyến nghị của Bộ Tài chính Mỹ
Trong bối cảnh và xu hướng trên, Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra những cân nhắc và khuyến nghị chính sách với mục tiêu cải thiện hệ thống tiền tệ và thanh toán của Mỹ trong tương lai, qua đó thúc đẩy các giá trị cốt lõi của Mỹ, tăng cường hội nhập và giảm thiểu các rủi ro phát sinh, cụ thể:
Thứ nhất, nghiên cứu về CBDC tiềm năng của Mỹ trong trường hợp xác định phát triển CBDC vì lợi ích quốc gia
Theo Bộ Tài chính Mỹ, CBDC có tiềm năng mang lại những lợi ích to lớn song cần nghiên cứu thấu đáo, phát triển thêm về công nghệ hỗ trợ CBDC và có thể mất nhiều năm để triển khai thành công. CBDC có thể đóng góp vào một hệ thống thanh toán hiệu quả hơn, tạo nền tảng cho sự đổi mới sáng tạo về công nghệ, tạo điều kiện cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, hiệu quả hơn; qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế, bảo vệ thị trường tài chính trước rủi ro hoạt động, an ninh mạng, cũng như phù hợp với các quyền cá nhân và giảm thiểu rủi ro của các giao dịch tài chính bất hợp pháp.
CBDC tiềm năng của Mỹ có thể tác động đến an ninh quốc gia và cần được thiết kế để duy trì vai trò dẫn dắt về tài chính trên toàn cầu của Mỹ và hỗ trợ hiệu quả các lệnh trừng phạt về kinh tế (khi cần thiết). Theo đó, Chính phủ cần đảm bảo rằng các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất về CBDC nhất quán với các giá trị ưu tiên mang tính cốt lõi của Mỹ như bảo vệ quyền riêng tư và ngăn ngừa các hoạt động tài chính bất hợp pháp.
Thứ hai, khuyến khích sử dụng các hệ thống thanh toán tức thời để hỗ trợ bối cảnh hoạt động thanh toán của Mỹ cạnh tranh hơn, hiệu quả và toàn diện hơn
Hệ thống thanh toán tức thời thế hệ mới đã được phát triền gần đây hoặc dự kiến sớm ra mắt trong năm 2023, có khả năng xử lý khối lượng giao dịch cao hơn với chi phí thấp hơn so với một số hệ thống thanh toán hiện tại. Kinh nghiệm triển khai, vận hành hệ thống thanh toán tức thời trên thế giới cho thấy có thể cải tiến, nâng cấp hệ thống để nâng cao tính cạnh tranh, hoạt động hiệu quả của hệ thống thanh toán, giảm chi phí giao dịch xuyên biên giới, tuy nhiên, người tiêu dùng, doanh nghiệp và tổ chức tài chính có thể cần phải điều chỉnh hành vi, thói quen và thông lệ tài chính của họ để kết hợp áp dụng các công nghệ mới.
Ngoài ra, một số hệ thống thanh toán tức thời chỉ có thể truy cập trực tiếp bởi các tổ chức lưu ký hoặc thành viên của Fed. Những cải tiến tiềm năng đối với hệ thống thanh toán xuyên biên giới cũng đặt ra hàng loạt thách thức, bao gồm các vấn đề về quản trị rủi ro phát sinh khi xem xét khả năng tương tác, kết nối liên thông của các hệ thống thanh toán xuyên biên giới. Theo đó, Chính phủ Mỹ nên xem xét có các hành động, phản ứng chính sách kịp thời như tiếp tục nỗ lực tiếp cận người tiêu dùng, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng chưa được phục vụ (underserved communities), cũng như cần có sự tham gia của các tổ chức quốc tế; thúc đẩy phát triển và sử dụng các công nghệ hiện đại do các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán phát triển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc tiếp cận và sử dụng các hệ thống thanh toán tức thời nhiều hơn.
Thứ ba, thiết lập một khung khổ liên bang về quy định thanh toán để bảo vệ người tiêu dùng và hệ thống tài chính, đồng thời hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong thanh toán
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Chính phủ Mỹ nên thúc đẩy những đổi mới đáng tin cậy trong hoạt đọng thanh toán. Một mặt, sự tham gia của các tổ chức thanh toán phi ngân hàng có thể góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhiều hơn; mặt khác, nếu các tổ chức này không được quản lý và giám sát chặt chẽ, đầy đủ bởi các cơ quan quản lý thì có thể phát sinh rủi ro, hệ lụy đối với người tiêu dùng, hệ thống tài chính và cả nền kinh tế nói chung.
Vì vậy, một khung khổ cấp liên bang (federal-level framework) về quy định thanh toán sẽ giúp cơ quan quản lý nhận ra những lợi ích từ các dịch vụ thanh toán của các tổ chức phi ngân hàng trong khi mục tiêu giảm thiểu rủi ro vẫn được đảm bảo. Đồng thời, Chính phủ Mỹ cũng cần xem xét, tính đến việc thiết lập một khuôn khổ liên bang áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán phi ngân hàng, trong đó bổ sung các yêu cầu liên bang hiện có như bảo vệ người tiêu dùng, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (AML/CFT); đồng thời có thể hỗ trợ các vấn đề cần quan tâm bao gồm cả CBDC và hệ thống thanh toán tức thời.
Thứ tư, ưu tiên các nỗ lực cải thiện hoạt động thanh toán xuyên biên giới, nâng cao hiệu quả hệ thống thanh toán và bảo vệ an ninh quốc gia.
Những đổi mới sáng tạo về lĩnh vực thanh toán của khu vực tư nhân đã được thúc đẩy một phần bởi sự thiếu hiệu quả trong các hệ thống thanh toán xuyên biên giới hiện tại. Để giải quyết vấn đề này, các quốc gia đang nỗ lực đẩy mạnh thanh toán xuyên biên giới, thông qua việc nâng cấp, cải tiến các hệ thống thanh toán hiện có và cả các hoạt động trong tương lai nhằm thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới. Trong đó Mỹ có lợi ích quốc gia mạnh mẽ và ưu thế vượt trội trong việc tiên phong phát triển công nghệ mới và hỗ trợ các tiêu chuẩn toàn cầu cho các hệ thống thanh toán xuyên biên giới nhằm mang lại những giá trị cốt lõi của Mỹ, bao gồm quyền riêng tư và nhân quyền, phù hợp với các cân nhắc về AML/CFT, bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ.
Điều này đã được minh chứng thông qua việc Mỹ đã tham gia mạnh mẽ vào các tổ chức quốc tế như Nhóm Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) và Ủy ban Thanh toán và Cơ sở hạ tầng thị trường (CPMI), qua đó khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng của mình đối với thị trường tài chính thế giới.
Trước đó, vào năm 2020, G20 đã thông qua một lộ trình tăng cường thanh toán xuyên biên giới, trong đó đặt ra một Kế hoạch làm việc đầy tham vọng nhằm đáp ứng ưu tiên chính sách của Mỹ là phát triển một hệ thống thanh toán quốc tế nhanh hơn, chi phí rẻ hơn và minh bạch hơn. Những nỗ lực này cần được ưu tiên để đạt được kết quả với sự phối hợp của các cơ quan hữu quan, bao gồm nhưng không giới hạn: (i) Tăng cường sự an toàn, lành mạnh của các đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân và khu vực công đối với thanh toán xuyên biên giới, đồng thời bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ; (ii) Xem xét tính khả thi của các nền tảng đa phương mới và các thỏa thuận xuyên biên giới, bao gồm cả các giao dịch thanh toán tức thời; (iii) Hợp tác giữa các khu vực pháp lý để điều chỉnh các khuôn khổ quản lý, giám sát đối với các giao dịch thanh toán xuyên biên giới; (iv) Hài hòa giữa dữ liệu và thực tiễn thị trường đối với hoạt động thanh toán xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cũng đề cập đến một số cân nhắc về chính sách đối với Chính phủ trong vấn đề liên quan đến việc giới thiệu CBDC, được thảo luận dựa trên các mục tiêu được đề ra trong Sắc lệnh hành pháp, trong đó: (1) Kiến tạo tương lai của tiền tệ và thanh toán: Hệ thống tiền tệ và thanh toán phải đảm bảo hiệu quả, tạo nền tảng cho thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo về công nghệ, mức độ ổn định và tạo thuận lợi cho các giao dịch xuyên biên giới; (2) Hỗ trợ vai trò lãnh đạo tài chính toàn cầu của Mỹ: Hệ thống thanh toán và tiền tệ trong tương lai phải nhất quán với vai trò toàn cầu của đồng Đô la Mỹ, cho phép thực thi các biện pháp trừng phạt, và nâng cao các giá trị dân chủ, nhân quyền và quyền riêng tư; (3) Tăng cường phổ cập tài chính và bình đẳng: Những đổi mới đối với hệ thống thanh toán, bao gồm cả CBDC tiềm năng của Mỹ, sẽ cho phép tiếp cận và duy trì sự lựa chọn đối với người tiêu dùng tiềm năng, đặc biệt là người dân Mỹ không được hệ thống ngân hàng truyền thống phục vụ; và (4) Giảm thiểu rủi ro: Hệ thống phải phù hợp với mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính, giảm thiểu rủi ro phát sinh từ các giao dịch tài chính bất hợp pháp./.
NMĐ (Theo U.S. Department of The Treasury Report)