Các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn đang ngày càng sử dụng nhiều hơn các kênh trực tiếp để truyền thông chính sách thông qua mạng xã hội. Một nghiên cứu gần đây về truyền thông mạng xã hội của các NHTW thuộc nhóm các nền kinh tế G20 cho thấy nền tảng truyền thông mạng xã hội được các NHTW sử dụng phổ biến nhất là Twitter. Trong đó, các nội dung trên mạng xã hội nhận được sự chú ý và phản hồi lớn nhất của người dùng là thông tin về tiền, thảo luận về các quyết định và hoạt động chính sách tiền tệ.
Kể từ đầu những năm 1990, các NHTW bắt đầu sử dụng truyền thông như một trụ cột trong bộ công cụ chính sách tiền tệ của mình. Đối tượng ban đầu mà truyền thông của NHTW hướng mục tiêu đến là các chuyên gia như những người tham gia thị trường tài chính, các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và phương tiện truyền thông chuyên ngành, thay vì công chúng nói chung. Mặc dù chiến lược này phần lớn đã thành công trong việc giải thích quyết định chính sách tiền tệ cho các đối tượng chuyên gia, nhưng việc giao tiếp với công chúng nói chung đã không đạt được nhiều tiến triển.
Trong những năm gần đây, các NHTW lớn đang ngày càng sử dụng nhiều hơn các kênh phổ biến chính sách trực tiếp như: các trang web và tài khoản mạng xã hội của họ. Để đạt được mục tiêu này, các NHTW đã có những cải tiến làm cho trang web của mình trở nên thân thiện hơn với người dùng, với các công cụ và tài liệu giáo dục; đồng thời tăng cường sự hiện diện trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, LinkedIn và Twitter. Trong đó, kết quả khảo sát cho thấy Twitter dường như là một kênh được các NHTW sử dụng phổ biến hơn cả và có khả năng ảnh hưởng đến các sự kiện vĩ mô.
Bảng 1. Số người theo dõi tài khoản của các NHTW trên mạng xã hội (tính đến 9/2022)
Bảng 1 cung cấp thông tin về số lượng người theo dõi được ghi lại trên các nền tảng truyền thông xã hội của NHTW các nước G20 tính đến tháng 9/2022. Twitter dường như là kênh truyền thông xã hội phổ biến nhất đối với hầu hết các NHTW, ngoại trừ Úc, Pháp, Italia và Nam Phi, chủ yếu được theo dõi trên LinkedIn và Hàn Quốc - phổ biến hơn trên Facebook. (Dữ liệu được thu thập từ các tài khoản mạng xã hội được giới thiệu trên trang web chính thức của các NHTW).
Để cung cấp thêm chi tiết về cách các NHTW sử dụng phương tiện truyền thông xã hội làm công cụ giao tiếp, công cụ Twitter Academic API được sử dụng để trích xuất tất cả các tin nhắn Twitter do các NHTW G20 tạo ra kể từ khi họ tạo tài khoản. Đối với mỗi tin nhắn, các thông tin được trích xuất gồm văn bản, ngày tháng và ngôn ngữ của đoạn tin nhắn, số lượt thích và số tin nhắn phản hồi. Có tổng số 215.011 tweet được đưa vào cơ sở dữ liệu (không bao gồm các tin nhắn lại) được gửi từ tháng 6/2009 đến tháng 9/2022.
Bảng 2 cung cấp thông tin về số lượng tweet và các thống kê tương tác khác với nội dung truyền thông xã hội của các NHTW lớn. Kể từ khi sử dụng Twitter vào tháng 6/2010, NHTW Indonesia đã đăng khoảng 40.000 tweet và số lượng bài đăng trên mạng xã hội của ngân hàng này nhiều hơn gấp đôi so với NHTW xếp thứ hai trong các mẫu nghiên cứu là NHTW Pháp. NHTW Indonesia cũng có số lượt trả lời tweet cao nhất bởi những người dùng khác. Tuy nhiên, ngoại trừ NHTW này, trung bình chỉ có 2,5% số tweet của các NHTW khác trả lời những người dùng mạng xã hội khác.
Bảng 2. Thống kê mức độ tương tác trên Twitter của các NHTW (tính đến tháng 9/2022)
Bảng 2 trình bày dữ liệu về số lượng tweet do các NHTW G20 thực hiện tính đến tháng 9/2022, cùng với số lượt thích và lượt tweet lại trung bình mà các tweet của họ nhận được. Dữ liệu được thu thập bằng Twitter Academic API.
Tuy nhiên, số lượng tweet chỉ đo lường nỗ lực của các NHTW trong việc thu hút sự chú ý đến thông tin liên lạc của họ. Một khía cạnh quan trọng khác cần xem xét là sự tương tác của công chúng với các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội của các NHTW. Điều này có thể được bắt đầu từ số lượt thích và tin nhắn lại. Hai cột cuối cùng của Bảng 2 cung cấp thông tin về mức độ tương tác trung bình đối với các tweet của NHTW. Trong đó, NHTW Ả Rập Xê Út có số lượt tweet phản hồi lại ở mức cao nhất, tiếp theo là NHTW Nhật Bản, Fed và ECB. NHTW Pháp, NHTW Hàn Quốc và NHTW Nga có mức độ tương tác trung bình trên mỗi tweet thấp nhất.
Sau đó, nội dung của các tweet được nghiên cứu riêng lẻ để hiểu mối quan hệ giữa chủ đề với mức độ tương tác công khai. Để làm như vậy, trước hết tất cả các tweet được viết bằng ngôn ngữ khác đã được dịch sang tiếng Anh bằng cách sử dụng Microsoft Translator (138.667 tweet hoặc 65% mẫu). Sau đó, một mẫu ngẫu nhiên gồm 5.000 tweet được trích xuất và phân loại thành 09 chủ đề khác nhau, gồm: tiền giấy, bản tin và báo cáo, công bố dữ liệu và thống kê, thông tin tỷ giá hối đoái, chính sách tiền tệ, thông tin khác, trả lời tweet, nghiên cứu và hội nghị, bài phát biểu và phỏng vấn. Sau quá trình phân loại này, các nhà nghiên cứu đã tính toán tập hợp các thuật ngữ được sử dụng thường xuyên nhất cho từng chủ đề và sử dụng chúng để tiêp tục phân loại các tweet còn lại. Quy trình này cho phép phân loại tổng cộng 89.343 tweet, tương đương 42% mẫu.
Bảng 3 cho thấy sự phân bố của các tweet được phân loại theo các chủ đề khác nhau, cùng với các từ thường gặp nhất liên quan đến từng chủ đề. Sử dụng phân loại này và xem xét mười tweet được thích và chuyển tiếp nhiều nhất, kết quả cho thấy tất cả chúng đều được thực hiện để thông báo về việc giới thiệu tiền xu hoặc tiền giấy mới.
Bảng 3. Các chủ đề phổ biến trên mạng xã hội của NHTW
Kết quả cho thấy các thông báo về tiền giấy thu hút số lượng tin nhắn lại cao hơn so với các tweet liên quan đến tất cả các chủ đề khác. Ngoài ra, các tweet thảo luận về các quyết định và hoạt động của chính sách tiền tệ cũng thu hút phản ứng lớn hơn đáng kể từ người dùng Twitter.
Nhìn chung, kết qua nghiên cứu bước đầu cho thấy rằng các NHTW đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào mạng xã hội như một đặc điểm thường xuyên trong chính sách truyền thông của họ. Nghiên cứu tiếp theo có thể đi sâu hơn vào việc phân tích nội dung truyền thông xã hội tần suất cao như một công cụ để đo lường kỳ vọng của thị trường và hiệu quả của truyền thông NHTW. Một hướng khác cho nghiên cứu trong tương lai là vai trò của sự hiện diện trên phương tiện truyền thông xã hội của các thành viên điều hành chính sách tiền tệ, những người cũng đã tăng cường đáng kể nỗ lực của họ để tương tác với công chúng nhiều hơn.
HN (theo VoxEU)